Thủy sản Mekong (AAM) báo lãi kỷ lục 8,8 tỷ đồng trong quý II/2022

19/07/2022 10:08 GMT+7
Kết thúc quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của Thủy sản Mekong (AAM) đạt 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3,1 tỷ đồng.

Công ty CP Thủy sản Mekong (HoSE: AAM) vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2022 với doanh thu đạt 67,5 tỷ đồng, tăng 133% so với cùng kỳ. Giá vốn bán hàng tăng 76% lên 52,4 tỷ đồng, lợi nhuận gộp kỳ này đạt 15 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lỗ 817 triệu đồng.

Doanh thu tài chính tăng 66% lên 1,8 tỷ đồng, trong đó, chi phí tài chính giảm 33,5% xuống 37,7 triệu, không xuất hiện chi phí lãi vay trong kỳ này.

Chi phí bán hàng tăng 123% lên hơn 6 tỷ đồng, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 64% lên 2,4 tỷ đồng.

Kết thúc quý II/2022, lợi nhuận sau thuế của AAM đạt 8,8 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 3,1 tỷ đồng. Đây là mức lãi kỷ lục của AAM so với các quý những năm gần đây.

Lũy kế 6 tháng, công ty ghi nhận doanh thu đạt 123,2 tỷ đồng, tăng 109%, lợi nhuận sau thuế đạt gần 11 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 4,2 tỷ đồng.

Thủy sản Mekong (AAM) báo lãi kỷ lục 8,8 tỷ đồng trong quý II/2022 - Ảnh 1.

Nguồn: Báo cáo tài chính quý II của AAM

Tính đến 30/6/2022, tổng tài sản của Thủy sản MeKong đạt 217 tỷ đồng, tăng 8% so với đầu năm. Tài sản ngắn hạn tăng 9% lên 178 tỷ đồng, trong đó đầu tư nắm giữ tăng 290% lên 60 tỷ đồng, hàng tồn kho giảm 46% xuống 45,6 tỷ đồng. Ở nguồn vốn, nợ phải trả tăng 76,5% lên 11,9 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 10,7 tỷ đồng (tăng 92%).

Năm 2022, AAM đặt mục tiêu sản lượng 3.000 tấn và lãi trước thuế chỉ 1 tỷ đồng.

Lý giải cho việc đặt mục tiêu kế hoạch khiêm tốn này, HĐQT AAM cho rằng, do thị trường xuất khẩu truyền thống vẫn còn hạn chế vì các rào cản kỹ thuật ngày càng phức tạp hơn. Ảnh hưởng xấu từ dịch COVID-19 vẫn còn lớn, nhất là việc tăng chi phí đầu vào và biến động lực lượng lao động. Ngành chăn nuôi cá tra đang trong giai đoạn suy thoái dần. Nhất là ở khu vực nông dân bên ngoài do con giống thoái hóa, bệnh tật, môi trường nuôi bị ô nhiễm.

Bên cạnh đó, cạnh tranh không lành mạnh trong ngành vẫn còn tiếp diễn. Giá đầu vào chuyển biến tăng nhanh trong khi giá bán chuyển biến không kịp thời vì còn hiện tượng bán phá giá, tranh giành khách hàng. Nhà xưởng, trang thiết bị đã đến hạn cần đầu tư nâng cấp phải tốn kém chi phí cao cũng là một khó khăn của AAM.

Ngoài việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cho năm 2022, HĐQT AAM cũng xây dựng chỉ tiêu kế hoạch cho các năm tiếp theo cũng với mục tiêu tăng trưởng khiêm tốn, cụ thể: Năm 2023, với tổng doanh thu 170 tỷ đồng, sản lượng đạt 3.600 tấn và lãi trước thuế 3 tỷ đồng; Năm 2024, tổng doanh thu 200 tỷ đồng, sản lượng đạt 4.100 tấn, lãi trước thuế 4 tỷ đồng; các năm 2025-2026, AAM cũng đặt chỉ tiêu doanh thu là 200 tỷ đồng, sản lượng 4.100 tấn, nhưng lãi trước thuế lần lượt là 6 tỷ đồng và 8 tỷ đồng.

Để đạt được những mục tiêu trên, trong 5 năm tới, AAM sẽ nâng cấp nhà xưởng và trang thiết bị đông lạnh (chi phí dự kiến từ 5 đến 15 tỷ đồng); tiếp tục liên kết với nông dân để chăn nuôi cá tra, dự kiến 10 tỷ đồng; trang bị thêm 1 Máy IQF 600 kg/giờ, 1 máy mạ băng công suất 2,000 kg/giờ.

Về thị trường tiêu thụ, Công ty sẽ kết nối chặt hơn đối với thị trường truyền thống, với khách hàng thân quen. Đồng thời phát triển khách hàng Trung Quốc, Hồng Kông, khối Á Rập, Châu Mỹ La Tinh để tăng doanh thu.


O.Lý
Cùng chuyên mục