dd/mm/yyyy

Thương lái Trung Quốc giảm mua, xưởng chưng cất thứ dầu thơm xứ Lạng tồn đọng cả tấn

Lão nông Nông Văn Tú (SN 1960, thôn Nà Hấy, xã Bình Phúc, huyện Văn Quan, Lạng Sơn) đã có hơn 40 năm gắn bó với nghề chưng cất tinh dầu hồi - một đặc sản xứ Lạng. Do dịch Covid-19, thương lái Trung Quốc giảm thu mua, việc xuất khẩu sang châu Âu bị đình trệ khiến gia đình ông đang bị tồn cả tấn tinh dầu hồi.

Gìn giữ nghề gia truyền

Đến thăm xưởng chưng cất tinh dầu hồi của gia đình ông Nông Văn Tú, phóng viên Báo NTNN không khỏi ngỡ ngàng và bất ngờ bởi sự "chịu chơi" của một nông dân nhằm thăng hoa nghề chưng cất tinh dầu của mình. 

Ông Tú cho biết, toàn bộ máy móc, hệ thống chưng cất, nhà xưởng của ông đều đảm bảo để cho ra những mẻ tinh dầu hồi đạt chất lượng cao nhất, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Ông Tú cho biết, năm nay ông 60 tuổi nhưng đã dành hơn 40 năm để duy trì, phát triển nghề truyền thống của ông cha để lại này.

40 năm chắt lọc tinh dầu hồi bán sang trời Âu - Ảnh 1.

Ông Tú bên hệ thống chưng cất tinh dầu hồi mà ông mới đầu tư. M.T

"Ở xóm này có nghề truyền thống từ ông cha để lại, đó là nghề chưng cất tinh dầu hồi. Năm 19 - 20 tuổi tôi đã tập tành học làm nghề này với mong muốn gìn giữ, tiếp nối nghề của gia đình để không bị mai một, đồng thời cũng là công việc đem lại thu nhập"- ông Tú nói.

Dẫn phóng viên đi thăm khu vực đặt máy móc, ông Tú cho biết đây là hệ thống chưng cất tinh dầu hồi thủ công, đun bằng củi có từ đời ông cha. Chỗ máy móc này, ông Tú đang che đậy cẩn thận để lưu giữ làm kỷ niệm. 

"Thanh xuân của tôi là ngày nào cũng ngồi bên lò chưng cất canh củi lửa, quần áo lúc nào cũng tỏa ra mùi thơm ngào ngạt của hồi"- ông Tú tâm sự.

Ông Tú cho biết, hệ thống chưng cất theo kiểu truyền thống vừa phải tốn sức, vừa tốn nhiều củi mà chất lượng tinh dầu cho ra chưa thực sự đảm bảo, không đồng đều. Cuối năm 2019, gia đình ông quyết định "chơi lớn" khi đầu tư tới 1 tỷ đồng để mua sắm hệ thống máy móc chưng cất tinh dầu hồi chạy bằng điện.

Theo ông Tú, hệ thống chưng cất tinh dầu mới này có công suất lớn, cho ra sản lượng tinh dầu nhiều hơn mà chất lượng đảm bảo hơn hệ thống chưng cất tinh dầu thủ công cũ. "Giờ máy móc công suất lớn nên mỗi mẻ tôi chưng cất khoảng 2 tấn rưỡi hồi tươi hoặc hồi khô. Sau 2 ngày 2 đêm liên tục thì sẽ thu được khoảng 100 - 120kg tinh dầu (1kg tương đương 1 lít dầu). Về chất lượng tinh dầu hồi thì đảm bảo sạch sẽ và chất lượng cao hơn rất nhiều so với chưng cất kiểu truyền thống"- ông Tú cho biết.

Đau đáu lo thị trường tiêu thụ, tồn kho cả tấn vì thương lái Trung Quốc mua giá thấp

Ông Tú cho biết, nếu có đơn đặt hàng đều như những năm trước, trung bình 1 tháng gia đình ông có thể chưng cất ra được hơn 2,5 tấn dầu. Ngoài chưng cất từ nguồn nguyên liệu của gia đình, hàng năm, xưởng của ông còn thu mua hàng trăm tấn hồi nguyên liệu của bà con trong vùng để chưng cất tinh dầu phục vụ các đơn hàng xuất khẩu.

Mặc dù chất lượng tinh dầu hồi đảm bảo, tuy nhiên ông Tú chia sẻ, do giá cả bấp bênh, đầu ra không ổn định, phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc khiến nhiều người không thể bám trụ với nghề. Đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp từ đầu năm 2020 đến nay, việc xuất khẩu sản phẩm tinh dầu hồi gặp nhiều trở ngại. Hiện ông Tú là người duy nhất còn gắn bó với nghề nấu tinh dầu hồi tại xã Bình Phúc.

Ông cho biết, trước đây, thị trường Trung Quốc thường thu mua tinh dầu hồi với giá cao, sản phẩm chưa kịp làm ra đã được thương lái Trung Quốc đặt mua hết, nhiều người đầu tư mở lò nấu tinh dầu bằng nhôm để thu sản lượng tinh dầu nhiều hơn. Đặc biệt tại Bình Phúc, trước đây cứ mỗi gia đình có một lò đốt. Nhưng vài năm trở lại đây, thương lái Trung Quốc thu mua với giá rất thấp nên người làm tinh dầu hồi không thể xuất bán được sản phẩm, hoặc bán quá rẻ nên bị thua lỗ.

Ở xóm này có nghề truyền thống từ xa xưa ông cha để lại, đó là nghề chưng cất tinh dầu hồi. Năm 19 - 20 tuổi, tôi đã tập tành học làm nghề này với mong muốn gìn giữ, tiếp nối nghề của gia đình để không bị mai một, đồng thời cũng là công việc đem lại thu nhập".

Ông Nông Văn Tú

"Thời kỳ thị trường Trung Quốc còn thu mua mạnh, có những lúc khan hàng, thương lái thu mua tinh dầu hồi với giá rất cao, từ 3 - 3,5 triệu đồng/kg. Giờ thì giá rớt thê thảm, nhiều lúc còn ế ẩm chả có người mua. Trong khi đó, thị trường trong nước thì tiêu thụ nhỏ giọt. Thương lái từ các tỉnh thành cũng có tìm đến nhưng chỉ mua với số lượng ít. Sản phẩm nấu ra bị ùn ứ lại, vốn liếng nằm chết một chỗ nên nhiều người buộc phải bỏ nghề cũng dễ hiểu" - ông Tú nói.

Theo ước tính của ông Tú, 1 tấn hoa hồi tươi mới nấu được khoảng 30 - 35kg tinh dầu. Giá tinh dầu hiện tại giảm chỉ còn 1,2 triệu đồng/kg. Trong khi đó, giá nhập nguyên liệu hồi tươi là 32.000 - 35.000 đồng/kg, hồi khô giá 155.000 đồng/kg. Ngoài ra còn tính chi phí thuê nhân công, tiền điện hàng tháng. Trung bình cứ 1 lít tinh dầu hồi tiêu tốn 100.000 đồng tiền điện.

Ông Nông Văn Tú cho biết, tinh dầu hồi rất có giá trị, thường được sử dụng trong sản xuất dược, chế biến làm phụ gia thực phẩm, hoặc dùng làm hương liệu. Thị trường tiêu thụ tinh dầu hồi chủ yếu là các nước Trung Quốc, Mỹ, Bỉ, Hà Lan, Thái Lan, Ấn Độ...

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên việc vận chuyển, xuất khẩu sản phẩm gặp khó khăn. Hiện trong kho của gia đình ông Tú còn tồn hơn 1 tấn tinh dầu.

"Hướng tới làm ăn chuyên nghiệp hơn, tôi đang hoàn tất hồ sơ để sản phẩm tinh dầu hồi đạt chứng nhận OCOP 4 sao của địa phương. Sản phẩm tốt rồi, điều đó ai cũng công nhận, nhưng muốn bay xa hơn thì cần xây dựng được thương hiệu, có mẫu mã, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Mong rằng dịch bệnh ở các nước sẽ sớm được kiểm soát để sản phẩm của tôi có thể xuất ngoại bình thường"- ông Tú cho hay.

Mộc Trà