Tình trạng tảo hôn ở Kon Rẫy (Kon Tum): Biết sai vẫn làm liều

Ngô Xuân Thứ sáu, ngày 25/09/2015 06:00 AM (GMT+7)
Trong những năm qua, mặc dù địa phương đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách dân số -kế hoạch hóa gia đình song tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra phổ biến ở huyện Kon Rẫy (Kon Tum) và gây ra nhiều hệ lụy.
Bình luận 0

Cưới sớm do lỡ có thai

Theo thống kê của Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy, tính đến nay, toàn huyện có trên 28 đối tượng tảo hôn được đưa vào diện quản lý, giám sát. Chị Nguyễn Thị Bình Minh – cán bộ bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Kon Rẫy cho biết: Con số các xã báo cáo lên huyện chỉ là một phần, còn trên thực tế những đợt kiểm tra cho thấy tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện đang diễn ra khá phổ biến và phức tạp.

img

Nguyễn Thị Giang (SN 1999, ở thôn 11, xã Đăk Tờ Re) kết hôn năm 2014, nay đã có 1 con trai 7 tháng tuổi. Ảnh: N.X

Thôn 8 (hay còn gọi là làng Kon Keng), xã Đăk Tơ Lung là thôn có đối tượng tảo hôn đông nhất, toàn thôn có tới 6 người. Y Liễu (đến từ xã Đăk Kôi) bắt đầu cuộc sống vợ chồng năm 15 tuổi. Chồng Y Liễu tên là A Sơn (SN 1992) là trai làng Kon Keng.

Cả hai đều nghỉ học từ rất sớm, quen và yêu nhau sau nhiều lần đi làm cùng. Do hai người lỡ “vượt rào” và có thai nên hai bên gia đình phải đồng ý cho lấy nhau. Sau 8 tháng, Y Liễu sinh con trai đầu lòng nhưng vì đứa trẻ thiếu tháng, cơ thể Liễu cũng phát triển chưa đầy đủ trước khi làm mẹ nên đứa trẻ khi vừa chào đời đã ra đi.

Như nhiều thiếu nữ Sơ Rá ở làng Kon Keng, ngoài Y Liễu còn có Y Xuyên cũng kết hôn khi mới chớm tuổi trăng tròn. Chồng Y Xuyên là A Quýt, cả 2 yêu nhau rồi quan hệ tình dục sớm dẫn đến có thai ngoài ý muốn. Vì đã lỡ nên đám cưới vẫn được tổ chức dưới sự chứng kiến và chúc phúc của gia đình, bà con… Đến nay, Y Xuyên đã có con trai 3 tháng tuổi.

Tại thôn 11, xã Đăk Tờ Re năm 2014 có 2 trường hợp tảo hôn là Nguyễn Thị Giang (SN 1999) và Cao Thị Hà (SN 2000). Cả 2 em đang theo học lớp 9 - 10 thì lỡ có thai với người yêu nên phải bỏ học để làm vợ. Cô Nguyễn Thị Chanh (mẹ en Giang) ngậm ngùi: “Vẫn biết kết hôn khi chưa đủ tuổi là vi phạm pháp luật, thế nhưng những người làm mẹ như chúng tôi rơi vào hoàn cảnh này đều phải nhắm mắt làm liều, cho con cưới, chứ mình cũng không thể bắt con bỏ đi cái thai được”.

Khó kiểm soát

"Khi nghe tin có trường hợp sắp cưới khi vợ hoặc chồng hoặc cả hai chưa đủ tuổi, chúng tôi luân phiên đến tận nhà tuyên truyền, nhắc nhở... Trước mặt thì họ nghe nhưng tuân thủ quy định pháp luật thì còn hạn chế”.
Anh A Đạt - Thôn trưởng thôn 8, xã Đăk Tơ Lung

Chia sẻ về nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn trên địa bàn, chị Nguyễn Thị Bình Minh cho biết: Thứ nhất là do tập quán sinh sống của các hộ đồng bào DTTS ở xa khu dân cư nên nhận thức về vấn đề chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em vẫn còn lạc hậu, chưa đầy đủ ở các bậc phụ huynh.

Thứ hai là do trẻ em bỏ học sớm và yêu đương, quan hệ tình dục sớm, trong khi bố mẹ không quan tâm đến con cái. “Rất nhiều trường hợp, chủ yếu rơi vào đối tượng là đồng bào DTTS, họ sinh sống xa địa bàn, khu dân cư nên chuyện thành vợ thành chồng rồi sinh con tại đó cán bộ thôn không thể kiểm soát hết. Hay như các cháu dưới 16 tuổi đã yêu đương, quan hệ tình dục sớm làm ảnh hưởng đến việc học tập... Chỉ khi nhà trường thông báo các trường hợp bỏ học thì cán bộ phụ trách mới can thiệp thì đã muộn” – chị Minh cho biết thêm.

Theo chị Minh, để ngăn chặn hoàn toàn tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện không thể làm ngày một ngày hai mà cần phải thực hiện theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”: Tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân; Xây dựng hương ước, quy ước thôn bản đủ tính pháp lý và các quy định xử phạt cụ thể... 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem