Nằm cách TP.Thái Nguyên 50km, khu vực cánh đồng Ái Thượng là nơi có nguồn tài nguyên “vàng đen” (than) quý giá. Để cung cấp than cho Nhà máy Nhiệt điện Cao Ngạn, năm 2002, Xí nghiệp Than Núi Hồng (trực thuộc Công ty Than Nội địa) mở rộng khai trường tại khối 3 thấu kính II nằm trên địa bàn 2 xã Yên Lãng và Na Lao của huyện Đại Từ, với diện tích 26,3ha.
|
Chị Trịnh Thị Duyên chỉ tay về phía khu ruộng của gia đình chị bị thu hồi. |
Trưởng phòng đi gác tàu
Mở đầu câu chuyện với phóng viên, ông Đặng Văn Bào cay đắng kể lại những câu chuyện bất công mà ông đã phải gánh chịu khi là người đầu tiên phát hiện ra những sai phạm trong vụ việc thu hồi đất nông nghiệp của bà con nông dân nhằm mở rộng khai trường của Xí nghiệp Than Núi Hồng.
Đang sống yên ổn với con trâu, mảnh ruộng, bỗng nhiên hàng chục hộ nông dân ở xóm Chiến Thắng (Yên Lãng, Đại Từ, Thái Nguyên) bị tước đoạt tư liệu sản xuất và họ thất nghiệp. Không ít hộ nhanh chóng “được” xếp diện hộ nghèo...
Ông Bào cho biết: "Thời điểm năm 2002, tôi đang là Trưởng phòng Thanh tra của Xí nghiệp Than Núi Hồng. Khi Xí nghiệp mở rộng khai trường và lấy đất nông nghiệp trên phạm vi cánh đồng 2 xã Yên Lãng và Na Lao, tôi đã phát hiện ra một số sai phạm nghiêm trọng như không có phương án đền bù được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không có quyết định thu hồi đất gửi đến từng hộ dân, không có phương án chuyển đổi nghề nghiệp cho các hộ dân mất đất và không tuyển dụng đủ lao động như đã đề ra. Tôi đã có ý kiến với giám đốc xí nghiệp và chủ tịch UBND xã Yên Lãng, thế nhưng không nhận được sự phản hồi”.
Ngay sau đó, dù không vi phạm kỷ luật gì, nhưng ông Bào đã bị điều chuyển công tác từ Trưởng phòng Thanh tra xuống làm Đội phó Đội xúc than, rồi công nhân bán than và cuối cùng là gác chắn tàu hỏa. Lương bị hạ đến 5 lần khiến ông vô cùng lao đao vì đang phải nuôi 3 người con ăn học. Biết mình bị trù dập nhưng ông cũng không dám phản ứng quá mạnh mẽ vì sợ mất việc. 2 năm sau, ông đủ tuổi về hưu nhưng lạ thay Đảng bộ xí nghiệp không làm thủ tục chuyển sinh hoạt Đảng cho ông về địa phương như những người nghỉ cùng đợt mà bắt tiếp tục sinh hoạt Đảng tại cơ quan.
Vẫn theo lời ông Bào, 6 tháng sau, bố đẻ ông ốm nặng, ông làm đơn xin tạm nghỉ sinh hoạt Đảng để chăm sóc, chữa bệnh cho bố nhưng Đảng bộ xí nghiệp không đồng ý. Ông Bào nhớ lại: "Vào một buổi tối, Bí thư Chi bộ Phân xưởng cơ điện đến tận nhà riêng của tôi yêu cầu tôi làm đơn xin ra khỏi Đảng. Yêu cầu rất vô lý nên tôi không nghe.
Thế nhưng chỉ vài ngày sau, Chi bộ nơi tôi sinh hoạt đã họp bỏ phiếu kín để khai trừ tôi ra khỏi Đảng với lý do bỏ sinh hoạt Đảng dù đến thời điểm đó tôi chưa nghỉ sinh hoạt buổi nào. Nhận được quyết định xóa tên đảng viên, tôi lên hỏi Huyện ủy thì họ bảo về hỏi Đảng bộ cơ quan, tôi hỏi cơ quan thì họ nói do Huyện ủy chỉ đạo... Tôi về nằm ốm mất mấy tháng và sút hàng chục cân”.
Nhà nông mất nguồn sống
Dù vấp phải sự phản đối quyết liệt của người dân, nhưng ngày 4.1.2007, UBND huyện Đại Từ vẫn ra quyết định cưỡng chế toàn bộ diện tích đất nông nghiệp của 21 hộ dân tại xóm Chiến Thắng để giao cho Xí nghiệp Than Núi Hồng khai thác, kinh doanh.
Theo điều tra của chúng tôi thì trong 21 hộ này có đến 6 hộ đang là hộ nghèo và 3 hộ gia đình liệt sĩ.
Theo lời những người dân mất đất thì từ 4 giờ sáng, gần 100 cán bộ công an tỉnh, huyện, xã cùng với công nhân của Xí nghiệp Than đã cho máy ủi cát san bằng khu ruộng tại cánh đồng Ái Thượng. UBND huyện cũng ra quyết định xử phạt hành chính 500.000 đồng đối với mỗi hộ dân không trả lại đất theo quyết định thu hồi. Tuy nhiên sau đó ít ngày, người đứng đầu chính quyền huyện lại ký Quyết định số 753/QĐ-UBND miễn thu tiền xử phạt đối với các hộ này.
Dẫu vậy, 21 hộ dân mất đất vẫn kiên quyết không nhận tiền đền bù và liên tục làm đơn tố cáo sai phạm của Xí nghiệp Than Núi Hồng (nay là Công ty Than Núi Hồng) đến các cơ quan có thẩm quyền. Thậm chí có lá đơn họ ký bằng máu... Bao đời nay họ vẫn sống yên ổn với con trâu, mảnh ruộng, cần mẫn làm ăn. Khi mất ruộng, không có nghề nghiệp trong tay, đòi nghèo đang sầm sập đổ xuống cuộc đời họ...
--------------
Bài 2: Những “bóng ma” đói nghèo
Nhóm PV
Vui lòng nhập nội dung bình luận.