Tìm “sao” OCOP cho sản phẩm gà tần thuốc bắc đóng hộp

Minh Ngọc Thứ năm, ngày 07/05/2020 10:00 AM (GMT+7)
Với quyết tâm theo đuổi cách làm nông nghiệp sạch để cung cấp ra thị trường những sản phẩm chất lượng và bổ dưỡng cho sức khỏe, chị Trần Thị Thanh (xã Dục Tú 2, Đông Anh, Hà Nội) đã xây dựng cơ sở sản xuất bao gồm khu chăn nuôi hàng nghìn gà thịt và khu chế biến sản phẩm đóng hộp với tổng diện tích 11.000m2.
Bình luận 0

Làm nông tốt phải có kiến thức

Chị Trần Thị Thanh xuất thân trong gia đình làm nông, bản thân lại đam mê với nông nghiệp từ nhỏ nên sau khi tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp 1 Hà Nội, chị đã làm tư vấn kỹ thuật chăn nuôi cho một số trang trại trong và ngoài huyện. Nhiều năm lăn lộn với nghề, nhưng bản thân luôn nghĩ mình là người có kiến thức, trình độ vậy sao không tự tay không xây dựng, phát triển trang trại cho riêng mình?

img

Chị Thanh đang giới thiệu về quy trình sản xuất và chế biến gà Thiên Thanh. Ảnh: Minh Ngọc

"Cơ sở sản xuất và chế biến gà ác Thiên Thanh tuy mới được thành lập nhưng đã sản xuất ra được sản phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe.

Tuy nhiên, để tham gia Chương trình OCOP, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan nhà nước, các chủ thể cũng cần xây dựng hướng đi bài bản, thực hiện các giải pháp như: nâng cao chất lượng, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói nhằm nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm, từ đó mở rộng thị trường đầu ra cho sản phẩm…”.

ÔNg Nguyễn Văn Thiềng Trưởng phòng Kinh tế huyện Đông Anh

Với vốn kiến thức chăn nuôi sẵn có, mày mò tìm hiểu các mô hình chăn nuôi gà để học hỏi thêm kinh nghiệm, chị vận động gia đình cải tạo khu vườn và san lấp ao nuôi cá lâu nay không có hiệu quả để lấy đất trồng cây và nuôi gà. Chị Thanh đã nuôi thành công lứa gà đầu tiên với hơn 1.000 con gà ác và gà ta lai Hồ.

Sau một thời gian chăn nuôi, đến năm 2016 gia đình chị Thanh tiếp tục thuê diện tích đất ao trũng, bỏ hoang của địa phương để san lấp, mở rộng quy mô chăn nuôi gà thương phẩm. Tất cả hệ thống chuồng trại đều được đầu tư khép kín theo hướng chăn nuôi an toàn sinh học. 

Để đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho gà, tránh dịch bệnh, toàn bộ thức ăn chăn nuôi đều được chị Thanh nhập từ các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi có uy tín. Sau đó tự phối trộn thức ăn cho đàn gà theo công thức riêng nhằm tăng khả năng sinh trưởng, kháng bệnh của gà, thịt gà sẽ ngon hơn.

Năm 2019, chị Thanh đã thành lập sơ sở sản xuất và chế biến gà tần Thiên Thanh với diện tích 11.000m2, với 10 lao động làm việc thường xuyên. Trong đó, bao gồm cả khu chăn nuôi gà thịt và khu chế xuất gà ác đóng hộp với tổng mức đầu tư trên 1 tỷ đồng.

Hiện tại, trang trại luôn có khoảng 1.000 gà ta lai Hồ, 2.000 gà ác bố mẹ. Ngoài ra để có đủ nguồn cung cấp gà ác phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm đóng hộp chị còn gây tạo cho 3 hộ dân nuôi gà ác bố mẹ và 20 hộ dân nuôi gà ác thương phẩm, bằng việc hỗ trợ bà con về con giống, kỹ thuật chăn nuôi, thức ăn và bao tiêu đầu ra.

Chị Thanh cho biết: “Từ khi thành lập cơ sở chế biến sản phẩm đóng hộp đã giúp nhiều hộ chăn nuôi tại địa phương giảm bớt được khâu đầu ra, người dân cũng yên tâm đầu tư phát triển trang trại” - chị Thanh cho biết.

Sẵn sàng đáp ứng thị trường

Với trang trại nuôi hàng nghìn con gà, kết hợp phương thức nuôi gối đàn. Năm 2019, trang trại của chị Thanh đã xuất bán ra thị trường khoảng 10.000 con gà ta lai Hồ, với giá từ 90.000 - 100.000 đồng/kg.

Hiện, cơ sở chế biến của chị Thanh sản xuất 2 sản phẩm chính là cháo gà ác gạo lứt và gà ác tần thuốc bắc. Chị Thanh chia sẻ: “Gà ác dễ nuôi, thời gian nuôi ngắn nên tỷ lệ rủi ro thấp, cơ thể nhỏ nên tiêu tốn thức ăn ít. Mặt khác, gà ác có giá trị cao về mặt dinh dưỡng, rất tốt cho sức khỏe của con người, nhất là với người bị bệnh tiểu đường và chống lão hóa”.

Để sản phẩm tiếp nâng cao giá trị cũng như tiếp cận đến đa dạng thị trường, chị Thanh đã đăng ký sở hữu trí tuệ thương hiệu cho sản phẩm, đăng ký tham dự các hội chợ xúc tiến thương mại.

Chị Thanh cho biết: Từ đầu năm 2020, do ảnh hưởng từ dịch cúm gia cầm cũng như dịch Covid-19 thị trường tiêu thụ bị giảm sút, nhưng trong 4 tháng đầu năm cơ sở vẫn xuất bán được 1.500 con gà thương phẩm và khoảng 30.000 hộp sản phẩm từ gà ác. Với giá hộp gà ác tần thuốc bắc là 90.000 đồng/hộp; cháo gà ác gạo lứt 45.000 đồng/hộp. Sau khi trừ  chi phí, cơ sở sản xuất có thể thu về khoảng 450 triệu đồng.

Được thành phố và huyện hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm để nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, năm 2020 chị Thanh đã quyết định đăng ký sản phẩm OCOP.

“Nếu được gắn “sao” OCOP trên sản phẩm gà ác tần thuốc bắc và cháo gà ác gạo lứt thì sẽ có cơ hội được phân phối tại các hệ thống siêu thị và cửa hàng tiện lợi. Điều này sẽ mang lại hiệu quả kinh tế cho cả người nông dân, doanh nghiệp và phục vụ tốt hơn nhu cầu của người tiêu dùng” - chị Thanh kỳ vọng.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem