Tịch thu xe của tài xế say xỉn: "Không thể áp dụng ngay"

Tất Định - Trịnh Thu Thứ sáu, ngày 06/03/2015 19:15 PM (GMT+7)
“Đề xuất tịch thu phương tiện của lái xe vi phạm nồng độ cồn cần được xem xét kỹ lưỡng, không thể áp dụng ngay được”, Trưởng khoa Luật hành chính, Đại học Luật Hà Nội khẳng định.
Bình luận 0
Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia vừa đề nghị sẽ tịch thu phương tiện đối với lái xe say rượu. Sau khi đề xuất được đưa ra, dư luận đã có rất nhiều ý kiến trái chiều.

img
Ảnh minh họa.
Để làm rõ hơn vấn đề này, chiều 6.3, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Tô Văn Hòa, Trưởng khoa Luật Hành chính, Đại học Luật Hà Nội.

Ông nghĩ gì về đề xuất tịch thu phương tiện lái xe vi phạm nồng độ cồn của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia?

- Tôi hoàn toàn đồng ý với đề xuất này, bởi uống rượu bia khi lái xe ảnh hưởng trực tiếp tính mạng của người lái xe và cả những người xung quanh, không chỉ Việt Nam mà tất cả các nước đều quan tâm.

Chế tài với hình thức vi phạm uống rượu bia lái xe ở các quốc gia phát triển rất được coi trọng. Nhiều nước còn có những chế tài hình sự như phạt tù, phạt tiền cực nặng.

Trước tình hình tai nạn giao thông do rượu bia gia tăng, việc cân nhắc tới mức phạt cao hơn là hợp lý. Tuy nhiên, đề xuất tịch thu phương tiện lái xe vi phạm nồng độ cồn cần được xem xét kỹ lưỡng, đối chiếu với các luật hiện hành, không thể áp dụng ngay được.

Ông đánh giá như thế nào về tính pháp lý của đề xuất này?

- Trong Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định, Điều 21 điểm D nói đến việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính, không nhắc đến quyền sở hữu. Điều 26 cũng đã nói đến việc tịch thu phương tiện vi phạm hành chính để sung vào ngân sách Nhà nước, phạt tiền, hàng hóa phương tiện liên quan đến vi phạm hành chính được áp dụng với vi phạm hành chính nghiêm trọng.

Hiến pháp 2013 quyền bảo hộ tài sản là rất cao, nhưng điều đó không có nghĩa là loại trừ khả năng pháp luật có những chế tài liên quan đến tài sản vi phạm mà không kể đến giá trị của nó như thế nào.

Luật Xử lý vi phạm hành chính cũng có quy định về việc xử lý tài sản vi phạm, Bộ luật Hình sự cũng có những quy định tương tự. Chính vì vậy, về mặt pháp lý và hiến định thì những đề xuất này không vi phạm Hiến pháp.

Nếu phương tiện tài xế vi phạm nồng độ cồn là xe thuê, mượn; ông nghĩ sao về trường hợp này?

- Trường hợp xe vi phạm bị tịch thu là xe mượn, thuê thì giữa người cho thuê, mượn và người sử dụng là quan hệ dân sự.

Theo quan điểm của tôi, khi xây dựng quy định tịch thu phương tiện, nếu người đi xe say rượu bia vi phạm thì phải có trách nhiệm bồi thường cho chủ phương tiện.

Nếu quy định được áp dụng, theo ông cấp nào mới đủ thẩm quyền để tịch thu phương tiện vi phạm?

- Theo Luật Xử lý vi phạm hành chính, hiện nay không phải cấp nào cũng được phép tịch thu phương tiện. Cục trưởng Cục Đường bộ mới có thể quyết định tịch thu tang vật vi phạm giá trị lớn như ô tô và không giới hạn giá. Còn các phương tiện như xe máy thì giám đốc công an tỉnh được quyền quyết định tịch thu, nhưng giá trị phương tiện không cao hơn mức phạt.

Nếu quy định của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia được áp dụng, trao quyền cho cấp nào tịch thu xe, nhất thời tôi chưa nghĩ đến.

Theo tôi, trước hết phải xây dựng quy phạm pháp luật hoàn chỉnh. Thông thường cảnh sát giao thông phát hiện ra vi phạm thì sẽ lập biên bản giữ xe, không phải tịch thu ngay tại chỗ.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem