Tìm sinh kế mới cho nông hộ trắng tay sau dịch tả lợn châu Phi

Minh Huệ (thực hiện) Chủ nhật, ngày 23/06/2019 19:00 PM (GMT+7)
Ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho rằng, bên cạnh việc đẩy nhanh tái cơ cấu đàn lợn thì chuyển sang nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ cũng là một giải pháp.  
Bình luận 0

Chúng ta đang tìm sinh kế mới cho người nuôi lợn sau khi bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) tấn công. Tuy nhiên đối tượng thiệt hại chủ yếu là những nông hộ nhỏ lẻ, với tiềm lực kinh tế có hạn, việc chuyển đổi sang chăn nuôi trâu bò đối với họ liệu có dễ dàng?

- Tôi cho rằng, việc chuyển đổi từ chăn nuôi lợn sang chăn nuôi gia súc ăn cỏ, hay gia cầm là một chủ trương lớn, không phải chỉ khi xảy ra DTLCP mới tính đến mà đây cũng là giải pháp nhằm tái cấu trúc ngành chăn nuôi, góp phần làm giảm áp lực đối với chăn nuôi lợn khi ngành này đang chiếm tới 70% cơ cấu ngành.

img

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu thăm mô hình chăn nuôi bò tại xã Minh Châu, huyện Ba Vì.  Ảnh: T.L

Đẩy mạnh chăn nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ cũng góp phần đa dạng hóa nguồn thực phẩm, giảm áp lực lên ngành hàng thịt lợn, tận dụng được đa dạng sinh thái của các vùng khí hậu, địa lý của Việt Nam và đặc biệt là tận dụng được nguồn phế phụ phẩm như rơm rạ, thân cây ngô, mía, các loại cỏ… Trước đây những phế phụ phẩm này chúng ta bỏ phí, thì nay có thể tận dụng cho trâu bò ăn để tạo ra sản phẩm thịt, sữa.

Ở vùng nông thôn hiện nay, nhất là ở những vùng vừa bị thiệt hại bởi DTLCP, nếu có khuyên người ta chăn nuôi lợn thì chúng tôi cũng chưa dám khuyên vì rõ ràng dịch đang còn diễn biến phức tạp, chưa phải là thời điểm để tái đàn, nguồn virus DTLCP vẫn còn tồn lưu trong môi trường. Vậy thì lúc này, những người có điều kiện có thể chuyển ngay sang chăn nuôi trâu bò.

Tuy nhiên nếu nuôi trâu bò, bắt buộc bà con phải có liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trở thành hạt nhân của mối liên kết, lo những việc mà nông dân không làm được, hoặc làm yếu như nguồn vốn, con giống, quy trình chăn nuôi, công nghệ, đầu ra. Còn người chăn nuôi chỉ tổ chức chăn nuôi, phát triển đàn… Ví dụ như tỉnh Thái Bình, hay TP.Hà Nội có rất nhiều điều kiện thuận lợi để nuôi bò thịt, bò sữa.

Tuy nhiên, nhiều người vừa bị DTLCP làm cho trắng tay, họ đâu còn sức, còn vốn để đầu tư nuôi trâu, bò?

- Để người dân làm được ngay, phải có chính sách, cái này tỉnh phải ban hành, hướng dẫn, xây dựng quy hoạch cụ thể. Thứ hai, chúng ta phải có ưu đãi về tín dụng để người nông dân có vốn mua bò. Hiện nay, một con bò giống sinh sản giá khoảng 30 triệu đồng, vậy thì chính sách tín dụng phải tạo điều kiện nhất định để nông dân mua bò sinh sản, từ đó dần dần phát triển đàn.

Về nguồn thức ăn, bà con nông dân có thể tận dụng nguồn phế phụ phẩm từ rơm rạ, thân cây ngô, bã mía, hoặc trồng xen thêm các loại cỏ, ngô ở những diện tích đất phù hợp để có thức ăn nuôi vỗ béo đàn bò. 

DTLCP chủ yếu xảy ra ở nông hộ nhỏ, vậy làm thế nào để những hộ nuôi trâu, bò không còn là hộ nhỏ lẻ nữa, nhằm giảm rủi ro giống như đối với con lợn thời gian qua?

- Chắc chắn nuôi bò sữa, bò thịt phải làm theo chuỗi thì mới có thể phát triển bền vững, đem lại lợi nhuận. Bán con gà, con lợn thì dễ, nhưng bán con bò, con trâu khó hơn, nhất là bò sữa. Nếu không tham gia chuỗi, chăn nuôi riêng lẻ thì sẽ khó tránh được cảnh bò nuôi lớn mà không bán được.  Các hộ nông dân có thể tự liên kết với nhau, hoặc thông qua HTX để liên kết với doanh nghiệp, trở thành một mô hình nông nghiệp tuần hoàn. Làm được điều này thì mới bền vững về mặt kinh tế - xã hội, đặc biệt là môi trường.

Bây giờ nuôi trâu, bò, lợn hay gia cầm đều cần áp dụng đệm lót sinh học để xử lý phân, nước tiểu của vật nuôi. Đệm lót sinh học sẽ trở thành nguồn phân bón giàu dinh dưỡng dùng bón cho cỏ, cây trồng, gần như không phải bỏ đi thứ gì. Như vậy trong mô hình nông nghiệp tuần hoàn, đầu ra của cái này lại trở thành đầu vào của cái kia, góp phần giảm giá thành sản phẩm chăn nuôi, tăng lợi nhuận.

Xin cảm ơn ông!


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem