Toan tính của Mỹ ở Syria tan tành vì các đồng minh đánh nhau

Phương Đăng Thứ hai, ngày 29/01/2018 19:25 PM (GMT+7)
Cuộc tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào phiến quân người Kurd ở Bắc Syria được cho là đã phơi bày những lỗ hổng trong chính sách Syria mới của chính quyền Trump và thổi bùng lên câu hỏi về việc liệu Washington có bị lôi kéo vào một cuộc xung đột lớn hơn trong khu vực. 
Bình luận 0

Thổ Nhĩ Kỳ "nổi giận" vì chiến lược Syria mới của Mỹ

img

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ tiến vào Afrin, Syria.

Cuộc tấn công của Ankara mang tên "Nhành Ôliu" bắt đầu vào ngày 20.1 nhắm đến thị trấn Afrin ở Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đang do các lực lượng Kurd nắm quyền kiểm soát.

Ankara đã phát động cuộc tấn công trên sau khi Ngoại trưởng Rex Tillerson công bố chiến lược mới của Mỹ ở Syria trong đó bao gồm cam kết thành lập một lực lượng an ninh biên giới lên tới 30.000 người hiện diện tại các khu vực người Kurd sinh sống ở Đông Bắc Syria. 

Chiến lược này được cho là nhằm mục đích ngăn chặn các chiến binh Nhà nước Hồi giáo (IS) quay trở lại những khu vực chúng vừa bị đánh bật ra. 

Ngoài ra, thông qua chiến lược Syria mới, Mỹ còn nhắm đến mục tiêu khác bao gồm việc đẩy lùi ảnh hưởng của Iran, đánh bại al-Qaeda, đảm bảo giải quyết hòa bình xung đột Syria và cả việc loại bỏ Tổng thống Bashar al-Assad.

Tuy nhiên, điều đáng nói là phần lớn thành viên trong lực lượng an ninh biên giới do Mỹ lập ra lại là những chiến binh kỳ cựu trong Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) với chủ lực là dân quân người Kurd mà Ankara xem là khủng bố.

Theo đó, chiến lược Syria mới của Mỹ rõ ràng đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ "nổi giận". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan tuyên bố: "Chúng tôi không quan tâm họ nói gì. Họ sẽ thấy mình sai lầm thế nào khi đặt niềm tin vào một tổ chức khủng bố".

Nhà báo Thổ Nhĩ Kỳ Fehim Tastekin cho biết, việc Mỹ thành lập lực lượng an ninh biên giới theo quan điểm của Ankara "có ý nghĩa là quan hệ đối tác giữa Washington và người Kurd sẽ không kết thúc như Ankara hy vọng dù IS đã bị tiêu diệt".   

Thế tiến thoái lưỡng nan của Mỹ

img

Xe bọc thép của Mỹ tuần tra trên con đường gần thị trấn Manbij, Bắc Syria

Noah Bonsey, một nhà phân tích Syria của Nhóm khủng hoảng quốc tế nhận định, việc Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd ở Afrin đã làm nổi bật những khó khăn cơ bản của Mỹ trong việc duy trì các liên minh hiệu quả với 2 lực lượng đang tấn công lẫn nhau.

Thổ Nhĩ Kỳ đã theo đuổi cuộc chiến kéo dài hàng thâp kỷ chống lại các chiến binh người Kurd thuộc Đảng Lao động người Kurd hay PKK dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ ở Bắc Syria.

Mỹ đã tuyên bố rằng, họ sẽ không giúp người Kurd ở Afrin vì không xem họ là đồng minh ngang bằng với người Kurd ở xa hơn về phía Đông vốn đã được huấn luyện và vũ trang để chống lại IS. Do đó, người Kurd ở Afrin không liên quan đến cuộc chiến chống IS cũng không nhận được sự đỡ đầu của Mỹ, các quan chức Mỹ tuyên bố.

Nhưng việc Tổng thống Erdogan đe dọa sẽ mở rộng cuộc tấn công sang các khu vực xa hơn về phía Đông, nơi có binh sĩ Mỹ đồn trú đang thổi bùng lên quan ngại một cuộc xung đột lớn hơn sẽ bùng nổ.

Cuối tuần trước, ông Erdogan đã yêu cầu quân Mỹ rút khỏi Manbij vốn đang nằm dưới sự kiểm soát của một liên minh do người Kurd dẫn đầu được Mỹ hậu thuẫn. Manbij lại giáp ranh với một phần phía Bắc Syria vốn đang do lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn kiểm soát. Lính Mỹ đã tuần tra trong khu vực này gần một năm qua để ngăn các đồng minh thù địch của họ tấn công lẫn nhau. 

Bà Gonul Tol, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Học viện Trung Đông ở Washington nhận định rằng, nếu Thổ Nhĩ kỳ tấn công Manji, Mỹ sẽ lâm vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Theo bà Gonul, nếu chính quyền Trump muốn ở lại Bắc Syria, thì họ cần người Kurd. Mặt khác, Thổ Nhĩ Kỳ cũng là một đồng minh quan trọng của NATO. Do đó, Mỹ có thể bị buộc phải chọn đứng về một bên. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem