Tình biển

Hùng Phiên Thứ ba, ngày 19/01/2016 10:00 AM (GMT+7)
Thật đậm đà “hỉ, nộ” khi trà dư tửu hậu với dân đánh bắt xa bờ. Những người chuyên nghề ở khơi xa nên có nhiều cái “khác” với dân đất liền, nhất là chuyện… tình cảm.
Bình luận 0

Ra biển là hết phiền

Cuối năm, cảng cá Phú Lạc (huyện Đông Hòa, Phú Yên) đông nghẹt tàu về bến tấp nập, người khuân vác, mua bán cá. Đợt này, nhiều tàu xa bờ trúng cá chuồn. Ông bạn ngư dân Phan Văn Tài (38 tuổi) dáng cao to, đen sạm, cười hề hề: “Nói chuyện lẹ nghen. Đang lo cân bán cá, rồi về tắm rửa, ôm con vợ một cái. Ở biển cả tháng rồi…”.

img

Vợ chồng thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp tại nhà ở khu phố Bạch Đằng (phường 6, Tuy Hòa).   Ảnh:  HÙNG PHIÊN

Nhà Tài ở cạnh cảng phường 6 (Tuy Hòa) nhưng kỳ này cửa biển Đà Rằng bị bồi cạn nên phải dạt tàu về Phú Lạc, cách hơn 40 cây số. Hai chục năm làm bạn tàu xa bờ, Tài đã rong ruổi khắp các “ngõ ngách” ở Biển Đông. Phần lớn trước đây, anh theo tàu cá ngừ đại dương, mới chuyển sang lưới chuồn 2 năm nay.

“Ai gọi là đi ngay, dân đi bạn chuyên nghiệp mà! Có mấy năm miền Trung biển đói, thì dạt vào đi bạn tận Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau… Nhiều chủ tàu cũng đi lên từ nghề bạn nên đối đãi với anh em rất nghĩa tình, ăn chia rõ ràng. Còn bạn tàu thì thương nhau như tình đồng đội lính chiến. Cứ lên tàu là vui như tết. Nhiều khi có chuyện lùng bùng ở nhà, ra biển là hết ngay buồn phiền” - Tài cho hay.

Rồi anh kể tiếp: “Chuyến rồi ở vùng biển Trường Sa, nhóm tàu của tui đang đi ngang đảo Chữ Thập thì bị tàu của lính Trung Quốc hù dọa, dồn đuổi. Thế nhưng nhìn vào bản đồ định vị, anh em biết đang ở vùng biển nước mình nên rất bình tĩnh. Các tàu xa bờ bây giờ đã quen ứng phó với gian truân thử thách trên biển. Không cứng cựa thì làm sao trụ được với sóng cả! Khác với đánh cá gần bờ, dân đi khơi luôn chuẩn bị kỹ lưỡng trang thiết bị hậu cần. Mỗi đội tàu lúc này đều đi khoảng 10 chiếc, liên hệ chặt chẽ nhau theo từng ngư trường. Ngoại trừ những lúc có bão, tàu xa bờ bây giờ không lúc nào vắng mặt trên biển. Tui giờ mà cỡ mươi ngày không leo tàu thì thấy tay chân cứ lúng búng…”.   

img

Phút thư giãn của các ngư dân xa bờ, tại cảng cá Tuy Hòa. Ảnh: Hùng Phiên

Với thuyền trưởng Nguyễn Thanh Hiệp  - Tổ trưởng nhóm tàu Đại Đoàn Kết, Tuy Hòa (gồm 16 tàu công suất lớn) thì “đi biển như trên đất bằng”. 43 tuổi, anh Hiệp đã có gần 30 năm theo nghề biển. Từ nhỏ thì đi làm thuê cho các tàu đánh bắt gần bờ, rồi lang thang đi bạn khắp nơi. Hơn mười năm qua, anh chinh chiến với chiếc tàu 420CV, trị giá hơn 2 tỷ đồng, do vợ chồng anh góp vốn cùng cha mẹ vợ.

“Cách đây chục năm, nghề bò gù (cá ngừ đại dương) làm ăn rất đạt. Thế rồi cá ít dần, nhiều chuyến lỗ tổn. Bây giờ, tàu nhà chuyển sang dùng 3 “súng”; vừa câu bò gù, cá nhám và lưới cá chuồn. Xa bờ mà không linh động thì chỉ có đói, bởi hầu hết nhà tàu đều có nợ vay ngân hàng. Không thể õng à õng ẹo mà trông chờ ai, phải siêng lao ra biển mới sống được. Nhiều lúc mình thấy cũng mỏi nhưng vì anh em mà phải chạy lo hậu cần để mở chuyến. Các tàu bây giờ đi thành từng tổ nhóm để hỗ trợ đánh bắt, nhất là khi đối phó với tàu lạ, gặp tai nạn trên biển. Sự cố, bất trắc của nghề này thì liên miên nhưng anh em quen rồi. Ngư trường biển Đông đối với tui như là ruộng vườn quanh nhà. Vài ngày không ra “thăm” là thấy nhớ…”- vị thuyền trưởng dạn dày sóng gió, bộc bạch.  

Về bờ mới… khó nói

Hơn một tháng lênh đênh, chuyến về bến đầu tháng 1.2016, tàu anh Hiệp đánh được 8 tấn cá chuồn và 3 tấn cá nhám (mập). Tổng tiền bán cá 330 triệu đồng, trừ chi phí 150 triệu đồng, chia 10 bạn tàu, 11 triệu đồng/người.

Chị Phan Thị Ánh Tâm (vợ anh Hiệp) cho hay: “Đây là chuyến biển có ăn, anh em đều vui hết sẩy! Thế nhưng tiền lãi phải lo chỉnh sửa lại tàu, thuê người vá lưới, rồi trả nợ vay ngân hàng. Nghề xa bờ vốn lớn nên cái lo càng lớn. Mấy năm trước, nhiều chuyến lỗ liên tục, cả nhà buồn thúi ruột. Mình thâm hụt nhưng cũng phải chi phí mỗi bạn tàu đôi ba triệu, để họ còn gắn với mình… Còn mỗi lần tàu ra biển là em ở nhà vừa phải lo con cái và tính toán đủ chuyện. Thanh toán nợ nần phí tổn, giấy tờ sổ sách, thủ tục tàu bè… Hồi mới cưới, hễ ảnh lên tàu là em không ngủ được, cứ lo lỡ có gì bất trắc. Giờ thì lo nhứt là lúc bão gió, gặp sự cố hư máy trên biển. Mỗi lần tàu về là em mừng hết lớn!”.

"Làng biển xa bờ đang ngày càng nhiều chuyện phức tạp. Riêng chuyện thủ tục xét hỗ trợ các chuyến biển xa cũng đã liên tục gây tranh cãi, so bì. Rồi thủ tục vay vốn ngân hàng, người được nhiều, kẻ không được. Dân biển vốn thẳng tính nên lỡ mùa biển khó mà gặp phải chuyện khúc mắc, nhứt là chuyện tình cảm, là dễ sinh to tiếng. Mấy lão làng trong nghiệp đoàn phải luôn đi phân giải cho mọi chuyện êm thắm…”.

Ông Phạm Đạn - Phó Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá phường 6, Tuy Hòa

Anh Hiệp bảo, nhân lực đi bạn giờ khó tìm lắm! Nhiều lúc đương mùa cá mà có tàu phải nằm bờ vì thiếu bạn. Thế nên chủ tàu luôn phải ứng xử nghĩa khí với anh em. Mà đã gắn bó với nhau thì chủ tàu, thuyền trưởng phải biết lo cho cả gia đình bạn nghề. Mỗi chuyến tàu ra khơi là hàng trăm “miệng ăn” đang trông theo. Có khó cỡ nào cũng phải vươn khơi, bởi có phần trách nhiệm với vợ con, gia đình người đi bạn. Chỉ sợ giá sản phẩm bấp bênh, nhiều lúc tàu về mà hết muốn xuống cá…

Riêng đợt này, về bờ 3 ngày là phải lo phí tổn đi tiếp. Chi phí xăng dầu, đá cây, nhu yếu phẩm… mỗi chuyến luôn tốn tiền trăm triệu. Chị Ánh còn khệ nệ mua về hàng đống mì gói, nước ngọt và cả mấy thùng bia lon, vài lít rượu. Anh Hiệp cười: “Hồi trước, anh em đi biển chỉ uống rượu nhưng nay bớt rồi. Bi nhiêu bia rượu đây chỉ là “điểm điểm” cho đỡ buồn miệng cả chục đàn ông hàng tháng trời trên tàu biển. Làm chút chút trong bữa cơm í mà. Còn nhậu nhẹt bài bản thì phải về bờ…”.

Rồi Hiệp rủ tôi ra quán làm vài lon bia với mấy bạn tàu. Anh nói: “Về bờ chỉ mấy ngày mà đêm nào cũng phải chạy xe máy đi Phú Hiệp để ngủ giữ tàu. Tính mướn người ngủ canh tàu nhưng rồi không an tâm. Hồi cảng phường 6 chưa bị bồi, tàu về nằm gần nhà thì tiện hơn. Cái cửa Đà Rằng này cứ mắc cạn liên miên thì đội tàu ở đây còn khổ nhiều… Muốn ngủ với vợ con một đêm mà cũng hổng được…”. Anh bạn ngồi kế bên chen vào: “Thì… tranh thủ ngủ buổi trưa!”. Cả bàn cùng cười hỉ hả.     

Thành - bạn tàu dân phường 7 (Tuy Hòa) tay gõ ly bia, ư ử hát “tình đời thay trắng đổi đen...”, rồi nói: “Anh em trên tàu hay nói với nhau: Mình cứ lênh đênh hoài trên biển, mấy bà vợ ở nhà có trai gái này nọ, thì mình cũng… chịu chết! Có thằng bị vợ bỏ, lên tàu mà vừa làm, vừa khóc cả tháng trời! Thế nên, vợ con là phải yên ấm đề huề thì đàn ông đi biển mới chí thú làm ăn. Ui, mà chuyện tình đời làng biển thì muôn trùng, mệt lắm. Phức tạp nhứt là mấy bà giá! Chồng đi biển chết rồi, cứ hết cặp với ông này đến ông kia, làm xóm làng hổng lúc nào yên...”. Anh Hiệp lên tiếng: “Thôi, thôi cha nội ơi. Mấy chuyện này… nhạy cảm, nhạy cảm quá!”.

Chiều mai, nhóm ngư dân này lại cùng đội tàu bươn sóng ra khơi. Những người “ăn sóng nói gió” lại lao ra biển với biết bao tâm trạng tình đời...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem