Tich tụ đất đai: Tại sao chỉ cho doanh nghiệp thuê đất?

PGS.TS Trần Thị Minh Châu - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Thứ năm, ngày 04/05/2017 06:15 AM (GMT+7)
Sau khi Báo NTNN đăng tải loạt bài “Lật lại vấn đề tích tụ đất đai trong nông nghiệp”, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến góp ý, đề xuất các giải pháp liên quan đến vấn đề này.
Bình luận 0

Ở nước ta, nông nghiệp và nông dân giữ vai trò rất quan trọng trong duy trì ổn định kinh tế, chính trị, xã hội không chỉ trong quá khứ, mà còn trong hiện tại và tương lai gần. Chính vì thế, những vấn đề liên quan đến nông nghiệp, nông dân phải được nghiên cứu và giải quyết một cách thận trọng.

img

Theo nghiên cứu, việc để người nông dân sở hữu đất đai vẫn có hiệu quả hơn cả. Ảnh: T.L

Hiện nay, có nhiều sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận đất đai, ví dụ như chính quyền đứng ra làm trung gian vận động nông hộ và ký hợp hợp đồng thuê đất của họ, sau đó giao cho doanh nghiệp; phổ biến nhất là chính quyền vận động và ít nhiều bảo lãnh để nông hộ cho doanh nghiệp thuê đất; liên kết giữa nông hộ và doanh nghiệp dưới nhiều hình thức như góp vốn cổ phần bằng đất, cho thuê đất dài hạn nhưng vẫn canh tác trên đất của mình để hưởng lương, doanh nghiệp ký hợp đồng cung cấp vật tư, bao tiêu sản phẩm… 

Song, tích tụ, tập trung đất nông nghiệp theo phương thức nào là phù hợp với điều kiện hiện nay? Vấn đề hạn điền cũng như thời hạn giao đất có phải là điểm nghẽn cản trở quá trình tích tụ, tập trung đất đai để phát triển nông nghiệp theo hướng hiệu quả không? Lợi ích của người nông dân sẽ bị ảnh hưởng như thế nào theo các mô hình tích tụ đất đai? Đó là 3 câu hỏi mà bài viết này muốn bàn luận đôi chút.

Nông dân tập trung sử dụng đất

Các chủ trang trại mua hoặc thuê đất để canh tác một diện tích lớn, liền khoảnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho xây dựng hệ thống kênh, mương tưới, tiêu, sử dụng giống đồng nhất, thực hiện cơ giới hóa, công nghệ hiện đại… Mô hình tích tụ, tập trung đất đai này đòi hỏi hộ nông dân phải có điều kiện thuận lợi trong huy động vốn, thị trường máy nông nghiệp, vật tư, giống mới sẵn có và được tổ chức tốt. Nhìn chung đa số hộ nông dân Việt Nam không có được những điều kiện này do họ không có tài sản tích lũy nên khó huy động đủ vốn để đầu tư kinh doanh nông nghiệp theo hướng hiện đại, không có đủ tri thức và kỹ năng, kinh nghiệm vận hành các nông trại lớn, hiện đại.

Chỉ có một số rất nhỏ các hộ đã tích lũy được tài sản (đất, tài sản tài chính) để có thể mua đất phục vụ nhu cầu kinh doanh quy mô lớn. Về mặt chính sách của Nhà nước, nên khuyến khích họ tích tụ ruộng đất ở quy mô kinh doanh hiệu quả. Trong giai đoạn hiện nay, để khắc phục tình trạng năng lực của các nông hộ thấp, có thể tập trung ruộng đất theo hình thức thuê ruộng. Tuy nhiên, cần có khung pháp lý hỗ trợ người thuê đất thuê trong thời hạn đủ dài để họ có thể thu hồi vốn đầu tư nông trại. Ở Việt Nam, điều kiện cho phép thuê đất của hộ nông dân một cách ổn định, lâu dài còn chưa tích hợp đủ mạnh, nhất là tình trạng nông dân không muốn cho thuê lâu dài và tình trạng phá ngang hợp đồng cho thuê đất còn khá phổ biến.

Các hộ nông dân tập trung đất để sử dụng dịch vụ chung của hợp tác xã nông nghiệp mà vẫn giữ quyền sở hữu và canh tác trên đất của mình. Mô hình này đã thành công ở nhiều nước có bình quân diện tích đất nông nghiệp thấp, dân số ở nông thôn còn khá đông, điều kiện canh tác khó khăn hơn Việt Nam như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc. Các hợp tác xã không đứng ra quản lý đất của nông hộ với tư cách đại diện cho nông hộ về sở hữu đất đai. Hợp tác xã chỉ phối hợp hoạt động canh tác của nông hộ theo một kế hoạch có lợi cho nông hộ trong các khâu cần sự hợp tác như cùng chung hợp đồng mua vật tư, phối hợp về các khu vực sử dụng giống đồng nhất để tránh thoái hóa giống cũng như cung cấp đủ quy mô sản phẩm tối ưu cho thị trường, sử dụng chung máy nông nghiệp để giảm chi phí mua sắm, hợp tác trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm thích nghi với thị trường một cách có lợi chung cho các nông hộ…

Hài hòa lợi ích khi cho doanh nghiệp thuê đất của dân

Còn một mô hình nữa là, tập trung đất giao cho các doanh nghiệp kinh doanh ở quy mô lớn theo công nghệ hiện đại. Mô hình này có thể hình thành theo hai cách: Chủ doanh nghiệp thuê hoặc mua đất nông nghiệp của chủ đất. Ở các nước tư bản thực hiện cải cách ruộng đất không triệt để hoặc có diện tích đất công rất lớn, các doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi để tiếp cận các diện tích đất đủ lớn thông qua con đường mua đất hoặc thuê đất của một số ít chủ đất.

Ở các nước như nước ta, quá trình cải cách ruộng đất đã phân chia đất khá manh mún cho từng hộ nông dân, điều kiện tiếp cận đất quy mô lớn của doanh nghiệp khó khăn hơn nhiều. Bởi vì, nếu thuê đất, doanh nghiệp phải đối mặt với số lượng hợp đồng rất lớn khiến chi phí quản lý cao, rủi ro phá vỡ hợp đồng dẫn đến thiệt hại rất lớn. Hơn nữa, nhu cầu cho thuê của các hộ nông dân khá khác nhau, nên doanh nghiệp gặp khó khăn khi muốn có cánh đồng lớn liền khoảnh. Hiện tại, thu nhập từ nông nghiệp ở Việt Nam khá thấp, nên giá thuê đất cũng thấp (120-150kg thóc/ sào/năm), người nông dân đắn đo giữa rủi ro không lấy lại được đất cho thuê và lợi ích nhận được khi cho thuê đất.

Vì thế, so sánh giữa lợi ích thấp, rủi ro cao nên hộ nông dân không có nhiều động lực cho thuê đất, ngay cả khi đất bỏ hoang, không có lao động để canh tác. Ở Việt Nam, các doanh nghiệp vấp phải hai khó khăn: Đó là phải chi ra lượng vốn lớn để mua đất và hạn điền. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam không trường vốn đến độ có thể mua được diện tích đất lớn để kinh doanh hiệu quả.

Mặc dù có nhiều sáng kiến gặt hái được thành công, nhưng để triển khai đại trà các sáng kiến đó còn gặp nhiều trở ngại như: chế tài tuân thủ hợp đồng về cả hai phía, doanh nghiệp và hộ nông dân, chưa mạnh; hiệu quả liên kết bấp bênh, chịu ảnh hưởng tiêu cực của giá cả và tính thiếu tổ chức của thị trường nông sản; chuỗi liên kết không bền vững vì cơ chế phân chia lợi ích chưa công bằng…

Một số người nôn nóng muốn thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nhằm chặn đà suy giảm trong tốc độ tăng trưởng của nông nghiệp bằng “sáng kiến” đề nghị Nhà nước thu hồi đất của dân (có đền bù) để giao cho doanh nghiệp như cách làm đối với khu công nghiệp, khu đô thị. Nếu làm vậy, sẽ xuất hiện vấn đề: Tại sao người nông dân không có được quyền kinh doanh nông nghiệp ngang bằng doanh nghiệp? Hơn nữa, nhiều công trình nghiên cứu trên thế giới đã cho thấy, không phải mô hình kinh doanh nông nghiệp quy mô lớn do doanh nghiệp đảm nhận đã có hiệu quả hơn hẳn kinh doanh của hộ gia đình.

Bởi vì kinh doanh nông nghiệp phụ thuộc rất lớn vào điều kiện tự nhiên và quá trình sinh trưởng của sinh vật. Công nghệ có thể tác động vào quá trình tăng trưởng này, những mức độ còn nhỏ bé (chưa kể nguy cơ có thể đem lại tác hại cho sức khỏe của người tiêu dùng). Vì thế, tính chủ động trong tính toán hiệu quả của kinh doanh nông nghiệp thấp, rủi ro cao, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch vừa tốn kém, vừa khó khăn, kết quả là tỷ suất lợi nhuận bình quân thấp, không hấp dẫn nhà đầu tư…

Những phân tích trên cho thấy, cần cân nhắc thận trọng “sáng kiến” thu hồi đất của nông dân giao lại cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần chú ý thêm một nhược điểm nữa của “sáng kiến” này là vấn đề việc làm của nông dân bị thu hồi đất. Bởi vì, doanh nghiệp, để có thể kinh doanh hiệu quả hơn nông hộ, phải cơ giới hóa, tự động hóa.

Khi đó lượng lao động họ sử dụng được sẽ ít hơn lượng lao động thất nghiệp của các gia đình bị thu hồi đất. Tình trạng này sẽ khiến nông thôn rối ren hơn nếu như Nhà nước không có cách tạo đủ việc làm cho những người này. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem