Thương lái “sập bẫy” nhà buôn Trung Quốc

Thứ ba, ngày 22/05/2012 06:38 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giá khoai lang ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long liên tục giảm. Cánh thương lái ở địa phương “ngồi trên đống lửa” khi nhiều nhà buôn Trung Quốc về nước để lại số tiền nợ hàng tỷ đồng.
Bình luận 0

Làm ăn bằng... miệng

Ông Đ.D.Q (xin được giấu tên) - thương lái khoai lang ở xã Tân Thành (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) chuyên cung ứng khoai cho thương lái người Trung Quốc đang rối bời ruột gan vì đã lỡ cung ứng khoai mà chưa được thương nhân Trung Quốc thanh toán tiền.

img
Cùng với nông dân trồng khoai, thương lái nội cũng bị thương lái Trung Quốc quỵt tiền.

Ông Q cho biết: “Đa số các thương lái ở Bình Tân cung ứng khoai lang cho các thương buôn người Trung Quốc chỉ bằng chữ tín mà không cần bất cứ thủ tục (hợp đồng, nhận nợ…) nào. Một số thương lái còn giao hàng gối đầu có khi nợ lên đến hàng tỷ đồng”.

Theo ông Q hiện nay ở vùng trồng chuyên canh khoai lang của huyện Bình Tân có khoảng 50 thương lái chuyên cung ứng hàng cho khoảng 20 thương lái người Trung Quốc. Khi khoai hút hàng thì chuyện mua bán với họ rất dễ và thanh toán rất sòng phẳng. Tuy nhiên, khi khoai rớt giá thì họ lấy đủ lý do như khoai bị hư; bị da cám, da cây (chất lượng màu vỏ xấu) để chậm trả hoặc trừ tiền. Họ còn đưa ra quy định kích cỡ để loại bỏ những củ khoai lớn.

Mới đây, thương lái tên T đã bị đối tác phía Trung Quốc chậm chi trả 2/5 xe khoai lang (mỗi xe 38 tấn). Lý do mà họ đưa ra là khoai bị hư, chất lượng kém. Đến nay, lái buôn Trung Quốc vẫn chưa chịu thanh toán và đã về nước, không biết bao giờ mới trở lại.

Mới đây, khi giá khoai sụt giảm liên tục thì đối tác phía Trung Quốc đột ngột bỏ về nước mà chưa thanh toán cho ông Q số tiền gần 1 tỷ đồng. Mặc dù phía đối tác hẹn vài bữa sẽ qua thanh toán nhưng ông cảm thấy rất lo lắng vì không biết họ có giữ lời.

Theo thống kê của giới thương lái ở địa phương, hiện đối tác phía Trung Quốc còn nợ họ nhiều tỷ đồng chưa thanh toán. Hầu hết, số tiền này đều bị chậm trả từ 2 - 3 tháng. Theo lý giải của thương lái Trung Quốc là do thị trường gặp khó khăn, họ thiếu vốn nên chậm chi trả.

Tuy nhiên, theo nhiều thương lái đã làm ăn lâu năm với đối tác phía Trung Quốc thì đây có thể là “đòn gió” để họ chậm chi trả hoặc bỏ trốn hẳn về nước. Khi đó, thì thiệt thòi sẽ thuộc về thương lái địa phương vì không biết đâu để đòi nợ mà có đến nơi cũng chưa chắc đòi được vì không có hợp đồng hay giấy tờ gì để chứng minh.

Quản lý người nước ngoài lỏng lẻo

Hiện tại ở ven Quốc lộ 1 A (xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long) trở thành điểm tập kết khoai lang của thương buôn người Trung Quốc. Theo thống kê của chính quyền địa phương, có khoảng 13 vựa với khối lượng khoai chuyển đi Trung Quốc tiêu thụ khoảng 600 - 700 tấn mỗi ngày.

Tuy nhiên, hầu hết các vựa này đều được người địa phương làm chủ, thương buôn Trung Quốc chỉ đến đây thuê lại rồi vận chuyển về nước tiêu thụ.

Thương buôn đến từ Trung Quốc không có pháp nhân, trụ sở đăng ký kinh doanh tại Việt Nam, nên nếu họ bỏ trốn thì thiệt hại sẽ thuộc về thương lái ở địa phương đã giao dịch làm ăn với họ. Tuy nhiên, đến nay các cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp gì để xử lý tình trạng này. Cánh thương lái ở địa phương thì vừa làm vừa lo vì không biết khi nào họ... bỏ trốn.

Ông Phạm Hữu Đức – Chủ tịch UBND xã Thuận An cho biết: “Địa phương chỉ quản lý cư trú đối vối các thương buôn người Trung Quốc. Tất cả các thương buôn này đều có hộ chiếu du lịch và đến đây kinh doanh thông qua phiên dịch. Còn lại hoạt động kinh doanh của họ như thế nào, địa phương không thể quản lý được”.

Hầu hết các thương lái khoai lang ở Vĩnh Long hiện rất lo sợ thương buôn người Trung Quốc sẽ “ôm tiền” bỏ trốn như các địa phương khác. Bởi theo họ, việc “sập bẫy” thương buôn người Trung Quốc không sớm thì muộn cũng sẽ xảy ra.

Vĩnh Long: Giá khoai lang rớt thê thảm

Ngày 20.5, ông Đào Duy Quang - thương lái thu mua khoai lang tím Nhật ở xã Tân Thành (huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long) cho biết: Mấy ngày nay, giá khoai lang tím Nhật đang giảm liên tục. Hiện lái buôn Trung Quốc thu mua với số lượng hạn chế nên giá khoai đã rớt mạnh, chỉ còn khoảng 200.000 đồng/tạ. Do khoai liên tục rớt giá, nông dân sợ lỗ nên "neo" lại để chờ giá lên. Tuy nhiên, càng để lâu thì củ khoai càng lớn, vỏ xấu không đạt chuẩn xuất khẩu nên chỉ tiêu thụ được ở thị trường nội địa với giá 30.000 đồng/tạ. Theo ông Quang, khoai đạt tiêu chuẩn xuất khẩu thì khoảng 4 tháng là thu hoạch. Nếu nông dân để càng lâu thì tỷ lệ khoai quá lứa càng cao, một số nơi chiếm 30 - 40% sản lượng. Trước đây, lái buôn Trung Quốc mua tất cả các kích cỡ khoai nhưng khi khoai rớt giá, họ đưa ra tiêu chuẩn chỉ mua khoai loại nhỏ. Trong khi đó, khoai tiêu thụ nội địa rất chậm và với giá vài trăm đồng/kg như hiện nay khiến nhiều nông dân lỗ rất nặng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem