Tiết lộ về điều tiếc nuối nhất của tác giả ca khúc “Tiến về Hà Nội”

Thứ bảy, ngày 11/10/2014 08:00 AM (GMT+7)
“Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về/ Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố…”, mỗi lần nghe lại bài hát này, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao- con trai cố nhạc sĩ Văn Cao lại xúc động trào nước mắt...
Bình luận 0
Có thể nói Tiến về Hà Nội của tác giả Văn Cao là ca khúc hay nhất viết về sự kiện Giải phóng Thủ đô. 65 năm trôi qua, những lời ca hào hùng, lãng mạn thể hiện nguyện vọng, khát khao của mọi người dân vẫn được hát vang đầy tự hào trong những dịp lễ lớn.

 “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về, Chúng ta đi nghe vui lúc quân thù đầu hàng, cờ ngày nào tung bay trên phố/ Trùng trùng say trong câu hát, lấp lánh lưỡi lê sáng ngời/ Chúng ta đem vinh quang sức dân tộc trở về/Cả cuộc đời tươi vui về đây.

Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về/ Như đài hoa đón mừng nở năm cánh đào, chảy dòng sương sớm long lanh/Chúng ta ươm lại hoa sắc hương say ngày xa/ Ôi phố phường Hà Nội xưa yêu dấu/Những bông hoa ngày mai đón tương lai vào tay/ Những xuân đời mỉm cười vui hát lên/Khi đoàn quân tiến về là đêm tan dần/Như mùa xuân xuống cạnh đường nghe gió về/Hà Nội bừng tiến quân ca.”


img 
Cố nhạc sĩ Văn Cao, tác giả ca khúc "Tiến về Hà Nội"

Nếu ca khúc Mùa Xuân đầu tiên được Văn Cao sáng tác sau ngày giải phóng miền Nam gần một năm thì Tiến về Hà Nội lại được cố nhạc sĩ sáng tác trước khi bộ đội về giải phóng thủ đô (10/10/1954) đến 5 năm.

“Bài hát như lời dự báo ngày chiến thắng, bởi ngày trở về tiếp quản Thủ đô trong rừng hoa, sự chào đón nô nức của người dân không khác gì bức tranh ngôn ngữ mà Văn Cao đã phác họa trong Tiến về Hà Nội. Hình ảnh “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về”, rồi “Năm cửa ô đón mừng đoàn quân tiến về…”. Mỗi dịp kỷ niệm ngày Giải phóng Thủ đô, xem lại thước phim cũ hòa trong điệp khúc, giai điệu, lời ca này tôi lại xúc động trào nước mắt. Tôi nhớ cha và luôn tự hào về người cha của mình”, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao- con trai trưởng của cố nhạc sĩ tài hoa Văn Cao trải lòng.

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao cho biết, Tiến về Hà Nội được  cố nhạc sĩ Văn Cao viết trong nỗi nhớ Thủ đô tại làng Hòa Xá, Ứng Hòa. Tháng 4/1949, Trung ương có mời một số văn nghệ sĩ tham gia buổi họp về tình hình chiến sự, chủ trương chuẩn bị tổng phản công và yêu cầu các văn nghệ sĩ sáng tác phục vụ kháng chiến, chuẩn bị cho cuộc tổng phản công.

Sau đó, nhạc sĩ Văn Cao, nhà văn Nguyễn Đình Thi và họa sĩ Tô Ngọc Vân được phân công về Khu 3 tiếp tục công tác và phổ biến chủ trương của Trung ương. Tại đây, trong một đêm mùa thu ở làng Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, Văn Cao đã lấy cảm hứng sáng tác bài Tiến về Hà Nội với tinh thần lạc quan, tin tưởng ngày giải phóng Thủ đô đang đến gần.

Về thời điểm sáng tác bài hát, Văn Cao từng viết ở cuốn Lê Quang Đạo-NXB Quân đội Nhân dân: “Khi về tới chợ Đại, chúng tôi phải đến gặp ngay đồng chí Lương Xuân Nhị và đồng chí Tử Phác, lúc đó là cán bộ lãnh đạo Chi hội Văn nghệ Liên khu 3. Riêng về nhiệm vụ công tác của tôi là phải sáng tác một bài hát cho Hà Nội. Tôi còn nhớ trong một buổi họp chi bộ ở Liên khu 3, tôi đã hứa với các đồng chí Khuất Duy Tiến và đồng chí Lê Quang Đạo là tôi sẽ viết một ca khúc về Hà Nội.

Tối hôm ấy, tôi đã cùng ăn cơm với anh Lê Quang Đạo. Anh Đạo đã nắm chặt tay tôi và nói: “Những ca khúc của cậu đã làm tôi rất xúc động. Nhất là bài Làng tôi và bài Trường ca Sông Lô. Nét nhạc và lời ca thơ mộng lắm! Làm mình rất nhớ Việt Bắc. Dù sao thì chất lãng mạn của cậu vẫn không thay đổi. Riêng bài sông Lô có đoạn như “Đoàn quân thời chinh chiến ca rằng: Đây Vôn-ga, đây Dương Tử, đây sông Lô, đây sóng căm hờn vút cao…”. Không những lời ca hay mà nét nhạc lại rất du dương và hùng tráng nữa chứ! Vậy nếu cậu yêu Hà Nội nhớ Hà Nội thì hãy sáng tác cho Hà Nội một bài hát vừa hùng tráng vừa trữ tình nhé!” …

Đêm hôm ấy tôi ra về, đi dọc đường làng trăng sáng lung linh bên những bụi tre xanh và những nét nhạc đầu tiên của bài Tiến về Hà Nội đã đến với tôi, “Trùng trùng quân đi như sóng/ Lớp lớp đoàn quân tiến về…”.

img 

img

Một số hình ảnh ngày Giải phóng Thủ đô 10/10/1954 (Ảnh tư liệu)

 

Nhà thơ, họa sĩ Văn Thao tiết lộ, cùng thời điểm sáng tác Tiến về Hà Nội, Văn Cao còn sáng tác bài Tổng phản công. Tuy nhiên, vừa ra đời với lời ca ngập tràn không khí chiến thắng, Tiến về Hà Nội đã được giới văn nghệ sĩ đánh giá cao và tạo được tiếng vang lớn nên Tổng phản công không được nhắc đến nhiều…

Cũng theo Văn Thao, ít ai biết rằng bài hát hào hùng được mọi người dân yêu mến này từng trải qua những quãng thăng- giáng. Khi bài hát ra đời, bên cạnh sự háo hức chào đón thì cũng có ý kiến cho rằng nội dung chưa hợp với thời cuộc,“lạc quan tếu”. Phải đến ngày Thủ đô chính thức được giải phóng, lời ca Tiến về Hà Nội mới được khơi dậy và hát vang ở mọi ngóc ngách Hà Nội.

“Cha tôi vẫn ngậm ngùi cho đến mãi sau này vì đúng ngày Giải phóng Thủ đô ông đang công tác ở nơi khác, không được chứng kiến giây phút thiêng liêng này. Cha tôi nói, điều tiếc nuối nhất đối với ông là không được về cùng đoàn quân, không được  tận mắt nhìn thấy không khí tưng bừng của người dân Thủ đô hòa vào điệp khúc Tiến về Hà Nội”, nhà thơ, họa sĩ Văn Thao tâm sự.

 
(Theo Dân trí)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem