dd/mm/yyyy

Tìm hiểu về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

Cho đến khi có một ca dương tính với virus SARS CoV-2 gây bệnh dịch covid-19 đối với một nguyên lãnh đạo của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội (KHXH) Việt Nam, nhiều người đang thắc mắc và mong muốn tìm hiểu về nhiệm vụ, chức năng của Viện, TTVO xin được giới thiệu chi tiết về Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Theo nội dung giới thiệu tại trang web chính thức của Viện tại địa chỉ vass.gov.vn: Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam - tên giao dịch quốc tế là Vietnam Academy of Social Sciences (VASS) - có tiền thân từ Ban nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học (gọi tắt là Ban nghiên cứu Sử - Địa - Văn) được thành lập ngày 02 tháng 12 năm 1953, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. 

Tìm hiểu về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  - Ảnh 1.

Trụ sở chính của Viện Hàn lâm KHXH VN đặt tại số 1 Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là cơ quan thuộc Chính phủ, có chức năng nghiên cứu những vấn đề cơ bản về khoa học xã hội; cung cấp luận cứ khoa học cho Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định đường lối, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển nhanh và bền vững của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện tư vấn chính sách phát triển; đào tạo sau đại học về khoa học xã hội; tham gia phát triển tiềm lực khoa học xã hội của cả nước.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có một quá trình phát triển trải qua các thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau: Ban Nghiên cứu Lịch sử - Địa lý - Văn học, Ban Nghiên cứu Văn học - Lịch sử - Địa lý, Ban Khoa học xã hội (trực thuộc Ủy ban Khoa học Nhà nước), Viện Khoa học xã hội, Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Trung tâm Khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia, Viện Khoa học xã hội Việt Nam. Theo Nghị định số 109/2012/NĐ-CP ngày 26 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, từ ngày 22 tháng 02 năm 2013, Viện chính thức mang tên là Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là nơi tập trung các nhà khoa học xã hội đầu ngành, với trên 2000 người, trong đó hơn 700 cán bộ có học hàm giáo sư, phó giáo sư, học vị tiến sĩ khoa học, tiến sĩ, thạc sĩ thuộc các lĩnh vực khoa học xã hội, làm việc trong 05 đơn vị giúp việc Chủ tịch Viện, 32 đơn vị nghiên cứu khoa học, 5 đơn vị sự nghiệp khác (trong đó có 1 cơ sở đào tạo sau đại học và 2 nhà xuất bản). Cùng với nhiều viện nghiên cứu thành viên có trụ sở chính tại Hà Nội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ đặt tại thành phố Đà Nẵng, Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ đặt tại thành phố Hồ Chí Minh, Viện Khoa học xã hội vùng Tây Nguyên đặt tại thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

Học viện Khoa học xã hội trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam được thành lập theo Quyết định số 35/QĐ-TTg ngày 10 tháng 01 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở thống nhất 17 cơ sở đào tạo trước đây thuộc các viện nghiên cứu chuyên ngành. Học viện Khoa học xã hội là cơ sở đào tạo sau đại học về các ngành khoa học xã hội với 58 chuyên ngành đào tạo, trong đó có 44 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ và 14 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có 32 tạp chí khoa học được xuất bản bởi các viện nghiên cứu thành viên. Thư viện Khoa học xã hội thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là thư viện tổng hợp và đa ngành với nguồn tài nguyên thông tin phong phú và đa dạng vào bậc nhất trong nước về các lĩnh vực khoa học xã hội.

Trong quan hệ quốc tế, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký văn bản hợp tác khoa học với nhiều viện nghiên cứu và trường đại học trên thế giới, như: Viện Hàn lâm khoa học Nga, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc, Hội đồng khoa học xã hội Pháp, Hội đồng khoa học xã hội Hoa Kỳ, Đại học quốc gia Tokyo (Nhật Bản), Đại học Yonsei (Hàn Quốc), Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, Viện Khoa học xã hội quốc gia Lào… Viện cũng đã mở rộng các quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế đa phương nhằm chia sẻ thông tin, trao đổi học thuật, phối hợp nghiên cứu, hội thảo và đào tạo cán bộ.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam là thành viên của Hội các Viện Hàn lâm thế giới.

Trong quá trình xây dựng và phát triển, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã có nhiều đóng góp quan trọng vào sự phát triển của khoa học xã hội và nhân văn nước nhà. Hàng nghìn đầu sách đã được công bố. Hàng vạn bài báo khoa học của các nhà nghiên cứu thuộc Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã được đăng trên các tạp chí khoa học trong và ngoài nước. Nhiều chương trình nghiên cứu độc lập cấp Nhà nước và cấp Bộ được thực hiện thuộc các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội… phục vụ đắc lực sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam. Nhiều cuộc Hội thảo lớn, quốc tế và quốc gia do Viện Khoa học xã hội Việt Nam chủ trì đạt kết quả tốt, như Hội thảo 500 năm sinh Nguyễn Trãi, kỷ niệm 100 ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội thảo “Việt Nam trong thế kỷ XX”, Hội thảo quốc gia và quốc tế nhân dịp kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ, Hội thảo quốc tế Việt Nam học, Hội thảo quốc tế thường niên lần thứ nhất về khoa học xã hội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia ...

Tìm hiểu về Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam  - Ảnh 2.

Cơ cấu tổ chức của Ban Lãnh đạo Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam.

Nhiều nhà khoa học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam qua các thời kỳ đã được nhận các giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước. Các nhà khoa học vinh dự được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh là: GS.VS. Trần Huy Liệu, GS.VS. Nguyễn Khánh Toàn, các giáo sư Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh, Trần Văn Giáp, Trần Văn Giàu, Vũ Ngọc Phan, Nguyễn Đổng Chi, Trần Đức Thảo, Cao Xuân Huy, Vũ Khiêu, Phạm Huy Thông, Cao Huy Đỉnh, Đinh Gia Khánh, Hà Văn Tấn, Hồ Tôn Trinh.

Trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam có nhiệm vụ nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về khoa học xã hội như: đổi mới và hoàn thiện hệ thống chính trị, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam; sự phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam; những vấn đề cơ bản về phát triển toàn diện con người Việt Nam và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa của văn hóa, văn minh nhân loại; những vấn đề cơ bản và cấp bách về dân tộc, tôn giáo, lịch sử, văn hóa, văn học, ngôn ngữ, tâm lý học nhằm phát huy sức mạnh dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những vấn đề cơ bản, toàn diện, có hệ thống về lý thuyết phát triển của Việt Nam dưới tác động của toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế; những khía cạnh khoa học xã hội của nền kinh tế tri thức trong bối cảnh toàn cầu hóa và ứng phó với biến đổi khí hậu và đánh giá tác động đến tiến trình phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam; lý luận và kinh nghiệm phát triển trên thế giới, dự báo xu hướng phát triển chủ yếu của khu vực và thế giới, đánh giá những tác động nhiều mặt của quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế đến sự phát triển toàn cầu, khu vực và Việt Nam; nghiên cứu, điều tra cơ bản, liên ngành về khoa học xã hội, phân tích và dự báo  kinh tế - xã hội phục vụ nhu cầu phát triển đất nước, chú trọng những lĩnh vực kinh tế - xã hội chủ yếu, những ngành, vùng kinh tế trọng điểm và các liên kết vùng; nghiên cứu, tổ chức biên soạn những công trình khoa học tiêu biểu, những bộ sách lớn, thể hiện tinh hoa của trí tuệ Việt Nam và thế giới phục vụ công tác nghiên cứu và truyền bá tri thức về khoa học xã hội. Viện có nhiệm vụ tư vấn và phản biện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, chính sách, chương trình và dự án phát triển kinh tế - xã hội quan trọng theo yêu cầu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp. Viện còn có nhiệm vụ tổ chức sưu tầm, khai quật, nghiên cứu, bảo tồn và bảo tàng nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam; kết hợp nghiên cứu với đào tạo trong lĩnh vực khoa học xã hội; đào tạo và cấp bằng thạc sỹ và tiến sỹ về khoa học xã hội theo quy định của pháp luật; tham gia phát triển nguồn nhân lực có trình độ cao theo yêu cầu của cả nước, ngành, vùng, địa phương và doanh nghiệp; tổ chức hợp tác nghiên cứu, liên kết đào tạo về khoa học xã hội với các tổ chức quốc tế, viện, trường đại học nước ngoài theo quy định của pháp luật; tổ chức tư vấn và thực hiện dịch vụ công theo quy định của pháp luật; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin khoa học xã hội, phổ biến tri thức khoa học, góp phần nâng cao trình độ dân trí; …

Hiện nay, Ban lãnh đạo Viện có 4 người do PGS-TS. Bùi Nhật Quang- Ủy viên dự khuyết TW Đảng làm Chủ tịch. Bên cạnh đó, Viện còn có 3 Phó Chủ tịch. Hiện nay, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam có 31 Viện thành viên trực thuộc, cùng hàng chục Trung tâm, đơn vị sự nghiệp khác. Tổng số cán bộ, nhân viên thuộc Viện Hàn lâm là hơn 2.000 người.

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam luôn thu hút được sự hợp tác khoa học của các viện nghiên cứu, các trường đại học và các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Viện có nhiều hoạt động hợp tác khoa học thường xuyên với các bộ, ban, ngành như Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia, ... và với nhiều địa phương như Nghệ An, Quảng Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang, Lào Cai, Hòa Bình, Đăk Lăk, ... để triển khai nghiên cứu và thảo luận nhiều vấn đề mà các bên quan tâm.

PV