Tiết Thanh minh và món trứng kiến của người Tày

Thứ hai, ngày 07/04/2014 18:42 PM (GMT+7)
Vào mỗi dịp Thanh minh, ngoài một số loại bánh như bánh trôi, bánh chay, người Tày ở Hà Giang còn có một món ăn dân dã được làm từ trứng kiến, gọi là bánh trứng kiến.
Bình luận 0
Bánh trứng kiến chỉ có thể làm được vào khoảng tháng 3 đến tháng 4 âm lịch, vì nguyên liệu làm bánh chỉ có vào mùa này.

Để có trứng kiến, người ta phải vào rừng tìm loại kiến đen, có thân nhỏ, đuôi nhọn thường làm tổ trên cây vầu, nứa hay cây găng. Tổ kiến màu đen, hình tròn hoặc hình bầu dục, được làm từ lá cây mục kết chặt vào cành cây.

Tổ kiến đem về, đặt vào chậu hoặc thúng. Khi bị phá tổ, kiến sẽ nhanh chóng bỏ đi, dùng tay vỗ nhẹ tổ cho trứng rụng ra.
img

Muốn kiến bỏ đi nhanh và không tha theo trứng, người Tày thường cho thêm mấy cành cây bỏ vào chậu đựng trứng, hoặc dùng bông hoa chít hay khăn sạch quét đều trên miệng chậu, khi đó những hạt bụi bẩn sẽ bám vào bông chít, làm cho chậu trứng kiến sạch và ngon hơn.

Tùy vào kích thước của từng tổ kiến mà số lượng trứng nhiều hay ít, có tổ lấy được vài ba chén, nhưng có tổ lớn có thể lấy được 1 đến 2 bát. Trứng kiến nhỏ hơn hạt gạo tấm, có màu trắng sữa.

Muốn có nhân bánh ngon, người ta lấy lá kiệu thái nhỏ trộn với trứng kiến, phần củ kiệu phi thơm rồi cho trứng kiến vào đảo đều trong chảo, khi nào thấy thơm phức thì bắc xuống. Gạo nếp làm bánh phải là loại gạo nếp dẻo, thơm, đãi sạch rồi ngâm với nước lạnh qua đêm, sau đó để ráo nước và xay thành bột.

Loại lá để gói bánh là lá ngõa (bánh trứng kiến không thể thay lá ngõa bằng loại lá khác). Cây ngõa thường mọc ở những nơi mát mẻ, cứ đến đầu tháng 3 âm lịch mới bắt đầu có búp non. Khi làm bánh, người ta chọn những búp ngõa non để gói bên trong và lá bánh tẻ để gói bên ngoài.

Lá ngõa rửa sạch, bỏ phần gân rồi trải bột lên đó với độ dày vừa phải, cho nhân trứng kiến vào, sau đó gói miếng bột để bọc lấy nhân bánh. Cuối cùng là bọc bên ngoài một lớp lá bánh tẻ, cho vào nồi hấp độ 30 phút là chín.

Khi ăn chỉ việc bóc lớp lá bên ngoài, để lại lớp lá non bên trong thì bánh mới bùi và ngon. Trứng kiến có nhiều chất bổ, tuy nhiên một số người ăn nếu không hợp có thể bị dị ứng.
img

Trứng kiến ngoài làm bánh, người ta có thể làm xôi. Gạo nếp vo sạch, đem ngâm trong nước ấm chừng 3-4 tiếng, vớt ra để gạo ráo nước, rồi cho vào chõ đồ. Khi xôi có mùi thơm, hạt gạo mềm, mọng thì xới ra đĩa đánh tơi.

Củ kiệu phi thơm trong mỡ già, sau đó cho trứng kiến đã làm sạch vào xào cùng, nếm gia vị cho vừa ăn, đảo đều khi thấy dậy mùi thơm béo của trứng kiến và mùi thơm của củ kiệu là được. Trộn đều trứng kiến đã sao với xôi rồi rắc một chút củ kiệu phi vàng lên trên. Món xôi trứng kiến khi ăn nóng có vị béo của mỡ, củ kiệu, bùi bùi của trứng kiến, dẻo thơm của xôi nếp.

Ngoài làm bánh và xôi, người Tày còn chế biến ra nhiều món khác từ trứng kiến như xào với lá kiệu hoặc nấu cháo ăn rất ngon.

Bánh trứng kiến là một trong những món ẩm thực mang giá trị văn hoá của dân tộc Tày. Mỗi mùa Thanh minh đến, trên mâm cỗ mang tảo mộ, ngoài bánh trôi, người Tày thường làm bánh trứng kiến để tỏ lòng thành kính với ông bà, tổ tiên.
(Theo DLV)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem