Một là thành công, hai là “về vườn”!
Thập niên 1990 được coi là giai đoạn khó khăn và thiếu thốn bậc nhất với Tập đoàn Công nghiệp Viễn thông – Quân đội (Viettel) lúc đó còn mang tên Sigelco. Nhắc tới quãng thời gian này, những cán bộ gắn bó với tập đoàn từ những ngày đầu vẫn nửa đùa, nửa thật gọi đây là thời “còn đi làm thuê” với những công việc như lắp đặt cột, xây dựng tuyến vi ba cho các đơn vị đối tác khác trong ngành viễn thông.
Năm 1995, Viettel trở thành doanh nghiệp được cấp phép kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông ở Việt Nam.Tuy nhiên, từ việc được cấp giấy phép cho việc trở thành Viettel như ngày nay là một chặng đường dài.
Ông Nguyễn Mạnh Tùng, nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thể thao Viettel, là người có nhiều kỷ niệm với tuyến cáp quang đầu tiên của Viettel. Vào những năm cuối thập niên 1990, ông Tùng là cán bộ Phòng Kế hoạch. Thời điểm đó, Trưởng phòng đầu tư Nguyễn Mạnh Hùng (hiện là Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền Thông) và Phó phòng đầu tư Lê Đăng Dũng (hiện là Quyền Chủ tịch Viettel) là 2 nhân sự chủ chốt trong việc thực hiện dự án cáp quang 1A của Bộ Tư lệnh Thông tin.
Bộ Tư lênh xin được Chính phủ 2 sợi cáp trên đường dây 500 kV để làm đường trục 1A nhưng gặp một bài toán khó là không có cáp dự phòng (cần 2 sợi nữa) nếu sử dụng công nghệ cũ (1 sợi thu, 1 sợi phát).
Trong khi đó, công nghệ thu phát trên cùng một sợi quang chưa từng được triển khai trên thế giới mà chỉ được áp dụng thử nghiệm với một quãng ngắn tại Anh, châu Á hoàn toàn chưa áp dụng. Tuyến 1A mà Viettel cần triển khai thì dài tới gần 2.000 km.
Thêm vào đó, Viettel không được phép thuê chuyên gia nước ngoài trong việc xây dựng tuyến cáp quang 1A vì đây là dự án của quân đội cần tuân thủ yêu cầu về bảo mật. Nhưng không có chuyên gia nước ngoài, công nghệ thế giới chưa từng triển khai, nguồn lực ít ỏi… không thể cản bước được nhưng người Viettel thời đó.
Họ đã tự nghiên cứu thành công công nghệ thu phát trên 1 sợi quang để có phương án dự phòng chỉ với 2 sợi cáp. Việc bảo vệ thực hiện đề án trước các cấp lãnh đạo tất nhiên không dễ dàng bởi nó được tiến hành với công nghệ do các kỹ sư Viettel mới nghiên cứu, mà thế giới chưa từng làm, Thế nhưng, họ đã thuyết phục thành công.
“Tôi cảm giác như các đồng chí ấy quyết tâm bảo vệ dự án đến mức sẵn sàng xác định tâm lý một là thành công, hai là về vườn”, ông Nguyễn Mạnh Tùng, nhớ lại. Và tuyến cáp quang 1A lịch sử ngày ấy đã thành công sau rất nhiều nỗ lực khó tin của người Viettel và đội ngũ kỹ thuật tăng cường từ Bộ Tư lệnh Thông tin. Họ đã khởi tạo một thực tại mới cho ngành viễn thông Việt Nam khi triển khai thành công điều thế giới chưa từng làm và thực hiện một dự án rất khó mà không cần đến chuyên gia nước ngoài.
“Khi đảm nhận công việc, chúng tôi không ai nghĩ đến vất vả, gian khổ. Nếu nghĩ đến chắc chẳng làm được gì. Được cấp trên giao nhiệm vụ, chúng tôi luôn phải sẵn sàng vànỗ lực hoàn thành.Phải hoàn thành nhiệm vụ mới xứng đáng làm sĩ quan”, ông Tùng tâm sự.
Đứt cáp trước giờ thông tuyến và tinh thần người lính
Người cán bộ đời đầu của Viettel cho biết, những kỹ sư thực hiện dự án 1A năm đó luôn đặt câu hỏi: “Thế giới làm được, tại sao mình lại không?”. Điểm thuận lợi là lực lượng thực hiện dự án 100% được lấy từ binh chủng thông tin và những kỹ sư ưu tú nhất của Viettel..
Ông Tùng là người trực tiếp chỉ huy tuyến cáp quang nối Buôn Mê Thuột – Nha Trang với chiều dài xấp xỉ 180 km, và có nhiệm vụ phải đảm bảo thông tuyến vào lúc 9h9 ngày 9.9.1999. “Do thời gian quá gấp rút nên một phần cáp ở khu vực đèo Rù Rì của Nha Trang được đặt nổi bên vệ đường thay vì chôn dưới đất”, ông Tùng nhớ lại.
Lúc 9h kém, đội thi công tiến vào thành phố Nha Trang để hàn những nút cuối cùng và 9h09 sẽ hàn nút cuối. Tuy nhiên, không lâu trước giờ thông tuyến, một xe gặp tai nạn trên đèo Rù Rì và làm đứt cáp. Ngay lập tức, mối hàn trong phố được hoàn thiện và đội kỹ thuật lại lên xe tới khu vực gặp sự cố. Mối hàn cuối cùng được nối ngay trước giờ G.
Đây là sự cố đáng nhớ nhưng chưa phải kỷ niệm khó phai nhất với ông Tùng. Một năm trước đó, đoạn cáp từ trạm của Viettel ở Thủy điện Yaly tới Quân đoàn 4 ở Gia Lai bị đứt, làm mất liên lạc từ Bộ Tư lệnh vào Quân đoàn. Ông Tùng cùng các kỹ thuật viên đã lên xe ô tô, chạy thẳng từ Hà Nội vào khu vực gặp sự cố để hàn nối chỗ cáp bị đứt.
“Chúng tôi đi ô tô từ Hà Nội, mang theo cả thiết bị, đi thẳng vào Gia Lai và xử lý sự cố trong chưa đầy 48 tiếng. Chúng tôi chỉ có một lái xe và phải chạy cả ngày lẫn đêm để đến nơi hàn cáp.Thời gian hàn cáp chỉ mất 1,5 tiếng nhưng thời gian đi đường thực sự kỷ lục”, ông Tùng nhớ lại.
Quá trình dựng tuyến cáp quang 1A đã gặp nhiều khó khăn, thách thức nhưng việc duy trì và vận hành cũng chẳng dễ dàng. Năm 2000, trận mưa lịch sử khiến thành phố Huế ngập nặng. Trạm cáp của Viettel ở Phong Điền cũng có nguy cơ bị ngập. Nước lên quá nhanh khiến các cán bộ tại trạm phải tháo thiết bị đặt lên bàn rồi đứng trên bàn để nâng thiết bị lên cao khỏi mặt nước.
“Tôi có trao đổi với cấp trên là anh Nguyễn Mạnh Hùng và được gợi ý bỏ trạm, đấu tắt dây cáp với nhau. Chúng tôi rút hai đầu cáp quang khỏi máy và nối với nhau đồng thời tăng công suất phát ở hai đầu để đảm bảo thông tuyến. Đây thực sự là giải pháp táo bạo, giúp duy trì liên lạc của phía Nam với Bộ Tư lệnh ngoài Bắc”, ông Tùng nhớ lại.
“Về cơ bản, ấn tượng lớn nhất trong quá trình xây dựng tuyến cáp quang 1A là sự quyết liệt, tinh thần người lính, làm vì trách nhiệm, không nề hà”, ông Tùng chia sẻ.Năm 2003, khi Viettel xây dựng hạ tầng cho mạng di động, những tinh thần và giá trị của việc triển khai tuyến cáp quang 1A lịch sử được lặp lại. Những người Viettel lại viết tiếp trang sử mới, tạo thêm những thực tại mới cho chính mình và ngành viễn thông Việt Nam: Cuộc cách mạng bình dân hóa dịch vụ thông tin di động…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.