Tiêm chủng: Tự nguyện hay bắt buộc?

Diệu Thu Thứ tư, ngày 26/08/2015 14:44 PM (GMT+7)
Chủ động đưa trẻ đi tiêm chủng là trách nhiệm của mỗi gia đình. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại những suy nghĩ chưa đầy đủ về tiêm chủng tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh bùng phát.
Bình luận 0

Trong cuộc nói chuyện năm 2008, Tổng thống Mỹ, Barack Obama đã khuyến khích phụ huynh nên cho con mình tiêm chủng. Ông Barack Obama nói: “Cha mẹ nên đưa trẻ đi tiêm phòng vắc-xin. Tôi hiểu rằng có những gia đình, trong một số trường hợp, lo lắng về tác dụng phụ của vắc-xin. Nhưng khoa học chứng minh hiệu quả của vắc-xin là điều không thể chối cãi. Chúng ta nhìn lại, có mọi lý do để tiêm phòng vắc-xin, nhưng không có bất cứ lý do nào để từ chối. Tiêm phòng là tốt cho trẻ em và sẽ trở thành vấn đề thách thức nếu bạn có đông con mà không đưa chúng tiêm chủng, nếu nhóm trẻ này đủ để tạo nên số phần trăm dân số không được tiêm phòng… rồi bỗng chốc họ trở thành nhóm dễ tấn công nhất của dịch bệnh”.

img

Phó Thủ tướng thăm điểm tiêm chủng Trạm y tế xã Song Mai, TP Bắc Giang.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ, bà Hilary Clinton cũng truyền đi một thông điệp với các phương tiện truyền thông: “Khoa học đã chứng minh, giống như Trái đất hình cầu, bầu trời màu xanh,tiêm chủng vắc xin hoàn toàn là một giải pháp phòng bệnh hữu hiệu”. Bà nhấn mạnh: “Tôi không chỉ là một nhà chính trị mà trên hết còn là một người bà trong gia đình, nên bà hiểu rõ những gì tốt nhất cho con cháu”.

Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ đã xếp tiêm chủng mở rộng  đứng thứ 4 trong 10 thành tựu lớn nhất về y tế công cộng của thế kỷ XX. Việc lựa chọn không tiêm chủng cho con bạn cũng có thể gây nguy hiểm tới sức khỏe của những đứa trẻ khác trong cộng đồng.

Trong khi đó, tại Úc, lo ngại trước số lượng trẻ không được tiêm chủng tiếp tục tăng cao, làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm, Thủ tướng Úc, Tony Abbott đã công bố chính sách “Không tiêm chủng, không trả tiền” đối với những gia đình không tiêm chủng cho con.

Theo đó, các hộ gia đình ở nước này sẽ bị cắt nguồn trợ cấp hàng ngàn đô Úc cho dịch vụ chăm sóc trẻ em cũng như phúc lợi xã hội nếu không cho con cái đi tiêm phòng.

Chính sách này được áp dụng từ tháng 1/2016, nếu cha mẹ không đưa trẻ trong độ tuổi quy định đi tiêm chủng đầy đủ (ngoại trừ những trường hợp đặc biệt). Chính phủ Úc sẽ không chi trả các khoản tiền hỗ trợ chăm sóc trẻ em và giảm thuế thu nhập cuối năm cho họ, số tiền này có thể lên tới 15.000 đô la Úc/năm.

Ở châu Á, Quốc đảo Singapore đã có một bài học không nhỏ về việc không đưa trẻ đi tiêm chủng.

Mặc dù Bộ Y tế Singapore đã đẩy mạnh công tác giáo dục cộng đồng về chính sách tiêm chủng, Bộ Giáo dục Singapore yêu cầu phải có giấy chứng nhận tiêm chủng khi nộp hồ sơ đăng ký vào lớp 1. Tuy nhiên, một nhóm dân cư mạng tại nước này khuyến khích các bậc phụ huynh coi thường luật, cho rằng họ sẽ không bị truy tố vì từ chối tiêm chủng bắt buộc chống bệnh sởi và bạch hầu. Hậu quả là số ca mắc bệnh sởi của Singapore trong năm 2014 tăng cao gấp 2 lần năm trước.

Những kinh nghiệm tuyên truyền thông tin về tiêm chủng từ Singapore, Mỹ hay Úc đều là những bài học giá trị cho bất cứ quốc gia nào trên thế giới, nhằm chung tay ngăn chặn dịch bệnh, nâng cao sức khỏe người dân, hướng đến sự phát triển vững bền.

Tại Việt Nam, Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm đã quy định: “Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc -xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc tiêm chủng mở rộng”.

Tuy nhiên, trên thực tế chúng ta mới chỉ dừng lại ở việc tuyên truyền, vận động là chính. Các biện pháp xử phạt khi không tuân thủ tiêm chủng như cắt giảm các chính sách về an sinh xã hội, phạt tiền... như các nước chưa triển khai.

Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho rằng, để phát triển tiêm chủng và để người dân tin tưởng vào việc tiêm chủng , ngoài việc tuyên truyền để người dân hiểu về quyền lợi, nghĩa vụ khi tiêm chủng, về hiệu quả phòng bệnh nguy hiểm của vắc-xin, tăng cường đầu tư mở rộng thêm nhiều loại vắc-xin mới phòng bệnh, ngành y tế sẽ tăng cường giám sát, kiểm tra chất lượng công tác tiêm chủng dịch vụ và tiêm chủng mở rộng... Trong tương lai cũng cần đề ra các chính sách cụ thể để việc đưa con đi tiêm chủng phòng bệnh trở thành nghĩa vụ của cha mẹ, vừa nhằm bảo vệ sức khỏe của trẻ, vừa bảo vệ cộng đồng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem