dd/mm/yyyy

Tìm giải pháp phát triển rau công nghệ cao

Vừa qua, tại thành phố Mỹ Tho (Tiền Giang), Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp cùng UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức Diễn đàn Khuyến nông @ nông nghiệp với chủ đề “Phát triển sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm”.

Vẫn yếu khâu quy hoạch

Theo báo cáo của Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang, cây rau trên địa bàn tỉnh có diện tích gieo trồng hàng năm khoảng 58.543 ha, sản lượng 1.143.578 tấn/năm, tập trung ở 5 huyện là Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Tây, thị xã Gò Công và Gò Công Đông, với khoảng 40 chủng loại gồm rau ăn lá, rau ăn quả, rau ăn củ, rau gia vị,... Mặc dù trên địa bàn đã có một số vùng chuyên canh tập trung như vùng ớt ở Chợ Gạo, rau ăn lá Gò Công, rau gia vị ChâuThành,... nhưng chủ yếu vẫn sản xuất thủ công. Toàn tỉnh mới chỉ có trên 100 nhà lưới trồng rau (khoảng10 ha).

Các chuyên gia và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia trả lời câu hỏi của nông dân tại Diễn đàn.
Các chuyên gia và lãnh đạo Trung tâm Khuyến nông quốc gia trả lời câu hỏi của nông dân tại Diễn đàn.

Việc liên kết đầu vào – đầu ra trong sản xuất rau còn nhiều hạn chế. Toàn tỉnh có 15 HTX và tổ hợp tác, nhưng chỉ có 5 HTX sản xuất rau có sự liên kết trong sản xuất-tiêu thụ với lượng rau từ 2-4 tấn/HTX/ngày. Còn lại, nông dân chủ yếu bán qua thương lái hoặc tự đi bán ngoài chợ, khiến giá cả rất bấp bênh.

Trong khi đó, Cục Trồng trọt cho biết, mặc dù tổng diện tích sản xuất rau cả nước lên tới gần 1 triệu ha mỗi năm, song công tác quy hoạch vùng sản xuất rau hàng hoá chưa rõ trong phạm vi toàn quốc và từng vùng sinh thái, khiến cơ sở hạ tầng cho vùng trồng rau chưa được các địa phương quan tâm xây dựng đồng bộ; các dự án phát triển vùng sản xuất rau an toàn (RAT), ứng dụng CNC thường bị vướng quy hoạch chung của đô thị, khu dân cư.

Sản phẩm cuối cùng là rau tươi sử dụng trong ngày, nhưng số cơ sở sơ chế, chế biến rau còn ít và nhỏ bé, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bên cạnh đó, sản xuất, kinh doanh rau gặp nhiều rủi ro, vì thế, các doanh nghiệp cũng e ngại đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, vấn đề nan giải nhất trong sản xuất rau hiện nay chính là an toàn vệ sinh thực phẩm. Mặc dù quy trình sản xuất RAT đã được ban hành, song việc tổ chức sản xuất và kiểm tra giám sát thực hiện còn kém, ý thức tự giác thực hiện quy trình của người sản xuất chưa cao, dẫn tới ở nhiều nơi vẫn sản xuất ra các sản phẩm không an toàn, làm giảm sức cạnh tranh của nông sản và làm mất niềm tin của người tiêu dùng.

Muốn bền vững phải giữ chất lượng

Chia sẻ về việc xây dựng thương hiệu, định danh cây ăn trái nhằm đáp ứng thị trường xuất khẩu, ông Lê Văn Đời – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hậu Giang cho biết, tỉnh đã có 7 sản phẩm

 Theo thạc sỹ Lê Thanh Tùng (Cục Trồng trọt), đối với những vùng rau có quy mô trên 50 ha/vùng, ngoài việc đầu tư cơ sở hạ tầng khép kín (điều này phải do chính quyền thực hiện) thì bắt buộc phải hình thành các chuỗi liên kết RAT có sự tham gia của người sản xuất, sơ chế - chế biến- phân phối, kinh doanh - tiêu thụ. Cần duy trì và xây dựng một số chợ quy mô nhỏ để thuận tiện cho việc tiêu thụ RAT ở các vùng sản xuất lớn nằm xa chợ đầu mối. Xây dựng và phát triển mạng lưới tiêu thụ RAT …

cây ăn trái được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, trong đó có cam xoàn Phụng Hiệp, khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, bưởi Năm Roi Phú Thành… Cả 7/7 loại nông sản này đều có điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng đã có 10 điểm được cấp giấy chứng nhận VietGAP với diện tích khoảng 164ha, gồm bưởi, cam, quýt, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm (dứa); 2 điểm trồng bưởi, chanh được cấp chứng nhận GlobalGAP với diện tích khoảng 60ha. Hiện tỉnh đang phấn đấu nhân rộng khóm, mãng cầu và chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP nhằm nâng cao giá trị nông sản.

Ông Nguyễn Văn An – Giám đốc HTX RAT Gò Công (Tiền Giang) cho biết, từ năm 2009, HTX bắt đầu tham gia dự án “Xây dựng vùng sản xuất RAT tỉnh Tiền Giang” và được cấp chứng nhận đạt VietGAP vào năm 2013. Nhờ đó, HTX đã ký được nhiều hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, sản lượng tiêu thụ 2-3 tấn/ngày. Từ 6ha sản xuất RAT với 20 thành viên ban đầu, đến nay HTX đã mở rộng diện tích lên 18 ha/55 xã viên, hàng năm cung cấp cho thị trường 2.600 tấn rau đạt chuẩn VietGAP. Đặc biệt, các sản phẩm của xã viên đều được HTX bao tiêu với giá cao hơn thị trường 500 – 1.000 đồng/kg.

“Thời gian đầu, để tìm được thị trường, chúng tôi một phần nhờ địa phương hỗ trợ, còn lại chính lãnh đạo HTX phải biết lội đi. Chúng tôi đã đi Sài gòn Co.op, đi Metro, đi Bách hóa xanh. Giám đốc và kế toán đi chào hàng khắp nơi, đến các bếp ăn tập thể… Người ta xem xét thấy sản phẩm tốt, giá được nên đặt mua. Để kiểm soát chất lượng rau, chúng tôi thường xuyên kiểm tra tại chỗ. HTX có 1 phó giám đốc chuyên nhiệm vụ kiểm tra nhật ký đồng ruộng. Với tổ viên, xuống giống ngày nào, bón phân thế nào đều phải ghi chép lại, nếu không sẽ bị phạt”, ông An kể.

Ngoài ra, cũng theo ông An, các đầu mối mua hàng của HTX như siêu thị kiểm tra thường xuyên, chi phí test tại chỗ khoảng 2 triệu đồng/mẫu, không đạt phải đem hủy chứ không được đem về để bán cho nơi khác.

Thăm mô hình tưới tiết kiệm tại HTX Thạnh Thắng, xã Hoả Tiến, TP.Vị Thanh, Hậu Giang).
Thăm mô hình tưới tiết kiệm tại HTX Thạnh Thắng, xã Hoả Tiến, TP.Vị Thanh, Hậu Giang).

Theo ông Trần Văn Khởi, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia, việc ứng dụng nông nghiệp CNC nhằm tạo sự đột phá về năng suất, chất lượng sản phẩm rau quả, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Mặc dù hiện đang có nhiều công nghệ được áp dụng rộng rãi như nhà màng, nhà lưới, nhà kính, tưới tiết kiệm…, tuy nhiên đầu tư ban đầu cho hệ thống này khá tốn kém, nông dân cũng phải có kiến thức nhất định để quản lý, điều hành hệ thống CNC.

“Điều này không phải nông dân nào cũng có khả năng, do đó khi quyết định đầu tư CNC, bà con nên nghiên cứu lựa chọn công nghệ phù hợp; có sự tư vấn của nhà khoa học trong khâu lựa chọn giống, quy trình canh tác có kiểm soát…; nhất là sản xuất phải đi liền với thị trường, tìm mối liên kết tiêu thụ sản phẩm trước khi tiến hành đầu tư để tránh tình trạng, trồng rau ra không biết bán cho ai” – ông Khởi nói.

Minh Huệ - Hồng Cẩm