Cuộc đấu tranh quyền lực ở Bờ Biển Ngà đã chuyển biến từ cuộc đối đầu giữa Tổng thống thất cử nhưng không chịu rời bỏ quyền lực Laurent Gbagbo và người đắc cử Tổng thống nhưng chưa có bộ máy quyền lực trong tay Alassane Ouattara thành cuộc đối kháng giữa ông Gbagbo và LHQ, Liên minh châu Phi (AU), Liên minh châu Âu (EU), Cộng đồng Kinh tế Tây Phi (ECOWAS), Mỹ, Pháp và nhiều quốc gia khác.
Sau nhiều quốc gia, Đại hội đồng LHQ cũng đã chính thức công nhận ông Ouattara là Tổng thống mới của Bờ Biển Ngà. Áp lực quốc tế đối với ông Gbagbo ngày càng tăng. Một số quốc gia và ECOWAS đã ra tối hậu thư cho ông Gbagbo. ECOWAS trong phiên họp cấp cao mới đây nhất đã dọa sẽ sử dụng cả vũ lực để buộc ông Gbagbo thoái vị.
Việc bên ngoài gây áp lực mạnh mẽ và quyết liệt đến như vậy để giải quyết vấn đề quyền lực ở một quốc gia châu Phi, thậm chí dọa sử dụng đến cả biện pháp vũ lực, là một tiền lệ mới trên châu lục này. Áp lực chính trị và ngoại giao, bao vây phong tỏa và trừng phạt về kinh tế vốn không phải chuyện mới lạ trên châu lục, nhưng việc dọa sử dụng đến cả vũ lực từ bên ngoài để truất quyền người này và giúp người kia đăng quang thì lại là chuyện mới. Đối với cả phe cánh của ông Gbagbo lẫn các đối tác bên ngoài, tiền lệ này cũng còn có nghĩa là cuộc đối đầu đã bước vào giai đoạn “được ăn cả, ngã về không”.
Cho nên kết cục cuối cùng ở Bờ Biển Ngà như thế nào không chỉ động chạm đến tương lai chính trị và an ninh, ổn định ở riêng đất nước này, mà sẽ còn đến cả nhiều nơi khác nữa trên châu lục. Các thế lực chính trị và quân sự ở nhiều nơi khác trên châu lục đang chờ xem cuối cùng rồi ai sẽ thắng ai ở Bờ Biển Ngà để xác định ra từ đó khả năng và hạn chế của những tác động từ bên ngoài tới chuyện tranh giành quyền lực ở một quốc gia.
Triệu Anh Túc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.