Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 1.


Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 2.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 3.

 Có khi, tôi và đồng nghiệp ghé qua, có hơn chục triệu đồng, ông nhờ gửi mua tivi, mua sách vở tặng bà con xã Mù Cả - nơi ngày xưa ông đã cống hiến -giúp. Và, có người thì gạ gẫm lừa mất món tiền đôi trăm triệu tiết kiệm làm từ thiện của vị Anh hùng, mà ông Bôn thì vẫn mỉm cười tha thứ, "chắc là cùng quẫn lắm họ mới lừa một người già như mình chứ, phải thương lấy họ, nhà báo ạ!".

Dường như hương rừng sắc núi, màu diệp lục với suối xanh của núi rừng Tây Bắc đã ám ông đến cả một đời. Năm 1962, Hồ Chủ tịch ký "Bảng vàng Danh dự" phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao Động cho thầy giáo Bôn sau các cống hiến huyền thoại của ông cho xã Mù Cả, châu Mường Tè, Khu tự trị Tây Bắc (nay là huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu). Gần nửa thế kỷ sau, tôi (người viết bài này) đi bộ hơn chục ngày để vào vùng ngã ba biên giới và nghe bà con Hà Nhì kể về "thầy Bôn" với sự kính cẩn như một vị thần núi, thần sông. Song không ai biết số điện thoại hoặc địa chỉ hay tình trạng hiện tại của thầy. 

Tôi đã gọi tổng đài 1080 Hải Phòng và xin số điện thoại của 8 người tên là Nguyễn Văn Bôn ở Đất Cảng. Gọi đến "ngài Bôn" thứ 7 thì thổn thức gặp ông. Hồ Chủ tịch ký Bảng vàng, ghi rõ: "Đồng chí Nguyễn Văn Bôn, Giáo viên cấp 1, xã Mù Cả, châu Mường Tè, Khu tự trị Tây Bắc. Đã có thành tích: Xung phong lên dạy vùng rẻo cao, kiên trì vận động đồng bào đi học, từ chỗ không có người biết tiếng phổ thông, nay đã mở được nhiều lớp học và có ký túc xá cho học sinh (…), góp phần thay đổi bộ mặt của xã từ chỗ nghèo nàn lạc hậu trở thành một xã tiên tiến nhất trong châu".

Tôi phải "vận động hành lang" rất lâu thì ông giáo già đang nuôi 2 con khỉ mặt đỏ do học trò ở Mường Tè tặng mới chấp nhận mở lòng kể chuyện đời mình. Học trò của ông làm cán bộ to lắm, vì bắn chết con voi nên bị cách chức, trước đó anh ta có lái xe về Hải Phòng tặng thầy đôi khỉ, để mỗi lúc vui vầy nhờ nó bắt chấy vuốt tóc thì thầy nhớ tới quê hương núi rừng chúng em. 

Sau này, ông Bôn và tôi đã mời anh Tùng, bấy giờ là lãnh đạo Vườn thú Thủ Lệ cho xe xuống Hải Phòng chở đôi khỉ to lớn và già nua về chăm sóc phục vụ khách tham quan. Tôi cũng đã bỏ nhiều ngày lái xe rồi lội bộ đưa thầy Bôn trở lại Mù Cả, Mường Tè, Lai Châu với những tên đất, tên người sau này tôi gắn bó cả đời: Go Sừ, Phí Nhì, Lỳ Phì Chờ, Kẻng Mỏ, Xi Nế, Gò Cứ, Phìn Khò, Ma Ký, Tà Tổng, Mường Mô…

Và hôm nay, Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, nhiều câu chuyện cảm kích và đáng để suy ngẫm về cuộc đời cống hiến kì lạ trong một giai đoạn lịch sử chắc chắn không bao giờ có phiên bản tương tự ấy được thầy Bôn kể với Dân Việt trò chuyện.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 4.

Anh hùng, nhà giáo Nguyễn Văn Bôn kể: Tôi vinh dự được gặp Bác Hồ 7 lần. Lần đầu, lúc đấy, Bác mời tôi lên ngồi ghế Chủ tịch Đoàn ở ngay Hội nghị Giáo dục Toàn quốc. Hôm đó, Bác vào, Bác bảo: "Hội nghị này sao lại không có Chủ tịch Đoàn?", rồi cụ chỉ định ông Nguyễn Văn Huyên (bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Giáo dục) là một, ông nhà thơ Tố Hữu và tôi lên là 3 người. 

Sau cụ còn hỏi công tác ở vùng nào, mình nói ở vùng cao Mường Tè thì cụ nói là ở trên vùng cao gian khổ lắm, phải nỗ lực lắm mới có được thành quả đáng trân trọng để rồi trở thành tấm gương tiêu biểu có mặt ngày hôm nay.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 5.

Thưa thầy giáo, lúc đó còn rất trẻ, lại sinh ra lớn lên ở vùng xuôi, tại sao ông biết đến những vùng khó khăn của đất nước như Mường Tè, Mù Cả để rồi viết đơn tình nguyện xông pha?

- Khi lên trường bổ túc công nông rồi sau đó lên tỉnh Sơn La thì tôi mới nghe các giáo viên báo cáo về những gian khổ của miền núi, vùng sâu vùng xa nó như thế nào. Sau đấy tôi mới tự viết đơn tình nguyện. 

Lúc đó tôi rất thần tượng nhân vật Pavel trong tiểu thuyết "Thép đã tôi thế đấy". Tuổi trẻ sống sao cho đáng sống, cho không bao giờ ta phải xót xa ân hận vì những năm tháng sống hoài sống phí. Để sau này, dù già yếu đi nữa, ta luôn thấy tự hào vì mình đã cống hiến cho cộng đồng, với lý tưởng sống cao đẹp nhất.

Lúc ở Trường Bổ túc Công nông là tôi đã được nghe tới nhưng đến khi nghe báo cáo của các giáo viên tại Sơn La, để hiểu về cái thực tế gian khổ của Tây Bắc. Lúc bấy giờ ông Lò Văn Hặc là Chủ tịch. 

Trong thư tình nguyện xin đi vào nơi gian khổ nhất, tôi viết: Thanh niên cần phải phấn đấu này kia. Thời kì ấy làm gì có ai tư vấn, mỗi người tự suy nghĩ thôi, vô tư và cũng không nghĩ nhiều gì về kinh tế. Báo cáo có nhiều chỗ nói về tình trạng dân du canh du cư, phá rừng đốt rừng, rồi họ nói về các hủ tục làm nạn thất học tràn lan. Do nhiều bà con vẫn nghĩ là nếu học chữ thì ma nó sẽ về bắt. Có dân tộc thì nói chữ của họ suối trôi đi hết rồi nên không học được nữa đâu.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 6.

Giọng ông Bôn bồi hồi: "Lúc viết đơn đi vào nơi xa nhất, tôi đã có người yêu là một cô văn công đánh đàn Tam thập lục ở Đoàn văn công Tả Ngạn (bà ấy chính là vợ của tôi sau này, đến năm 2000 thì bà mất). Trong thư, tôi bảo: Giờ anh đi chưa biết số phận ra sao. Thế nên, để khỏi vướng bận cho người ra đi vì lý tưởng lớn, thì chúng ta chia tay nhé. Ta là bạn thôi.

Xin hỏi thật nhà giáo, thời bấy giờ có nhiều người viết "huyết thư" như ông xin đi vùng gian khó khổ cực nhất không nhỉ?

- Phải nói rằng đa số lúc ấy, thế hệ chúng tôi khác lớp người bây giờ. Ở Thụy Anh, tỉnh Thái Bình (nơi tôi dạy học và bắt đầu đăng kí đi vùng cao), bấy giờ có tám mươi mấy giáo viên, khi hưởng ứng lời kêu gọi xung phong lên Tây Bắc thì hầu hết các cánh tay giơ lên.

Bấy giờ, chúng tôi coi cái lý lịch công nhân cũng rất hay, người ta quan niệm giai cấp công nhân cũng thế nọ thế kia đấy. Thời ấy ở quê, thậm chí, tôi bảo:Thôi, không làm giáo viên thì tôi xung phong đi công trường để trở thành giai cấp công nhân. Bấy giờ, trong đầu chúng tôi, chỉ nghe từ tiểu tư sản đã thấy "ghét" rồi.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 7.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 8.

Lúc đầu tiên lên xã Mù Cả đó, cứ ra khỏi bản một cái thì nai, hoẵng chạy đầy. Còn vượn, nó hót suốt ngày đêm, nó cứ cây nọ nhảy vèo sang cây kia xung quanh bản. Nhiều khi, sáng ngủ dậy, chó sói ăn thịt con nai con hoẵng, nó ăn hết bộ lòng còn bỏ lại tất cả tươi nguyên, người ta đi nhặt thịt đó về nấu. Tôi đi khắp tất cả các bản trước khi gọi học sinh về tập trung lại. Có tới 40 em. Các em từ các bản về, tự mang gạo đến nấu ăn. 

Thấy vậy tôi mới nghĩ ra là làm cho các cháu cái kí túc xá dân nuôi. Các cháu ở đó học, thỉnh thoảng bố mẹ tiếp tế lương thực củi lửa. Ông Nguyễn Văn Huyên - Bộ trưởng Bộ Giáo dục sau này bảo: Đây là hình thức mới đầy sáng tạo và rất đặc biệt. Nó phát sinh từ thực tiễn cuộc sống rất sinh động kia, là nguyên nhân để duy trì thu hút được nhiều học sinh đến trường.

Còn có một số thầy lên xã dạy học, xã ấy vận động mãi chỉ có 6 học sinh. Có thầy lên xã còn chẳng có học sinh nào cả. Đến cuối năm báo cáo có 1 học sinh duy nhất. Cuối năm họp, tất cả mới trố hết cả mắt lên hỏi, sao trường của thầy Bôn đông thế, toàn các nơi về.

Ông là thầy giáo đầu tiên đến Mù Cả, đẵn tre nứa đóng bàn ghế, xây trường học đầu tiên, mở lớp học đầu tiên. Hồi đó, từ năm 1959, tức là khoảng 60 năm trước, chắc đường vào xã hiểm trở lắm?

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 9.

- Bấy giờ, từ thị xã Lai Châu (nay là thị xã Mường Lay, tỉnh Điện Biên, khu vực đó đã bị ngập dưới lòng hồ thuỷ điện Sơn La) vào huyện Mường Tè đi mất 3 ngày đường. Đi bộ. Có người vào dẫn đường, cả đoàn có 19 người. Mình thì cứ đi theo đoàn thôi, đội cái nón to, toàn thanh niên nhà giáo chứ không có học sinh sư phạm nào cả. 

Toàn giáo viên đã từng dạy dưới xuôi hết rồi. Có ông dạy đến 5-7 năm rồi, còn mình mới chỉ dạy được 2 năm ở Thái Bình. Vào đấy đường đi khó, cực kỳ dốc, nhiều lúc phải bám vào cây để leo lên vách núi.

Sau đó, vào tới trung tâm huyện Mường Tè. Từ trên cao nhìn xuống chỉ vẻn vẹn có mấy dãy nhà tranh, đó là nhà trung tâm của huyện còn xung quanh có nhà cửa đâu. 

Ở trong huyện, phòng giáo dục thì được một cái phòng con con, cán bộ ở đó hết. Tối, thắp đèn dầu. Mình ở đấy mấy ngày, sau người ta dẫn đi xã Mường Tè (thuộc huyện Mường Tè) để rồi từ đó tìm đường đến xã khó khăn nhất: Mù Cả.

Một ông Phó Chủ tịch UBND xã dẫn đường. Ông này trông râu ria, đen nhẻm, cầm con dao quắm. Anh ta cứ lầm lì dẫn thầy giáo đi, mà chả nói năng gì cả. Hai con mắt thì cứ thô lố. Thế là mình cứ đi theo, ông ta đón mình đi về Mù Cả. Mà không có đường gì đâu, mỗi cái vạch trăng trắng giống như lối mòn quanh bìa rừng, cứ đi theo đó thôi. 

Đang đi, nhiều lúc giật mình, mấy con rết to đen nhoáy bò lừ lừ, rồi con vô số con vắt nó bò lên người mình. Anh ta bảo, vắt nhiều, vắt xanh nhảy tanh tách thế thì phải chạy thôi. Sau đó thì chạy, chạy hàng cây số. Đi qua các hàng cây vắt nhiều vô kể. Người đi trước, khi trời còn đẫm sương đêm, thấy động, bọn vắt xanh ngóc đầu dậy, nó đang ngơ ngác chuẩn bị tấn công thì người đi sau bước tới. Thế là lĩnh đủ. Ông ta cho thầy giáo đi trước, mà vắt vẫn bò đầy người tôi…

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 10.

Đầu tiên vào nhà dân người Thái ăn cơm ở đó. Ngày hôm sau bắt đầu leo lên cái dốc cao vút, mình cứ leo, mặc cái áo bông mà nóng quá, đến cái suối cứ thế cả người ngụp xuống. 2-3 lần ngụp suối như thế mới leo đến đỉnh dốc. Buổi tối hôm ấy dân mời chén rượu đầu tiên, lần đầu tiên mình uống rượu mà say gần chết. Nghỉ ở đấy đến hôm sau mới về xã Mù Cả. Có mười mấy gia đình ở Mù Cả thôi, tối đến ngồi quây xung quanh đốt lửa.

Ở quen mấy hôm rồi thì đi địa dư, đi cả 1 tuần xem người dân ở các bản đó họ sống như thế nào. Hồi ấy đi xa lắm, toàn dốc chứ không như bây giờ ô tô đi mấy phút là tới. Một gã thổ địa ở đó được phân công đốt lửa đưa thầy giáo đi. 

Toàn đi đêm vì ban ngày bà con đi nương không có ai ở nhà. Sau này, gã ấy bị bắt vì nổi phỉ, anh ta có ý "phản lại cách mạng" từ hồi... vua Thái Đèo Văn Long. Tôi dạy hai đứa con của tên này, 2 đứa bảo "bố tao xấu nhưng tao không xấu nên thầy cho học nhé". Lúc thì nó gọi thầy lúc thì gọi mày.

Mình về bản phổ biến rằng: Bác Hồ kêu gọi đi học. Nghe thế, người thì phát biểu không học được, chữ trôi hết xuống suối rồi, thế nọ thế kia. Tôi bảo: Thầy giáo Bác Hồ về sẽ mang chữ về cho bà con, nó trôi đi đâu cũng sẽ lấy về. Người ta nghe thế và cuối cùng quyết định đến ngày đó tập trung, tất cả các bản phải đưa trẻ con về. Các trường bản có trách nhiệm đưa hết tất cả trẻ tuổi từ 8-12 về học. Chủ tịch nói gì dân cũng răm rắp nghe.

Đến cái ngày tập trung, tôi rất mừng vì có 37 học sinh, những cháu bé lít nhít tình nguyện theo học, tôi bảo cứ về để sang năm lớn lên rồi đi vẫn kịp.

Trước đó, tôi đã lên dựng trường và làm đủ 40 chỗ ngồi rồi, được 10 hàng ghế và mỗi hàng 4 em ngồi, ghế bằng tre nứa hết. Mình tự làm hết chứ không có ai làm cả. Nhà nước làm gì có gì đâu, chỉ có cho nhà giáo lên tự làm thôi. Còn lương ở huyện lĩnh trước 1-2 tháng rồi cầm lên.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 11.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 12.

Nghe nói thời kì đó, nhiều cánh rừng rực rỡ hoa thuốc phiện, người dân nghiện tràn lan?

- Thời kỳ đó thuốc phiện nhiều lắm, không biết bao nhiêu cái bàn đèn thuốc phiện cổ rất đẹp. Mình nói thuốc phiện là thứ xấu của bọn quan lại phong kiến thối nát ngày xưa đầu độc dân. Các em giờ đây đi về nhà mình, mang "cái xấu/bàn đèn thuốc phiện" đến tập trung lại để vào phòng truyền thống. 

Đứa nào cũng mang một cái bàn đèn thuốc phiện tới nộp cho thầy. Đẹp lắm, toàn đồ bằng đồng cổ kính, chạm trổ ở đâu rất đẹp. Hồi đầu mới lên, trong nhà ông Chủ tịch xã có hút thuốc phiện, ông ấy nói với mình: "Cán bộ ơi, tao hút thuốc phiện thì đừng nói với Hồ Chủ tịch nhé". Xong còn hỏi: "Nhà của Hồ Chủ tịch có rộng không? Có to như nhà của thống quan bản dưới kia không?". Mình cười bảo, cứ làm tốt, khắc được về Hà Nội tham quan.

Ngày ấy, họ không biết gì nhiều, thậm chí, nói thật là họ cũng không biết vị lãnh tụ là như thế nào. Cái tay Phó Chủ tịch xã hôm trước lầm lì mắt trố đi đón tôi về Mù Cả ấy, một hôm, có cuộc họp văn hóa ở tỉnh Lai Châu, có đại biểu của xã đi thì mình là thầy giáo hiểu biết hơn cả nên phải đưa họ đi. 

Trên đường nhìn thấy 2 cái xe  ô tô đang đi, anh ta lại quay ra hỏi: "Thế nó không húc nhau à?". Cái đài con con của Ủy ban tỉnh ở trên cao, cậu ấy cứ ngồi lẩn thẩn bảo: Ở trên kia có thằng bé nào đang hát. Dân bấy giờ còn lạc hậu lắm.

Tôi cứ làm và rất ngạc nhiên khi được phong Anh hùng!  - Ảnh 13.

Tình cờ tôi nghe một Giáo sư kể, hồi nhà giáo Nguyễn Văn Bôn được phong Anh hùng (hồi đó Anh hùng rất rất hiếm) và về Hà Nội để nhận vinh danh, nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu lịch sử có tìm đến ông để hỏi về… các câu chuyện khó tin ở vùng cao xa xôi mà ông từng chứng kiến…?

- Về nạn quần hôn thì mình không dám nói nhiều. Những đứa con gái bé tầm hơn chục tuổi, bố mẹ nó dựng cho cái lều nhỏ ở ngoài, còn bố mẹ nó ở trong nhà. Chính vì cái đó mà sau này họp, tôi mới nói với Chủ tịch, với đoàn Đại biểu Quốc hội là không thể để cái tệ nạn đó được. Muốn yêu nhau lấy nhau thì phải hỏi, đến xin phép bố mẹ thì mới được. Chứ không thể để cái tình trạng người này đến người kia đến kiểu quần hôn như thế.  

Đại biểu Quốc hội Khoàng A Hù (người dân tộc Hà Nhì) bấy giờ nói: Cán bộ ơi, ngăn cản thế thì không được rồi. Con gái có làm như thế thì sau này nó mới có lối để… đẻ. Nó như cái đường đi ấy, ta phải phát quang thì mới đi được. Con trai đi với con gái thế, nó mới lớn.

Sau này, các chuyên gia về văn hóa, xã hội tìm và phỏng vấn tôi thêm về cái báo cáo về tình trạng quần hôn, các phong tục ở vùng cao. Cả mấy nhà sử học cũng hỏi. Họ hỏi về tình trạng quần hôn, những phong tục tập quán kỳ lạ, rồi cuộc sống người dân vùng rẻo cao còn nhiều khó khăn ngoài sức tưởng tượng sau Giải phóng Điện Biên. Các ông cũng nói rằng những cái đó, những màu sắc đó mang cái dư âm của "thời nguyên thủy".

Sau khi tôi phát hiện và đề nghị chấn chỉnh, thì tình trạng trên đã bị… cấm hết. Nam nữ thanh niên không thể "mông muội" như vậy được. 

(Còn nữa)

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem