|
Anh Nguyễn Hồng Hà hướng dẫn lao động làm việc tại xưởng may. |
Dù bị bại liệt, Hà vẫn học giỏi và thi đỗ Trường ĐH Ngoại ngữ Hà Nội với điểm số khá cao. Tốt nghiệp ĐH, anh đi làm phiên dịch và tự tích luỹ kinh nghiệm kinh doanh. Năm 2005, Hà thành lập Công ty TNHH Hồng Hà chuyên về may mặc. Với suy nghĩ lao động khuyết tật ở quê khó có khả năng tìm kiếm được việc làm xa nhà, công việc phức tạp, Hà chủ trương tổ chức đào tạo nghề cho người khuyết tật và nhận vào làm việc tại xưởng. Xưởng may của anh mở tại xã Yên Sở (huyện Hoài Đức), giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 40 lao động với mức thu nhập bình quân 1,5-2 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra, anh tiếp tục đầu tư xây dựng một xưởng may hàng xuất khẩu dành cho các đối tượng chính sách tại địa bàn huyện Đan Phượng, với quy mô hơn 150 lao động làm việc tại chỗ. Vì vậy, thời gian qua anh luôn khuyến khích và tổ chức cho người khuyết tật học nghề may. Sau học nghề, LĐ có thể ở lại làm việc tại xưởng của anh hoặc tìm việc ở quê.
Là người đồng cảnh nên hơn ai hết, anh Hà hiểu được những khó khăn thiệt thòi của người khuyết tật, những mặc cảm cố hữu ở họ. Vì vậy, những lớp dạy nghề của anh được tổ chức bài bản, tạo mọi điều kiện để lao động thành nghề. Hoàng Văn Đoàn, chàng trai 23 tuổi vừa được học nghề và nhận vào làm việc tại xưởng may của Công ty Hồng Hà chia sẻ: “Những người như bọn em ít được học hành, nếu không may mắn được học nghề, làm việc tại xưởng may của anh Hà thì thực sự chẳng biết làm ở đâu”.
Đánh giá về những lớp dạy nghề may cho LĐ khuyết tật ở nông thôn của anh Hà, ông Vũ Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Người khuyết tật TP. Hà Nội nói: “Công ty TNHH Hồng Hà đã có những đóng góp thiết thực trong hoạt động dạy nghề, tạo việc làm với mức thu nhập tương đối ổn định cho người khuyết tật trên địa bàn, đặc biệt quan tâm đến việc đóng bảo hiểm xã hội cho đối tượng đặc biệt là người khuyết tật. Đây là mô hình đáng khích lệ, cần được giới thiệu và nhân rộng”.
Phương Nhung
Vui lòng nhập nội dung bình luận.