Tiền tiêu rủng rỉnh nhờ bán kiểng online

17/03/2021 13:30 GMT+7
Nhờ mạng xã hội phát triển, nghề chuyên doanh cây kiểng đã có thêm cơ hội giới thiệu, bán sản phẩm oline; doanh số không còn “trì trệ” như trước.

Nhiều năm qua, gia đình ông Nguyễn Đình Đức (52 tuổi, ở phường 9, TP.Tuy Hòa, Phú Yên) "an nhàn" làm giàu với nghề trồng kinh doanh cây kiểng, vật tư nông nghiệp. Lúc này, nhà vườn - cơ sở chậu kiểng - vật tư gia dụng Đức Khuê đang là một thương hiệu khá nổi ở Tuy Hòa.

Ăn nên làm ra nhờ vật tư cây kiểng online - Ảnh 1.

Một góc vườn kiểng Đức Khuê (ảnh: H.P)

Tà tà không hết việc

Với diện tích trên 1.000m2 đất vùng ven Tuy Hòa, vợ chồng ông Đức đã khéo léo "phân khúc" cho vườn kiểng, khu trưng bày các loại chậu, vật tư nông nghiệp-dân dụng. Điều này tạo độ rộng thoáng, bắt mắt cho khách hàng ngắm nghía mua cây và các loại sản phẩm khác tại cơ sở Đức Khuê.

Hiện tại, vườn kiểng Đức Khuê đang liên tục duy trì trên 250 cây cảnh lớn nhỏ. Vườn được bố trí chuyên nghiệp, thông thoáng, đảm bảo khoảng cách, ánh sáng để cây phát triển. Tại cơ sở bán chậu, các loại chậu đá mài đang hút khá mạnh khách hàng chơi cây kiểng. Đây là loại chậu được tạo tác từ đá nguyên khối, độ bền, tính thẩm mỹ cao.

Ăn nên làm ra nhờ vật tư cây kiểng online - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Đình Đức đang chăm sóc cây kiểng (ảnh: H.P)

Ông Đức cho biết: "Cơ sở Đức Khuê bán tất cả các loại chậu nhưng tập trung đầu tư các loại chậu đá mài, giá trị cao. Với loại chế tác tinh xảo, kích cỡ lớn thì mỗi chậu đã trên dưới mười triệu đồng. Chậu đã có giá như thế thì cây phải tương xứng. Chỉ những người đam mê cây kiểng sâu sắc mới thường xuyên sắm sửa. Mà không ít đâu, nhiều người đam mê lắm!".

Để có mức thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng, vợ chồng ông Đức đã trải qua nhiều nghề vật vã mưu sinh. Năm 26 tuổi, ông Đức lập gia đình, làm nghề hớt tóc, bơm gas; vợ buôn bán nhỏ. Một thời gian sau, vợ chồng ông nuôi vịt siêu trứng. Tiếp đó gom góp vốn "liều mình" mở cơ sở cung cấp vật liệu xây dựng, vật tư điện nước. Khi vùng ven đô thị Tuy Hòa phát triển mạnh nghề trồng hoa, vợ chồng ông bàn nhau mở rộng thêm cơ sở buôn bán vật tư nông nghiệp. Trong đó, chú trọng các mặt hàng phụ trợ của nghề trồng cây kiểng.

Ăn nên làm ra nhờ vật tư cây kiểng online - Ảnh 3.

Gian trưng bày chậu kiểng tại cơ sở Đức Khuê (ảnh: H.P)

"Cơ sở Đức Khuê hình thành từ tên của vợ chồng tôi ghép lại. Cả gia đình bây giờ ở nhà làm không hết việc", bà Phí Thị Kim Khuê (vợ ông Đức) cho biết.

Bán kiểng online

"Sau mấy năm buôn bán chậu kiểng, vật tư nông nghiệp, tôi bỗng thấy mê nghề trồng cây kiểng. Tôi học hỏi được rất nhiều khi làm quen với giới cây kiểng. Thấy tay nghề, hiểu biết thị trường đã chín muồi, tôi quyết định đầu tư cơ sở chuyên trồng và mua bán cây kiểng. Quả thực, không tỏ ra rầm rộ nhưng thị trường bonsai luôn phát triển khá bền vững. Đó là một "thế giới" hết sức cuốn hút, cuồng nhiệt đến bất ngờ", ông Đức trải lòng.

Ăn nên làm ra nhờ vật tư cây kiểng online - Ảnh 4.

Cha con ông Nguyễn Đình Đức đang sơn chậu kiểng (ảnh: H.P)

Theo anh Nguyễn Duy Phương (22 tuổi, con trai ông Đức), tại vườn kiểng Đức Khuê hiện nay, số lượng chậu cây trị giá vài chục triệu đồng đang chiếm áp đảo. Nhờ mạng xã hội phát triển, nghề chuyên doanh cây kiểng đã có thêm cơ hội giới thiệu, bán sản phẩm oline; doanh số không còn "trì trệ" như trước. 

Anh Phương cho hay: "Cha con tôi đều tham gia các nhóm sở thích cây kiểng trên mạng xã hội. Trao đổi về cây kiểng hết sức phong phú, bổ ích. Trong nhà, ai cũng học được việc chụp ảnh, quay clip giới thiệu cây kiểng. Khách hàng cứ thế vào mạng xem, chọn cây, trao đổi giá cả; chốt giá xong là đóng thùng cây kiểng, liên hệ dịch vụ vận chuyển đến tận tay người mua".

Hiện, việc bán qua mạng của Đức Khuê chủ yếu là kiểng có giá trị từ 30 triệu đồng trở lại. "Kiểng từ 30 triệu đồng trở lên là thuộc hàng cây quý hiếm. Người mua thường trực tiếp đến "xem mặt", ngã giá, rồi tự tay "rước nàng về dinh". Thế nhưng trước đó, thế dáng - chất liệu - lý lịch cây đã được giới thiệu cụ thể trên mạng, được nhiều người tâm đắc, đánh giá cao về nghệ thuật. Zalo, Facbook đối với Đức Khuê bây giờ là một kênh bán hàng hết sức rộng mở, tiện lợi", anh Phương nói.

Ăn nên làm ra nhờ vật tư cây kiểng online - Ảnh 5.

Anh Nguyễn Phí Duy đang tưới vườn kiểng (ảnh: H.P)

Anh Nguyễn Phí Duy (25 tuổi, con trai đầu của vợ chòng ông Đức) đang khởi nghiệp nghề xây dựng nhưng cho biết "cây kiểng đã ngấm trong máu". Anh bày tỏ: "Tôi vừa đi học vừa giúp ba tưới cây, tỉa cành, rồi chụp ảnh giới thiệu bán kiểng. Nghề kiểng đã "dính" vào là đam mê lắm, rất có tiềm năng phát triển. Trước mắt, tôi sẽ làm nghề xây dựng dân dụng nhưng vẫn dành thời gian cho việc trồng và kinh doanh bonsai".

Bà Phí Thị Kim Khuê cho biết thêm: "Trong gia đình, ai cũng có thể cầm kéo cắt tỉa cây kiểng. Vợ chồng truân chuyên từ làm ăn nhỏ đủ thứ rồi mới định hình được cơ sở vật tư - cây kiểng như hôm nay. Xác định được "món" làm ăn thuận tay rồi thì cố mà chăm chút giữ nghề thôi, cuộc sống thu nhập ổn là mừng. Với nghề này, vợ chồng tôi còn tính toán để lại nền tảng sự nghiệp cho con".  

Ăn nên làm ra nhờ vật tư cây kiểng online - Ảnh 6.

Ông Nguyễn Đình Đức (giữa) và hai con trai tại cửa hàng Đức Khuê (ảnh: H.P)

"Mô hình "cây kiểng - vật tư nông nghiệp" của Đức Khuê đạt hiệu quả ổn định nhiều năm qua. Khác với các loại hoa thời vụ ngắn ngày, anh Đức có thể kiên trì để cây kiểng "ẩn mình", giới thiệu lên mạng và xuất bán khi có giá hời. Kết hợp với việc "ăn chắc" khi làm đại lý vật tư nông nghiệp - gia dụng, thu nhập mỗi tháng của gia đình Đức Khuê lên đến hàng trăm triệu đồng. Mức thu nhập này khá vượt trội so với mặt bằng nông thôn trong vùng" (Nghệ nhân Phạm Hồng Bình - Nhà vườn Bình SVC, Phú Yên).

Hùng Phiên
Cùng chuyên mục