Tinh gọn bộ máy: Không phải đích đến mà là một quá trình

TS Nguyễn Sĩ Dũng Thứ năm, ngày 13/02/2025 07:00 AM (GMT+7)
Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị đã đạt được những kết quả đột phá. Mặc dù vẫn còn một số thách thức, nhưng rõ ràng cách tiếp cận "vừa chạy, vừa xếp hàng" đã giúp đẩy nhanh tốc độ, tạo ra thay đổi thực chất thay vì chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.
Bình luận 0

Những thay đổi mang tính cách mạng

Trong hệ thống Đảng, nhiều cơ quan đã được hợp nhất hoặc giải thể để tránh trùng lặp chức năng. Ban Đối ngoại Trung ương được chuyển nhiệm vụ về Bộ Ngoại giao và Văn phòng Trung ương Đảng, trong khi Ban Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương được giao lại cho Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Y tế…

Bên trong các ban Đảng, nhiều đơn vị cấp vụ và cấp phòng đã được tinh giản đáng kể, giúp bộ máy vận hành gọn nhẹ hơn. Ban Tổ chức Trung ương giảm 14% số vụ, 18% số phòng, Ban Kinh tế Trung ương giảm 33% số vụ, Ban Nội chính Trung ương giảm 16% số vụ và 50% số phòng, trong khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương giảm 14% số vụ và 58% số phòng.

Bên cạnh đó, hệ thống Đảng ủy cấp Trung ương cũng được tái cơ cấu mạnh mẽ. Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương được giải thể, các tổ chức đảng được chuyển về Đảng bộ các cơ quan Đảng, cơ quan Tư pháp Trung ương, trong khi Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương cũng bị giải thể và các tổ chức đảng trong doanh nghiệp nhà nước được điều chuyển về Đảng ủy Chính phủ hoặc các bộ chuyên ngành.

Tinh gọn bộ máy: Không phải đích đến mà là một quá trình liên tục - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu biểu quyết thông qua chương trình Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Đảng bộ Chính phủ nhiệm kỳ 2020 - 2025 ngày 5/2/2025. Ảnh: VGP

Đồng thời, hai Đảng bộ mới trực thuộc Trung ương được thành lập, gồm Đảng bộ Chính phủ - bao gồm các tổ chức đảng trong các bộ, cơ quan ngang bộ và doanh nghiệp nhà nước, và Đảng bộ Quốc hội - bao gồm các tổ chức đảng trong các cơ quan thuộc Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước và Văn phòng Chủ tịch nước.

Song song với việc tinh gọn bộ máy Đảng, Quốc hội đã giảm số lượng ủy ban từ 9 xuống còn 7 bằng cách sáp nhập một số ủy ban có chức năng tương đồng. Việc này giúp tinh giản bộ máy, giảm chồng chéo và nâng cao hiệu suất hoạt động. Bên cạnh đó, Viện Nghiên cứu lập pháp đã chính thức kết thúc hoạt động từ ngày 15/1/2025, theo Nghị quyết số 63/2025/UBTVQH15…

Chính phủ cũng thực hiện tái cơ cấu mạnh mẽ, giảm số lượng bộ, cơ quan ngang bộ và cơ quan thuộc Chính phủ từ 30 xuống còn 21 đầu mối, bao gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ và 4 cơ quan thuộc Chính phủ. Việc này giúp loại bỏ tình trạng chồng chéo chức năng và tăng cường hiệu quả hoạt động. 

Bên trong các cơ quan, số lượng đầu mối trung gian cũng giảm khoảng 30%, có nơi lên tới 50%, giúp bộ máy trở nên tinh gọn hơn. Về biên chế, dự kiến tổng số nhân sự trong hệ thống hành chính sẽ giảm khoảng 20% sau quá trình sắp xếp.

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cũng thực hiện cắt giảm đáng kể. Cơ quan Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giảm 50% số vụ, trong khi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam giảm 40% số vụ, 42% số phòng. 

Hội Nông dân Việt Nam giảm 46% số vụ, 75% số phòng; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam giảm 33% số vụ, 15% số phòng. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh giảm 51% số vụ, còn Hội Cựu Chiến binh Việt Nam giảm 30% số vụ, 40% số phòng...

"Vừa chạy vừa xếp hàng" - cách làm linh hoạt

Nhìn chung, việc tinh gọn bộ máy ở Trung ương đã đạt được những kết quả quan trọng, giúp giảm số lượng cơ quan, sắp xếp hợp lý chức năng nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả quản lý và đảm bảo hoạt động tinh gọn hơn. Đây là một bước tiến lớn trong cải cách hành chính, tạo nền tảng cho hệ thống chính trị hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới.

Cách tiếp cận "vừa chạy, vừa xếp hàng" – tức là vừa triển khai, vừa điều chỉnh theo thực tiễn – đã chứng tỏ tính linh hoạt và hiệu quả trong quá trình cải cách bộ máy.

Thứ nhất, nếu chờ đợi một kế hoạch hoàn hảo trên giấy rồi mới thực hiện, có thể mất rất nhiều thời gian, trong khi yêu cầu cải cách đang rất cấp bách. Thực tế, việc tinh gọn bộ máy là một quá trình phức tạp, liên quan đến quyền lợi, tâm lý và cơ cấu tổ chức của hàng trăm nghìn cán bộ, công chức. Nếu không triển khai từng bước và điều chỉnh kịp thời, cải cách có thể rơi vào tình trạng bế tắc do tranh luận kéo dài.

Thứ hai, phương pháp này giúp phát hiện sớm những vấn đề phát sinh để điều chỉnh ngay trong quá trình triển khai, thay vì phải sửa chữa sau khi đã thực hiện xong.

Thứ ba, cách làm này giúp duy trì động lực cải cách, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Nếu phải chờ đợi mọi thứ hoàn thiện trên lý thuyết, sự quan liêu và lợi ích nhóm có thể khiến quá trình bị kéo dài hoặc thậm chí bị trì hoãn. Việc triển khai sớm tạo áp lực để các cơ quan chủ động thích nghi và điều chỉnh.

Tuy nhiên, cách tiếp cận này cũng có rủi ro nhất định. Việc thực hiện trong khi vẫn chưa có đầy đủ mô hình hoàn chỉnh có thể dẫn đến một số xáo trộn tạm thời trong vận hành, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển giao chức năng giữa các cơ quan. Ngoài ra, nếu không có cơ chế giám sát chặt chẽ, có thể xuất hiện những bất cập trong việc bố trí nhân sự, gây ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ công trong ngắn hạn.

Tinh gọn bộ máy: Không phải đích đến mà là một quá trình liên tục - Ảnh 2.

Tác giả bài viết, TS Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ảnh: DV

Sau hơn hai tháng triển khai, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã đạt được những kết quả đột phá về giảm đầu mối, cắt giảm biên chế và tái cơ cấu chức năng. Mặc dù vẫn còn một số thách thức cần tiếp tục theo dõi và điều chỉnh, nhưng rõ ràng cách tiếp cận "vừa chạy, vừa xếp hàng" đã giúp đẩy nhanh tốc độ cải cách, tạo ra thay đổi thực chất thay vì chỉ dừng lại ở khẩu hiệu.

Việc tinh gọn bộ máy không phải là đích đến mà là một quá trình liên tục, đòi hỏi sự kiên trì, theo dõi sát sao và điều chỉnh linh hoạt. Với những kết quả ban đầu đầy tích cực này, nếu tiếp tục triển khai một cách khoa học, có giám sát chặt chẽ và đi kèm với các cơ chế hỗ trợ phù hợp, cuộc cải cách này sẽ giúp bộ máy nhà nước trở nên tinh gọn, hiệu lực và hiệu quả hơn, đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.

Nhân đây, xin so sánh những cố gắng cải cách của Việt Nam dưới thời Tổng Bí thư Tô Lâm với của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Tại Mỹ, ngay trong những ngày đầu nhiệm kỳ thứ hai, Tổng thống Donald Trump đã khởi động chiến dịch tinh gọn chính phủ với mục tiêu giảm quy mô bộ máy liên bang. Ông nhấn mạnh vào việc cắt giảm biên chế, giảm sự can thiệp của chính quyền liên bang và trao nhiều quyền hơn cho các tiểu bang. Dù mới bắt đầu, ông Trump đã thể hiện rõ quyết tâm tái cấu trúc chính phủ theo hướng nhỏ gọn và ít tốn kém hơn.

Có thể thấy, dù xuất phát từ bối cảnh khác nhau, Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump đều có chung một tư duy cải tổ mạnh mẽ. Họ không chỉ tìm cách cắt giảm bộ máy mà còn tái định hình cách thức vận hành để đạt hiệu quả cao hơn. Cả hai cũng sẵn sàng đối mặt với sự phản đối từ những nhóm lợi ích bị ảnh hưởng, cho thấy quyết tâm thực hiện những thay đổi mang tính cách mạng.

So với Mỹ, Việt Nam có lợi thế về sự đồng thuận chính trị, giúp quá trình tinh gọn bộ máy diễn ra nhanh chóng và ít lực cản hơn.

Nhìn chung, Việt Nam có vẻ đang đi trước trong việc thực hiện tinh gọn bộ máy, nhờ có một lộ trình rõ ràng hơn, triển khai đồng bộ hơn và quan trọng nhất là ít bị chia rẽ chính trị làm cản trở.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem