Tiếp sức kịp thời nhà nông xứ Quảng

Trương Hồng Thứ hai, ngày 19/10/2020 04:40 AM (GMT+7)
Bà Lê Thị Minh Tâm (41 tuổi) - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) tỉnh Quảng Nam, là nữ Chủ tịch Hội đầu tiên của tỉnh này.
Bình luận 0

Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, bà Tâm đã có kế hoạch rất tỉ mỉ để giúp hội viên, nông dân và kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về tổ chức, cơ chế hoạt động để nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội ND các cấp.

Bà Lê Thị Minh Tâm (nguyên Phó Bí thư Thị ủy Điện Bàn) mới được bầu giữ chức danh Chủ tịch Hội ND tỉnh khóa VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023.

Giữ vững công tác hội

"Phải nói rằng tôi thật sự hạnh phúc và may mắn khi được kế cận thành quả công tác Hội rất to lớn mà các lãnh đạo Hội ND tỉnh Quảng Nam qua các nhiệm kỳ đã để lại cùng với đội ngũ cán bộ nhiệt tình, năng động, sáng tạo, đồng thuận. Cho nên nhiệm vụ trước mắt là tôi sẽ cùng Ban Chấp hành gìn giữ và phát huy những kết quả đã đạt được; đồng thời phấn đấu hoàn thành tốt nghị quyết mà Đại hội đại biểu Hội ND tỉnh Quảng Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đề ra" - bà Tâm chia sẻ.

Tiếp sức kịp thời nhà nông xứ Quảng - Ảnh 1.

"Nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Quảng Nam lên đến trên 101 tỷ đồng. Hội ND tỉnh đang chỉ đạo rà soát, nắm tình hình những hộ, nhóm hộ, có phương án sản xuất kinh doanh nhưng gặp khó khăn, đang có nhu cầu về vốn để hướng dẫn làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị vay vốn".

Bà Lê Thị Minh Tâm

Theo bà Tâm, thời gian tới với vai trò là Chủ tịch Hội, bà cùng cán bộ hội sẽ chú trọng hơn những nội dung để lãnh đạo công tác hội, phong trào nông dân tiếp tục phát triển như: Tập trung thực hiện tốt 3 nghị quyết của Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN về xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh, xem đây là công cụ tập hợp, đoàn kết, huy động sức mạnh tổng hợp, sự sáng tạo của hội viên nông dân. Trong đó, sẽ xây dựng và nhân rộng mô hình chi hội, tổ hội nghề nghiệp để sinh hoạt hiệu quả hơn; rà soát đánh giá đúng thực trạng, tình hình tổ chức Hội và hội viên trong toàn tỉnh để đề ra nhiệm vụ giải pháp nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng tổ chức Hội và chất lượng cán bộ, hội viên trong thời gian tới.

Cũng theo bà Tâm, các cấp Hội sẽ bám sát cơ sở, theo dõi, động viên, hướng dẫn, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của hội viên và tham mưu cấp ủy, chính quyền kịp thời tháo gỡ những khó khăn vướng mắc cho nông dân, nhất là vấn đề đất đai, bảo hiểm nông nghiệp, tiêu thụ nông sản… để đem lại quyền lợi chính đáng cho nông dân. Cùng với đó là tăng cường đào tạo nghề, tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT trong sản xuất, mở rộng và thực hiện tốt hơn nữa các hoạt động tư vấn, dịch vụ hỗ trợ… giúp nông dân có đủ thông tin, điều kiện để phát triển kinh tế, làm giàu và giảm nghèo bền vững.

Đặc biệt, theo bà Tâm, để phong trào Hội ND ngày càng phát triển, bên cạnh sự nỗ lực của người đứng đầu tổ chức Hội cấp tỉnh, thì rất cần sự đồng trí, đồng sức, đồng lòng của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các cấp Hội ND trong tỉnh; tinh thần, nghị lực, ý chí tự chủ, vươn lên của hội viên, nông dân...

Tiếp sức kịp thời nhà nông xứ Quảng - Ảnh 3.

Hội ND tỉnh Quảng Nam đang có kế hoạch giúp nông dân trên địa bàn tiêu thụ các sản phẩm. Ảnh: T.H

Đau đáu với thị trường nông sản của nông dân

Việc mà nữ Chủ tịch Hội ND tỉnh Quảng Nam quan tâm hiện nay nhất là vấn đề nông sản, sản phẩm mà nông dân Quảng Nam nói riêng và cả nước sản xuất ra đang gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ.

"Thời gian qua, Hội ND Quảng Nam đã thực hiện những cuộc giải cứu dưa hấu, cá diêu hồng, mực, lợn thịt... Tuy nhiên, đó mới chỉ là giải pháp tạm thời, cấp bách. Còn việc để nông sản của bà con nông dân sản xuất ra có nơi tiêu thụ ổn định là vấn đề mà lãnh đạo các cấp Hội luôn trăn trở.

Chính vì vậy, bà Tâm cho biết, Hội ND tỉnh Quảng Nam đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để nông dân thay đổi tư duy, hành động trong sản xuất, nhất là sản xuất theo hướng hàng hóa, quy mô lớn, tạo ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo ra những sản phẩm thị trường cần chứ không phải cái mình có… và đủ sức để cạnh tranh trên thị trường và xuất khẩu.

Về phía Hội, bà Tâm cho biết Hội sẽ phát huy tối đa chức năng tuyên truyền, vận động của mình để nông dân thay đổi thói quen sản xuất. Đồng thời sử dụng những nguồn lực của Hội như: Hỗ trợ vay vốn từ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân, ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội; hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật; hướng dẫn thành lập mới các tổ hợp tác, HTX, xây dựng mô hình nhóm hộ, CLB nông dân sản xuất kinh doanh cùng loại sản phẩm, hàng hóa; định hướng chuyển đổi cây trồng, con vật nuôi phù hợp, hình thành vùng sản xuất chuyên canh, sản xuất theo chuỗi giá trị…

"Để giúp hội viên tiêu thụ nông sản, Hội ND tỉnh Quảng Nam sẽ thường xuyên thực hiện những hoạt động để kết nối cung - cầu như: Hội chợ quảng bá hàng nông sản được tổ chức hàng năm; phối hợp hướng dẫn xây dựng điểm trưng bày và bán sản phẩm OCOP của tỉnh; kết nối để sản phẩm của nông dân có mặt trong các hệ thống siêu thị..." - bà Tâm nhấn mạnh.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem