Tiêu thụ nông sản tại Nam Định: Thiếu liên kết 4 nhà

Thứ sáu, ngày 13/07/2012 07:20 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp được triển khai ở Nam Định sau 1 năm cho thấy sự liên kết giữa 4 nhà còn thiếu tính ràng buộc, bền chặt lâu dài.
Bình luận 0

Mô hình do Bộ Công Thương phối hợp với Sở Công Thương, Sở NNPTNT, Hội ND tỉnh Nam Định thực hiện. 594 hộ sản xuất lúa ở thị trấn Ngô Đồng, huyện Giao Thủy và sản xuất cà chua bi, dưa chuột trung tử và bao tử xã Nghĩa Bình, huyện Nghĩa Hưng tham gia.

img
Công ty CP Lương thực Nam Định tham gia mô hình doanh nghiệp - hộ kinh doanh - hộ nông dân.

Đảm bảo lợi ích của ND

Ông Phạm Văn Chiến- Chủ nhiệm HTX Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) tham gia mô hình doanh nghiệp- HTX - hộ ND cho biết: "Tham gia mô hình, ND được hỗ trợ vốn, giống, vật tư nông nghiệp trả chậm trả theo lãi suất của ngân hàng; được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất...".

HTX Nghĩa Bình tham gia ký kết với 194 hộ ND sản xuất cà chua bi, dưa chuột trung tử và bao tử. Theo ông Chiến, khi triển khai mô hình năng suất cà chua và dưa chuột của các hộ ND tăng lên đáng kể, bởi ND được hướng dẫn cách thức chăm bón, khâu chọn giống. Theo đó, chất lượng sản phẩm cũng đảm bảo hơn. Sản phẩm được doanh nghiệp thu mua. Giá bán sản phẩm được chỉnh theo giá của thị trường.

Ông Vũ Văn Hóa, hộ ND ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư với ông Chiến bày tỏ: "Gia đình tôi canh tác 1ha cà chua và dưa chuột. Tham gia mô hình tôi được hướng dẫn quy trình kỹ thuật, tổ chức sản xuất, thu hoạch sản phẩm; được ứng giống và vật tư, bao tiêu sản phẩm. Nếu giá thị trường tăng 20% thì HTX sẽ điều chỉnh theo giá thị trường, nếu giá giảm, HTX thu mua theo hợp đồng ký kết".

Thiếu tính liên kết

Bên cạnh mặt được, theo ông Vũ Văn Bằng- Giám đốc Công ty TNHH Bao bì kim loại CFC (DN ký hợp đồng mua cà chua bi, dưa chuột): Do là mô hình thí điểm nên khi triển khai ND chưa hiểu rõ về cơ chế ký kết hợp đồng, về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, do đó sự gắn kết giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh chưa cao. Bên cạnh đó, công suất chế biến của công ty là 5.000 tấn/năm, nhưng các hộ tham gia mô hình chỉ đáp ứng được 5% nhu cầu nguyên liệu. Công ty chủ yếu phải thu mua nguyên liệu từ các địa phương khác, như Lý Nhân (Hà Nam). Khi giá thị trường lên, không thể tránh khỏi việc ND phá hợp đồng. Nhưng khi giá thị trường xuống, công ty vẫn thu mua sản phẩm theo giá đã ký với ND.

“Do ND chưa hiểu rõ về cơ chế ký kết hợp đồng, về tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp, do đó sự gắn kết giữa doanh nghiệp và hộ kinh doanh chưa cao”.

Ông Đỗ Văn Lý- hộ kinh doanh ở huyện Giao Thủy cho biết: "Tham gia mô hình chúng tôi không ký kết với ND bằng hợp đồng mà chủ yếu tin tưởng lẫn nhau. Trong quá trình thực hiện, giá nông sản chúng tôi thu mua cao hơn thị trường nên không có hộ ND nào vi phạm hợp đồng. Theo tôi, nếu giá thị trường tăng rất có thể bà con phá vỡ hợp đồng".

Nhằm giúp ND thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng, Hội ND đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, trợ giúp pháp lý trong thực hiện hợp đồng kinh tế. Ông Trần Quốc Khánh- Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh cho hay: "Hội ND tỉnh đã phối hợp với các đơn vị thực hiện dự án triển khai 3 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất cho ND; nguyên tắc pháp lý trong ký kết, thực hiện hợp đồng kinh tế để ND không vi phạm hợp đồng đã ký kết; đồng thời giám sát việc thực hiện hợp đồng của doanh nghiệp".

Ông Trần Lê Đoài - Giám đốc Sở Công Thương khẳng định, mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp là hình thức liên kết 4 nhà hiệu quả. Để mô hình phát huy hiệu quả, ông Đoài đề nghị Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ ND mua vật tư, máy nông nghiệp, nhất là tiếp cận thông tin thị trường. Doanh nghiệp đổi mới công nghệ, tạo niềm tin và uy tín đối với các hộ ND tham gia mô hình...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem