Tiêm thuốc độc lần 1 phạm nhân chưa chết, phải làm sao?

Hoà Nguyễn Thứ sáu, ngày 27/12/2019 12:20 PM (GMT+7)
Bộ Tư pháp đang tiến hành thẩm định dự thảo 2 Nghị định quy định về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Bình luận 0

Theo đó, nghị định này quy định về thuốc tiêm và cơ sở vật chất, trang bị, phương tiện sử dụng cho thi hành án tử hình, quy trình thực hiện việc tiêm thuốc.

Nghị định này cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong thi hành án tử hình; quy định về điều kiện đảm bảo cho thi hành án tử hình và chế độ, chính sách đối với cán bộ tham gia thi hành án tử hình.

Đối tượng áp dụng của nghị định này là cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong thi hành án tử hình và người bị thi hành án tử hình.

Trong dự thảo nghị định đang được Bộ Tư pháp thẩm định này, những hành vi bị nghiêm cấm gồm:

Chống đối, cản trở việc thi hành án tử hình, gây mất trật tự, án toàn nơi thi hành án tử hình;

Đánh tráo, thay đổi trái phép chủng loại, liều lượng, chất lượng thuốc sử dụng cho việc thi hành án tử hình;

Không chấp hành lệnh của Hội đồng thi hành án tử hình và quy định của pháp luật về thực hiện thi hành án tử hình;

Di chuyển, bàn giao trái phép tử thi, bia, mộ, hài cốt của người đã bị thi hành án tử hình.

img

Ảnh minh hoạ phòng xử án bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Đáng chú ý, tại điều 7 của dự thảo nghị định quy định về quy trình thực hiện tiêm thuốc, cán bộ trực tiếp thi hành án tử hình chịu trách nhiệm thực hiện 4 bước.

Đầu tiên, cán bộ này phải chuẩn bị đủ 3 liều thuốc trong đó có 2 liều dự phòng. Sau đó xác định tĩnh mạch để thực hiện tiêm, trường hợp không xác định được tĩnh mạch thì báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để yêu cầu bác sĩ hỗ trợ xác định tĩnh mạch.

Tiếp theo là đưa kim tiêm đã nối sẵn với ống truyền thuốc vào tĩnh mạch đã được xác định theo quy trình sử dụng thuốc để thi hành án tử hình.

Cuối cùng là kiểm tra hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình qua máy điện tâm đồ.

Trường hợp sau 10 phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng.

Mỗi lần tiêm thuốc sau 10 phút mà người bị thi hành án tử chưa chết, cán bộ kiểm tra phải cáo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ 2, thứ 3.

“Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ 3, sau 10 phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra quyết định hoãn thi hành án” – dự thảo nghị định nêu rõ.

Với chi phí mai táng người bị thi hành án tử hình, nghị định quy định bao gồm: 1 quan tài bằng gỗ, 1 bộ quần áo, 4 mét vải liệm, hương, nến, rượu, cồn để làm vệ sinh khi liệm tử thi và các chi phí mai táng khác.

img

Nếu sau 10 phút khi tiêm liều thuốc đầu tiên người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ thi hành án phải báo cáo, sau đó Chủ tịch Hội đồng thi hành án sẽ ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng. Khi sử dụng đến hết liều thuốc thứ 3, sau 10 phút mà phạm nhân nhận án tử chưa chết, Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng ra quyết định hoãn thi hành án.

Trường hợp thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người bị kết án tử hình được nhận tử thi, tro cốt về mai táng thì phải tự chịu chi phí và phải cam kết chấp hành đúng quy định của pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường.

Tại nghị định này, điều 18 quy định rõ trách nhiệm của Bộ Y tế liên quan đến việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Cụ thể, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp Bộ Công an, Bộ Quốc phòng hướng dẫn cụ thể danh mục thuốc, liều lượng sử dụng, quy trình sử dụng thuốc; để thi hành án tử hình đối với các thuốc quy định như các thuốc dùng để gây mê, các thuốc dùng để làm liệt hệ thần kinh và cơ bắp; các thuốc dùng để ngừng hoạt động của tim.

Đơn vị này phải cung cấp đủ số lượng và hướng dẫn bảo quản sử dụng các loại thuốc trên để phục vụ thi hành án tử hình theo kế hoạch dự trù hàng năm của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

Ngoài ra, Bộ Y tế phải chỉ đạo các cơ quan nghiệp vụ, bệnh viện, cơ sở đào tạo y tế phối hợp với Cơ quan quản lý tạm giữ, tạm giam của Bộ Công an, Cơ quan thi hành án hình sự của Bộ Quốc phòng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ kỹ thuật chuyên ngành y tế có liên quan đến việc thi hành án tử hình cho cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ thi hành án tử hình….

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem