Tiếp tục trả đũa vụ xung đột biên giới: Ấn Độ "cạch mặt" DN Trung Quốc khỏi các dự án đấu thầu công

30/07/2020 08:57 GMT+7
Ấn Độ mới đây tiếp tục thắt chặt hạn chế với các doanh nghiệp Trung Quốc đang tìm cách cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho khu vực công trong nỗ lực mở rộng sự trả đũa kinh tế với Bắc Kinh sau vụ xung đột biên giới làm 20 binh sĩ nước này thiệt mạng.
Tiếp tục trả đũa vụ xung đột biên giới: Ấn Độ "cạch mặt" DN Trung Quốc khỏi các dự án đấu thầu công  - Ảnh 1.

Một cuộc biểu tình tẩy chay hàng Trung Quốc sau vụ đụng độ biên giới hồi tháng 6

Bộ Quy tắc mua sắm hàng hóa sửa đổi mới đây yêu cầu mọi doanh nghiệp ở các quốc gia có chung đường biên giới với Ấn Độ phải đăng ký với cơ quan chức năng Ấn Độ để được Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ cấp phép trước khi tham gia đấu thầu các dự án thuộc khu vực công. Quy tắc này sẽ áp dụng cho khu vực công của Ấn Độ, bao gồm chính quyền các tiểu bang, doanh nghiệp và ngân hàng nhà nước cùng các dự án thuộc mô hình hợp tác công - tư (PPP).

Ấn Độ hiện có đường biên giới giáp hàng loạt quốc gia như Trung Quốc, Nepal, Bhutan, Pakistan, Bangladesh và Myanmar, nhưng cho đến nay chỉ có Trung Quốc thực sự tham gia vào thị trường đầu tư công của Ấn Độ.

Phía New Delhi cho hay Bộ quy tắc sửa đổi nhằm mục đích "củng cố quốc phòng và an ninh quốc gia". Nhưng tờ Nikkei Asian Review nhận định mục đích dễ thấy của chính phủ Ấn Độ là thẳng tay loại trừ triệt để các công ty Trung Quốc khỏi khu vực công của nước này. Đây được xem là một phần trong nỗ lực “đàn áp” các doanh nghiệp Trung Quốc tại Ấn Độ kể từ sau vụ đụng độ biên giới Trung - Ấn tại khu vực dãy Himalaya khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.

Ngay sau khi Bộ quy tắc sửa đổi được ban hành, bang Bihar phía đông Ấn Độ đã lập tức hủy hợp đồng xây dựng cây cầu bắc qua sông Hằng trị giá 390 triệu USD có sự tham gia của các công ty Trung Quốc, trích nguồn tin từ truyền thông địa phương. Bang Maharashtra sau đó cũng đóng băng 3 hợp đồng đầu tư của các nhà đầu tư Trung Quốc, trong đó bao gồm kế hoạch mua lại một nhà máy General Motors của hãng Great Wall Motor (Trung Quốc).

Bên cạnh đó, chính phủ Ấn Độ cũng thắt chặt kiểm soát các lô hàng Trung Quốc, khiến hàng loạt lô hàng bao gồm smartphone hiện bị kẹt tại các cảng.

Nhiều nguồn tin cho hay chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi hiện cũng đang xem xét việc tăng thuế với pin mặt trời. Trước đó, Ấn Độ đã tăng cường bổ sung hệ thống điện năng lượng mặt trời trong nỗ lực giải quyết tình trạng thiếu điện và chuyển đổi sang các nguồn năng lượng xanh. Trong đó, 80% nguồn cung pin mặt trời đến từ Trung Quốc. Hồi đầu tháng, Thủ tướng Modi từng tuyên bố Ấn Độ sẽ phải giảm bớt sự phụ thuộc vào thiết bị năng lượng mặt trời nhập khẩu. Không loại trừ khả năng New Delhi sẽ áp đặt hạn chế nhập khẩu với một số thiết bị năng lượng mặt trời nguồn gốc Trung Quốc. 

Đầu tuần này, hãng tin PTI đưa tin chính phủ Ấn Độ tiếp tục cấm 47 ứng dụng khác từ Trung Quốc. Động thái đến sau khi 59 ứng dụng phổ biến có nguồn gốc từ Trung Quốc bao gồm TikTok và WeChat bị New Delhi thẳng tay cấm cửa hồi tháng trước.

Từ sau vụ đụng độ biên giới nổ ra hồi tháng 5, chính quyền Thủ tướng Modi ngày càng gia tăng mạnh mẽ các biện pháp trừng phạt kinh tế với Bắc Kinh. Trước đó, Ấn Độ đã sửa đổi các quy tắc đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI, yêu cầu mọi công ty có trụ sở tại các quốc gia láng giềng phải nhận được sự cho phép của chính phủ trước khi đầu tư vào các doanh nghiệp nước này. Cũng giống như Bộ quy tắc mới sửa đổi, quy tắc đầu tư FDI trước đó chủ yếu nhắm vào các doanh nghiệp Trung Quốc.

Cho đến năm 2019, Trung Quốc vẫn là đối tác xuất khẩu hàng đầu sang Ấn Độ với kim ngạch xuất khẩu Trung - Ấn đạt 474 tỷ USD, chiếm 14% tổng kim ngạch nhập khẩu của Ấn Độ. Đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI của Trung Quốc vào Ấn Độ trong 5 năm gần nhất đạt tổng cộng 4,3 tỷ USD, cao gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước đó.

Với những mối liên hệ mật thiết như vậy giữa hai nền kinh tế láng giềng, ông Chandramouli Nilakantan - Giám đốc điều hành công ty tư vấn Ấn Độ TRA Research nhận định các biện pháp của chính phủ Ấn Độ nhằm vào Trung Quốc là một "con dao hai lưỡi" và có lẽ sẽ chẳng tồn tại được lâu.


Thùy Dung
Cùng chuyên mục