Tìm thấy trà hoa Krempf “tuyệt chủng”

Thứ năm, ngày 21/11/2013 06:50 AM (GMT+7)
Loài trà hoa Krempf tưởng chừng tuyệt chủng nay đã được tìm thấy lại, mở ra một hướng mới trong nghiên cứu, nhân rộng loại thực vật quý hiếm này.
Bình luận 0
Thạc sĩ Lê Văn Hương – Giám đốc Vườn quốc gia (VQG) Bidoup Núi Bà (Lâm Đồng) cho biết: Tại khu vực đèo Hòn Giao (thuộc vườn, nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng), cán bộ VQG Bidoup Núi Bà và thạc sĩ Lương Văn Dũng -Phó Chủ nhiệm khoa Sinh, Đại học Đà Lạt, vừa phát hiện một quần thể trà mi được xác định là “trà hoa Krempf”. Đây là loài trà mi được phát hiện hơn 100 năm trước và “biệt tích” từ đó đến nay.

Phát hiện từ hơn trăm năm trước

Theo thông tin do VQG Bidoup Núi Bà vừa chính thức công bố: “Qua so sánh mẫu thu được và mẫu chuẩn có số hiệu P00700354 (Type), nhóm nghiên cứu xác định đây là loài trà hoa Krempf, có tên khoa học là Camellia krempfii (Gagnep.) Sealy”. Nhóm nghiên cứu phát hiện ra trà hoa Krempf trên đỉnh Hòn Giao nói trên gồm nhà khoa học Lương Văn Dũng của Trường Đại học Đà Lạt và hai cán bộ của VQG Bidoup Núi Bà là Phạm Hữu Nhân và Trương Quang Cường.

ThS Lương Văn Dũng với giống trà vừa thìm thấy.
ThS Lương Văn Dũng với giống trà vừa thìm thấy.

Cũng theo thông tin vừa được nhóm nghiên cứu công bố, trà hoa Krempf được ông M. Krempf lần đầu tiên thu được mẫu tại Ton Ha nằm trong khu vực miền núi của tỉnh Khánh Hòa, giáp với Lâm Đồng. Sau đó, năm 1912, ông M. Krempf chính thức công bố tiêu bản loài trà hoa mà ông phát hiện được với số tiêu bản “Krempf. 1564”. “Tiêu bản mà ông M. Krempf công bố năm 1912 về loài trà hoa phát hiện tại Ton Ha chỉ có lá và nụ hoa (không có hoa)” – nhóm nghiên cứu cho biết. Tiếp đến, năm 1942, trên cơ sở tiêu bản của M. Krempf, một nhà khoa học khác tên là Ganepain đã mô tả và chính thức công bố loài “trà hoa Krempf” với tên khoa học là “Thea krempfii Gagnep”.

Trong văn bản công bố loài trà hoa Krempf vừa phát hiện tại Hòn Giao, nhóm nghiên cứu của VQG Bidoup Núi Bà và Đại học Đà Lạt nêu: “Như vậy, sau hơn 100 năm kể từ lần phát hiện đầu tiên, chúng tôi đã ghi nhận có sự phân bố của loài này tại dãy núi Hòn Giao”. Nhóm tác giả còn cho biết thêm: “Kết quả này cung cấp thêm một bằng chứng thuyết phục cho tính đa dạng cao của hệ thực vật tại đây”.

Tái xuất hiện sau hơn trăm năm

Điều cần nhấn mạnh: Sau công bố tiêu bản của M. Krempf năm 1912 và công bố loài của Ganepain năm 1942, mặc dù các nhà nghiên cứu của Việt Nam và cả nước ngoài (Nhật Bản, Pháp, Úc…) đã bỏ nhiều công sức để nghiên cứu và tiến hành nhiều chuyến khảo sát thực địa tại Việt Nam, đặc biệt là Tây Nguyên (trong đó có Lâm Đồng) nhưng thông tin khoa học về trà hoa Krempf cũng chỉ dừng lại ở tiêu bản lá và nụ hoa của M. Krempf thu được năm 1912 tại Ton Ha. “Từ đó đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa ghi nhận thêm thông tin về hình ảnh tự nhiên, hình dáng quả và đặc biệt là màu sắc của loài hoa này” – nhóm nghiên cứu cho biết.

Phát hiện của nhóm nghiên cứu do thạc sĩ Lương Văn Dũng đứng đầu có ý nghĩa khoa học rất quan trọng để xác định chính xác một loài thực vật và khẳng định loài trà mi Krempf chưa bị tuyệt chủng.

Cũng theo nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Lạt và VQG Bidoup Núi Bà, loài trà hoa Krempf vừa được phát hiện không là một cá thể hay một vài cá thể đơn lẻ mà là cả một quần thể khá phong phú trên dãy núi Hòn Giao. Địa điểm phát hiện quần thể trà hoa Krempf nằm ở độ cao khoảng 800m, trong kiểu rừng kín thường xanh. Trà hoa Krempf (Camellia krempfii) vừa được phát hiện là loài tiểu mộc có thân cao khoảng 5 – 8m, có lá phiến hình thon dài, đáy lá hình tim; đặc biệt, cuống lá to và dài hơn loài hải đường (Camellia amplexicaulis) nên cuống lá trà hoa Krempf không ôm sát cành như loài hải đường.

Càng đặc biệt hơn, đây là lần đầu tiên trà hoa Krempf được phát hiện và thu được tiêu bản hoa (năm 1912 chỉ thu được tiêu bản nụ hoa và lá). Theo mô tả của các nhà nghiên cứu thì hoa của trà hoa Krempf vừa được phát hiện “có màu đỏ gạch, cánh hoa xếp chồng lên nhau gần giống như loài trà hoa Piquet (Camellia piquetiana (Pierre) Sealy)”.

Trước phát hiện này, sau 100 năm nghiên cứu, khảo cứu thực địa… nhưng không tìm thấy loài trà hoa Krempf ở bất kỳ nơi nào tại Việt Nam, một số nhà khoa học tuy dè dặt nhưng cũng đã chính thức nêu ý kiến trên các diễn đàn rằng: Rất có thể loài trà hoa Krempf (Camellia krempfii (Gagnep.) Sealy) đã tuyệt chủng! Như vậy, công bố về sự phát hiện mới đây nhất như trên vừa đề cập của nhóm nghiên cứu của Đại học Đà Lạt và VQG Bidoup Núi Bà đã chính thức xóa tan nghi ngờ về “sự tuyệt chủng” trà hoa Krempf của một số nhà khoa học trong thời gian gần đây.
Võ Khắc Dũng (Võ Khắc Dũng)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem