img img
 
img img

Bao giờ cũng vậy, cứ có người cần giúp đỡ là cặp đôi Công Vinh - Thủy Tiên lại lên đường. Đó là điểm chung và cũng khá kỳ lạ về cặp đôi được nhiều người ngưỡng mộ này.

Nhìn họ tự bỏ tiền túi xây rất nhiều cây cầu cho bà con miền Tây, phát quà Tết cho 600 công nhân may bị phá sản và gần đây nhất – cả hai cùng có mặt ở ĐBSCL để giúp người nông dân chống hạn mặn giữa đại dịch Covid-19, kêu gọi được hơn 14 tỷ đồng, khó có thể phủ nhận được tấm lòng hào hiệp sẵn sàng cho đi không mong cầu nhận lại của họ.

img
img

Một cặp đôi từng nhận nhiều điều tiếng và thị phi trong làng bóng đá và showbiz, cặp đôi sang chảnh với xe sang và thu nhập khủng, nhưng cũng là cặp đôi chăm làm việc thiện nhất, và họ đang cùng nhau tu tập, hoàn thiện mình trong ngôi nhà hạnh phúc, đầy ắp tiếng cười. Đó chính là điều làm nên thương hiệu sống của chính họ.

Những ai từng ghé thăm căn biệt thự của Công Vinh và Thủy Tiên, hẳn sẽ ngạc nhiên vì làm sao mà hai con người nổi tiếng trong giới bóng đá và showbiz, lại có cuộc sống bình lặng, giản dị với thú điền viên như thế. Cả mảnh vườn quanh nhà đều trồng rau trái, bí, bầu, có khi họ cùng ra cắt bí vào nấu ăn, vợ giữ ghế, chồng leo lên hái quả, cô con gái vui sướng ngước nhìn lên và reo vui.

Khung cảnh ngôi nhà ấm áp, toàn màu xanh. Có lẽ, cả hai vợ chồng Công Vinh đều muốn giữ cho gia đình một khoảng lặng tránh xa cả bóng đá và showbiz náo nhiệt.

Với Công Vinh, cho dù mọi sự đã thay đổi, ở đỉnh cao thành đạt, anh vẫn đặt mình ở tâm thế của cậu bé nghèo nhiều năm trước, từng làm đủ nghề để phụ mẹ nuôi các em, và từng đau thắt ruột khi phát hiện mẹ muốn cả nhà ăn bữa no cuối cùng có tẩm… thuốc chuột vì cuộc sống quá cùng quẫn, bế tắc. Cha vào tù, nhà nghèo kiệt, con nợ đến vây quanh vì làm ăn thua lỗ. Cậu bé đó đã quỳ xuống mà van lơn: "Con xin mẹ đừng làm vậy. Hãy để cho chị em con được sống. Khổ ra sao con cũng chịu được, con sẽ sớm đi làm để phụ giúp gia đình. Con hứa sẽ không để cả nhà mình phải khổ mãi đâu” (Hồi ký của Công Vinh).

Cậu bé đó, như một đốm sáng, mạnh mẽ và có trách nhiệm, luôn hiện lên trong suy nghĩ về đêm của anh; cũng là điểm tựa, để một cầu thủ xuất sắc tiếp tục tận hiến và hành động đúng với bản chất con người mình: Nỗ lực hết sức để không phải hối tiếc và can đảm lúc cần thiết.

Tuy nhiên, với nhiều người, cú quay ngoắt với bóng đá đối với một người đam mê, nhiệt huyết như Công Vinh là một sự lạ. Có vẻ gần như là một cú sốc bên trong khó hình dung mà anh phải trải qua.

Anh từng thú nhận, thất bại của ĐT Việt Nam ở AFF Cup 2016 giống như một cú đánh giáng thẳng vào đầu khiến tim anh muốn tan vỡ và phải giải nghệ. Nhưng phải chăng đấy cũng là bước ngoặt để anh tìm lại chính mình.

img img

Trước tiên, Công Vinh tìm lời giải ở những hồi ức của cuốn tự truyện “Phút 89”, song khi vừa ra mắt, cuốn sách bị bủa vây với nhiều chỉ trích và phản ứng. Khi được hỏi, vì sao viết cuốn tự truyện gây bão trong giới bóng đá và truyền thông, Công Vinh trả lời khá vắn tắt: “Thôi hãy để quá khứ ngủ yên, vì tôi đã xong việc rồi”.

img
img

“Cái gì thuộc về sự thật thì dễ mất lòng. Cuốn tự truyện của tôi cũng vậy. Những gì tôi viết trong tự truyện là bởi tôi đã nhìn thấy và viết những gì mình thấy đúng. Quan trọng hơn, đó là tôi còn chưa viết hết mà đã gây sốc. Nên không nên nhắc đến nữa vì mọi người đã nói quá nhiều rồi. Tôi chỉ muốn nói về tương lai, những gì mình định làm. Chuyện đó đã thành quá khứ”, Công Vinh tâm sự.

Nói ra cũng là để nhẹ lòng hơn. “Nên nhớ những thứ đó không giết chết bất kỳ ai. Và đó chỉ là một phần nhỏ trong hành trình cuộc sống mà chúng ta đang đi tới. Còn nhiều chông gai phía trước, hãy sống thật tốt, hãy tận hưởng những gì mình có. Và đóng góp những gì mình có. Tôi nghĩ đơn giản vậy là đủ”, Công Vinh nói thêm.

Thế nên không có gì lạ, khi thay vì nói về câu chuyện bên sân cỏ, về quả bóng lăn đầy kịch tính, niềm hân hoan lẫn nỗi thất vọng của một đám đông phấn khích và lên đồng cùng một nhịp đập, thì Công Vinh lại chọn cách nói về cuộc sống hiện tại - hôn nhân, giáo dục con cái và các kế hoạch cho tương lai đối với một cầu thủ sau khi giải nghệ.

Vì sao từ khi nói lời chia tay sân cỏ, anh lại không muốn gặp lại đồng đội, huấn luyện viên (HLV), thậm chí, không tham gia các trận bóng giao hữu này khác?

- Cũng có người hỏi vì sao tôi không đá bóng cùng bạn bè hay tham gia các sự kiện bóng đá. Nhưng thử hỏi, gần 20 năm cống hiến cật lực cho đá bóng, từng điên đầu, mất ngủ, thậm chí đập đầu vào tường; từng bị chấn thương; từng chăm chỉ luyện tập đến mức chỉ còn mình tôi nán lại sân cỏ hàng tiếng đồng hồ quên ăn quên ngủ, liệu tôi còn gì nữa? Coi như tôi đã dồn hết sức mình, dồn hết tất cả tình yêu, niềm đam mê cho bóng đá. Khi dừng lại là lúc làm việc khác.

Gần đây nhất, có nhiều cầu thủ gọi cho tôi, rủ chơi giao lưu này nọ. Tôi vẫn nói với họ vì sao trước đây không cống hiến đi, để bây giờ chỉ tham gia những giải phụ như thế. Đã chơi thì chơi thật xuất sắc, còn không thì quay lại làm gì. Tôi muốn tìm công việc khác vì một khi đã cống hiến hết sức, cống hiến tận lực thì có một thời khắc nào đó, bạn sẽ không thể tiếp tục với nó được nữa.

Với các cầu thủ, HLV khác, tôi vẫn liên lạc điện thoại bình thường. Tôi cũng nói với họ có khó khăn gì tôi sẽ giúp đỡ. Nhưng tôi không ra sân xem đá bóng. Bóng đá tôi sẽ không đá lại. Trên thực tế, hai trận bán kết thất bại đã làm trái tim tôi tan vỡ…

img img
img img

Phải chăng, mấu chốt vẫn là sự tổn thương bên trong? Tổn thương lớn nhất của cầu thủ là bị chấn thương, đau đớn và cô đơn mà không ai bên cạnh; và cả một đám đông thất thường: Thắng thì ca ngợi, tung hô; hễ thua thì sỉ vả, xúc phạm? Tổn thương lớn nhất là xã hội coi cầu thủ tài năng như niềm phấn khích của riêng họ, nên họ có quyền phán xét và vùi dập…

- Chúng ta không nói chuyện công bằng ở đây. Đá bóng là một nghề càng khó có thể nói chuyện công bằng. Nghề của cầu thủ vốn được nhiều người biết đến. Khi mình chơi hay, họ tung hô tận mây. Khi mình đá không tốt, không như kỳ vọng, người hâm mộ có quyền được chỉ trích. Đó là điều rất bình thường.

Tại sao không nghĩ, lúc chúng ta nổi tiếng, chúng ta đã hưởng rất nhiều đặc ân? Chúng ta có rất nhiều tiền, nhiều quảng cáo, có nhiều cơ hội chuyển nhượng, mức lương cao hơn… Tại sao chúng ta không mang đến những cảm xúc thăng hoa cho người hâm mộ, mà chỉ nghĩ, ừ, người hâm mộ bạc với mình? Điều đó trong cuộc sống phải xảy ra. Không ai trong chúng ta có được đặc ân mãi, cái gì cũng có lúc lên lúc xuống, thế mới là điều bình thường.

Người ta nói danh thủ thì sẽ mắc bệnh ngôi sao?

- Tôi không quan tâm người ngoài nói gì. Chỉ những cầu thủ đã đi với tôi một chặng đường hiểu và luôn tôn trọng tôi. Tôi luôn xứng đáng là một đàn anh trong mắt họ. Thế đã đủ. Ra đường, ai cũng muốn mình là người này người nọ nhưng nếu không được tôn trọng thì danh hão để làm gì? Tôi sống xuất phát từ cái tâm của mình; hôm nay họ có thể không hiểu, nhưng ngày mai hay vài năm sau, họ sẽ hiểu con người mình.

img img

Anh có nhận xét về bóng đá Việt Nam hôm nay? Phải chăng ngoài thế hệ cầu thủ vàng còn cần HLV giỏi như ông Park Hang Seo?

- Thời điểm cách đây vài năm đã sản sinh một lứa cầu thủ quá tài năng. Cộng thêm một HLV giỏi, nắm bắt được cầu thủ, thiên thời địa lợi, nhân hòa, mang lại thành công cho bóng đá Việt Nam, rất tốt cho những người làm thể thao, cho cộng đồng. Các học viện đều khơi dậy tình yêu đá bóng với bạn trẻ, tạo nhiều sân chơi bổ ích hơn.

img
img

Ông Park Hang Seo là người cực giỏi. Nói đến HLV thành công thì phải nói đến những danh hiệu mà ông mang lại. Người Hàn Quốc có nhiều nét tương đồng với người Việt, còn người Nhật có khác hơn về mặt văn hóa. Chúng ta có một tập thể mạnh thì dự bị hay chính thức cũng giống nhau, đều có nhiều sự lựa chọn. Đó là điều may mắn khi ông Park sở hữu được một lứa cầu thủ tài năng. Có cầu thủ giỏi thì mới vận hành tốt chiến thuật. Mất cầu thủ giỏi thì phải có cầu thủ khác thay thế.

Tài năng mới là quan trọng, và đương nhiên là HLV phải giỏi.

Mỗi HLV đều mang đến một chiến thuật, một lối đá và cảm xúc khác nhau. Với tôi thì tất cả HLV đến VN dù thành công hay không thì họ cũng đã đóng góp cho bóng đá VN, mang đến chiến thắng cho người hâm mộ và nên ghi nhận điều này.

img img

Từ cầu thủ, đến người tu tập, nghĩ đến cộng đồng, xây trường và giờ là doanh nhân, anh đã đi những bước dài thế nào trong tinh thần?

- Để kiếm tiền thì biết bao nhiêu cho đủ! Tôi không đặt tiền bạc lên hàng đầu, mà đặt đường hướng cho mình. Khi làm tốt, đủ chuyên nghiệp thì sẽ có sự thay đổi. Còn khi chưa làm mà chỉ nghĩ về tiền thì chắc chắn khó thành công.

Với tôi, học viên hạnh phúc thì tôi mới hạnh phúc. Học viên không có cảm giác hạnh phúc thì đó là thất bại. Quan trọng nhất là vì tôi muốn mang đến niềm vui cho những đứa trẻ. Tôi quan tâm việc bọn trẻ có sự tiến bộ về chuyên môn, về ý thức, đạo đức nào không, chứ không phải mình thu được bao nhiêu tiền. Tôi muốn ngày nào cũng có mặt, kiểm soát học viện, được gần gũi với các em, biết được cháu nào có vấn đề gì, hay HLV nào có vấn đề để tìm hướng giải quyết.

img
img

Điều gì thôi thúc anh đào tạo cầu thủ nhí sau khi giải nghệ?

- Trong đời tôi chỉ muốn làm đúng chức năng của mình. Rất nhiều người muốn kết hợp với tôi để làm trong lĩnh vực khác, có tiềm năng và lợi nhuận có thể cao, nhưng tôi không nhận lời. Tôi chỉ làm những gì mà mình biết, mình tự chủ được, dù không nhiều tiền nhưng mang lại giá trị tinh thần to lớn, và có ích cho cộng đồng, xã hội.

Làm việc với cầu thủ nhí, tôi càng yêu trẻ con; thấy chúng lớn lên, tiến bộ hàng ngày thì rất xúc động. Tôi có thể giúp các cháu không chỉ về chuyên môn mà còn dạy cả cách đối diện với những cung bậc cảm xúc khác nhau trong bóng đá. Vì những cung bậc cảm xúc trong bóng đá gắn với những cảm xúc trong đời thực, có đau buồn, có sung sướng; những lúc đau buồn, bế tắc, giận dữ, sẽ chỉ muốn đánh đối phương. Các bạn trẻ sẽ phải tuần tự trải qua những cảm xúc đó, cùng những lúc chán nản, tuyệt vọng, muốn khóc lóc, la hét. Tôi muốn chia sẻ, giúp các cháu hiểu đó chỉ là một phần của cuộc sống nên phải vượt qua tất cả để đi đến thành công.

Tài năng thực sự còn thiếu. Vậy học viện của anh đi theo hướng đào tạo ra sao?

- Tôi muốn hướng tới cộng đồng nhiều hơn. Ở quê, phải mười mấy tuổi mới tiếp xúc bóng đá chuyên nghiệp, thì đây 6 tuổi đã được huấn luyện. Khi tập luyện trong vòng 5 năm, đến 11 tuổi, các em sẽ tự phát lộ khả năng của mình, có kỹ năng, kỹ thuật cũng tốt hơn, xử lý trái bóng điêu luyện hơn.

Và về lâu về dài, bóng đá VN sẽ sản sinh lứa cầu thủ có đẳng cấp và kỹ thuật điêu luyện hơn.

Mô hình của anh có khác với những nơi khác?

- Tôi đang có những dự định lớn hơn xoay quanh bóng đá, một mô hình không dành cho ngôi sao, nhưng đi theo hướng cộng đồng nhiều hơn, và chuyên nghiệp như các CLB đang làm. Mở rộng ra, các học viện chỉ dạy những cầu thủ ưu tú nhất, còn tôi dạy những người có mơ ước trở thành cầu thủ ưu tú. Những cầu thủ 13-14 tuổi chưa ưu tú nhưng đến 18 tuổi có thể bứt phá trở thành cầu thủ giỏi.

Nhật Bản có giải chuyên nghiệp dành cho các cầu thủ sinh viên, các cầu thủ sẽ được các ông bầu săn tìm để thi đấu chuyên nghiệp. Tại sao mình không mở ra trường mới để không bỏ sót nhân tài? Bên cạnh đó, tôi còn nung nấu một dự định mở trường bóng đá – âm nhạc ở Bà Rịa – Vũng Tàu.

img img
img img

Có một Công Vinh rất khác so với những gì anh thể hiện trước đây trên sân cỏ?

- Tôi có thời gian hiểu ra được nhiều điều và bớt nóng giận như trước đây. Có ai sống không tốt mà không ai biết? Tất cả rồi cũng bị lòi ra. Bạn không đàng hoàng, không tốt, thì khó có thể có cuộc sống tốt đẹp. Bây giờ nhân quả đến rất nhanh. Trong bóng đá cũng vậy.

Tiện đây chúng ta nói đến Phật pháp một tí nhé. Những gì ta đạt được bây giờ là do hưởng những gì đã làm ở nhiều kiếp trước trong quá khứ. Còn nếu kiếp này mình có bị gì đó thì một phần do lỗi đã phạm phải trong quá khứ. Chúng ta muốn biết kiếp sau thế nào thì phải hiểu cần làm gì trong kiếp này.

img
img

Khi chúng ta chết đi, tiền bạc và danh vọng đều không mang theo được, mà chỉ mang được những gì mình đã làm tốt trong cuộc đời, mang theo phần phúc đức mà chúng ta đã tạo ra như một ngân hàng thiện lương. Có người nói chết là hết, nhưng thực ra không phải.

Đó là một phần của số phận. Chúng ta sống không tốt thì nhân quả sẽ đến, dù sớm hay muộn.

Nếu lên google, có thể tìm thấy cặp đôi Công Vinh – Thủy Tiên có nhiều điểm chung, từ việc mê làm từ thiện, đến tình yêu sóng gió và đặc biệt, tự truyện “Phút 89” gây bão. Trong các dữ kiện đó, anh dùng từ khóa nào đầu tiên để nói về cuộc đời mình?

- Những điều đó hoàn toàn bình thường và chả có dữ kiện nào trong đời tôi thực sự nổi bật. Đơn giản đó là cuộc sống. Và mỗi người có ngã rẽ khác nhau. Khi chúng ta nhìn một sự việc, thì người ngoài nhìn theo một cách khác, chỉ người trong cuộc biết bản chất sự việc đó thế nào. Người ta hay nói, chỉ một câu chuyện thôi nhưng từ đầu ngõ đến cuối ngõ nó đã thành câu chuyện khác. Và nhiều lúc, có những câu chuyện chúng ta nhìn thấy trước mắt nhưng chưa chắc đã là sự thật.

Nói đơn giản, tôi đến với Tiên là một tình yêu thực sự; và tình yêu thực sự thì mới bền vững và hạnh phúc đến thời điểm hiện tại. May mắn cho tôi khi gặp Tiên, Tiên đã góp ý cho tôi trong sự nghiệp cũng như trong cuộc sống, để tôi hoàn thiện mình và có được cuộc sống đầy đủ như hôm nay. Những gì tôi trải qua cho đến bây giờ đều khiến tôi muốn cảm ơn Tiên. Đến bây giờ, chúng tôi trải qua hơn 10 năm bên nhau, có tình yêu đẹp và đặc biệt, có một gia đình rất hạnh phúc. Tôi nghĩ đó là cuộc sống mà trước đó tôi chưa bao giờ nghĩ tới.

img img

Sau thành công của người đàn ông luôn có bóng dáng của người phụ nữ. Năm 2009 tôi bị đứt chằng đầu gối, thì gần như Tiên bỏ hết sự nghiệp để sang Bồ Đào Nha nấu ăn, chăm sóc cho tôi. Tiên bắt tôi đọc nhiều sách, chỉ cho tôi cách ăn mặc lịch sự để tôn trọng người đối diện và quan trọng là không được nói xấu bất kỳ một người nào. Vì chúng ta không ai hoàn hảo, không nên phán xét người khác.

Thứ hai, phải có cái nhìn bao dung hơn. Tiên cũng là người đưa tôi đến Phật pháp, biết đến nhân quả luân hồi. Chính vì thế tôi mở mang được nhiều kiến thức hơn trước.

Nói về sự nghiệp của mình, tôi chỉ biết ra sân cống hiến, cống hiến hết khả năng, cùng những gì tốt nhất có thể và không bao giờ nghĩ mình đá bóng để nổi tiếng. Tôi chỉ nghĩ đó là một công việc. Mình đá tốt thì có nhiều người yêu quý, có hợp đồng tốt và có nhiều tiền. Bóng đá là một nghề lao động, chúng ta có tiền để nuôi sống chính mình và gia đình.

Từ trước tới nay, tôi quan niệm không bao giờ làm một điều gì liên quan tới pháp luật.

img img

Đó có phải là bài học sâu sắc mà anh rút ra từ cuộc đời của bố mình?

- Bố tôi vì mưu sinh của gia đình mà phạm sai lầm, vận chuyển ma túy và phải vào tù, đó là một bài học đắt giá. Dẫu vậy, tôi vẫn luôn tự hào về bố tôi, người đàn ông chấp nhận hy sinh tất cả vì gia đình. Nhìn từ cuộc đời của bố, tôi hiểu, dù trong khó khăn thế nào mình vẫn phải lao động cật lực, chân chính để khi kết thúc sự nghiệp nhìn lại, không phải hổ thẹn với lương tâm. Đó mới là điều quan trọng nhất.

Tôi nghĩ, nhiều lúc đối diện với chính mình mới là nỗi sợ lớn nhất. Đối diện với chính câu hỏi mình đã làm hết sức chưa, đã cống hiến tận lực chưa, đã trung thực với những điều mình làm chưa? Và đến giờ tôi cảm thấy mình luôn tự hào về điều đó.

Đến bây giờ, tôi thấy mọi thứ không quá quan trọng, cuộc sống được, mất là bình thường. Tôi tận hưởng cuộc sống ngày hôm nay mình có, không biết ngày mai mình có còn trên cõi đời này nữa không. Vì vậy, chúng ta hãy tận dụng ngày nào hay ngày đó, giúp đỡ, yêu thương mọi người.

Về nhà, chúng ta hạnh phúc khi nhìn thấy vợ con, cha mẹ mình. Ngày nào đó, mọi người sẽ không còn, chúng ta yêu hay ghét, chỉ trích người này, người kia thì được gì? Nên hãy sống tốt, hãy mở lòng với tất cả mọi người!

Buổi sáng ngủ dậy, tôi ăn điểm tâm sáng thật ngon, sau đó tập thể thao, chiều về đạp xe đạp với con và có buổi tối cùng gia đình. Ngày hôm sau tôi có thể chơi golf và cuối tuần đi làm ở học viện, lại có niềm vui khi gặp lại những đứa con của mình. Tôi thấy cuộc sống của mình quá tốt đẹp, vẫn có những người bạn luôn chia sẻ khó khăn bên cạnh tôi, và như thế thì không cần gì hơn.

img img

Anh có một tuổi thơ đau khổ, dữ dội. Sau này khi lớn lên, gặp Thủy Tiên, người vợ của anh cũng từng có lúc cảm thấy không chống chọi nổi với thị phi và muốn tìm đến cái chết. Khi những con người bị dồn đến đường cùng, điều gì khiến họ vượt thoát được, theo anh?

- Tôi là con trai, ý chí cũng mạnh hơn. Thứ hai, tôi có một may mắn là biết nhìn nhận vấn đề, biết cần phải làm gì, một phần là bởi bản thân tôi là con trai cả, bố tôi là trưởng tộc họ Lê, nên tôi có trách nhiệm gánh vác cùng với mẹ. Đối với Tiên, cha cô ấy mất sớm, mẹ thì bệnh nặng, gần như bị mù, bị bệnh viện trả về, phải gửi ở trong chùa một thời gian dài. Cũng may mắn là trong gia đình Tiên, cả cha, mẹ, đại gia đình ăn chay, niệm Phật từ bé; mẹ Tiên qua khỏi là nhờ một bài thuốc có người chỉ giúp cho.

Tuổi thơ của Tiên rất khổ, cha mất sớm, cô luôn lo mình sẽ mồ côi nếu không còn mẹ. Tiên luôn bị ám ảnh bởi tuổi thơ nhiều bất trắc. Khi tìm đến với nhau, chúng tôi cùng đồng cảm, chia sẻ để có chỗ dựa về tinh thần. Trong trường hợp này, tôi nghĩ, người đàn ông nên bao dung hơn với phụ nữ chứ không nên đòi hỏi sự bao dung từ phía họ. Làm đàn ông là sướng hơn cả, có phải lo gì đâu;không phải sinh nở, nấu ăn, không phải cầm tiền, giữ tiền. Phụ nữ mới khổ. Nên chính họ mới quan trọng.

img img

Là một cầu thủ danh tiếng, anh có phải chống chọi với nhiều cạm bẫy và tình yêu của nhiều cô gái trẻ? Làm thế nào để giữ một mái ấm cho mình?

- Cũng có nhiều người theo đuổi tôi, nhưng một khi đã theo Phật pháp thì tôi không làm được điều đó. Khi tu tập, trong tôi không khởi lên niềm ham muốn về sắc với người nữ khác.

Tôi theo ngài Khenchen Rinpoche bên Ấn Độ được 7 năm nay.

Từ đó, tôi thay đổi nhiều chứ. Mỗi ngày tôi dành từ 45 phút đến 1 tiếng để tu tập. Ban đầu, tôi chưa cảm nhận được gì nhưng sau 1 thời gian bắt đầu khởi phát những chân tâm từ bên trong. Từ đó, nhìn sự việc cũng bao dung, nhẹ nhàng hơn. Dần dần tôi thấy mọi thứ đơn giản và sáng láng hẳn.

Bạn đã bao giờ nghĩ đến cái chết chưa? Kể cả trong lúc sung sướng bạn có nghĩ đến cái chết? Nhưng trong một thời gian dài, bạn sẽ có cảm nhận khác. Khi đi trên đường, bạn sẽ có một ý niệm là những thứ này về sau mình sẽ không còn được nhìn thấy nữa, cho dù những ngôi nhà này cũng sẽ tồn tại hàng trăm năm. Nghĩ đến sự chết hàng ngày đó là đang sống…

Ai cũng nghĩ mình sẽ sống mãi, cho đến một ngày khởi một ý niệm như thế trong tâm. Khi đó, trong lòng chợt thấy bao dung, có nhu cầu chia sẻ nhiều hơn; rộng lượng, tha thứ nhiều hơn. Người ta nói gì là chuyện của họ, mình không làm điều đó thì không phải sợ. Mình không quan tâm người ta nói gì, mà quan tâm việc mình có làm điều đó hay không.

Có cảm giác, hai người gặp nhau bởi sự hòa trộn về tinh thần, chứ không phải ở vẻ hào nhoáng bên ngoài, cùng đồng lòng trong nhiều việc…

- Khi đến với nhau bằng tình yêu thực sự mà không vì mục đích gì nữa cả thì tình cảm sẽ rất bền lâu. Tôi không đến với cô ấy vì sắc đẹp, vì tiền, hay vì sự nổi tiếng.

Tôi đến với cô ấy bằng trái tim. Tôi thấy cả hai cùng nhịp đập. Khi cô ấy gặp vấn đề gì mình cũng đau, khi cô mất ngủ mình cũng tự hỏi vì sao, cô ấy không ăn được thì mình lo lắng. Đó là tình yêu thực sự, chúng tôi muốn cùng nhau đi hết chặng đời còn lại.

img img

Làm từ thiện mà vẫn bị thị phi, anh nghĩ sao?

- Tại sao chúng ta làm từ thiện? Khi chị khó khăn, không có gạo ăn thì điều đó kinh khủng lắm. Chúng tôi từng trải qua thời kỳ khó khăn như vậy. Chị sẽ cảm nhận những khoảnh khắc như chúng tôi khi chung tay giúp những người Bình Dương trước Tết. Tiên có gửi chút quà cho một bác ngoài 50 tuổi, cầm mấy triệu mà bác bật khóc vì cảm động. Đồng tiền cho đi dù nhỏ nhoi nhưng mang lại hạnh phúc cho người khác, vì họ cần tiền tại thời điểm đó. Tôi và Tiên xây nhiều cầu cho trẻ em đi học, hàng trăm năm sau cây cầu đó vẫn hiện diện. Hàng năm vẫn đi phát gạo. Có những người nhặt rác, đạp xích lô, tối ngủ ngoài đường, không có gì để ăn. Mình có điều kiện, sao không giúp họ? Tôi muốn tất cả mọi người, nếu như ai có điều kiện, hãy giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn; khi làm vậy thì đời sống người ta cũng đỡ hơn, lòng mình cũng nhẹ nhõm phần nào..

Liệu anh có thể bật mí, gia tài của cầu thủ khiến anh giàu có cỡ nào?

- May mắn là tôi đến với bóng đá, lo được cho bên nội, bên ngoại viên mãn. Còn có tiền thì mở trường, thế thôi.

Kỷ niệm trong đời khiến anh không thể nào quên?

- Đời tôi có 3 khoảnh khắc. Khoảnh khắc đầu tiên tôi ghi bàn vào lưới Thái Lan vô địch AFC 2008, khoảnh khắc thứ hai là tôi gặp Tiên, khoảnh khắc thứ 3 là bé Bánh Gạo ra đời. Đó là điều cực kỳ thiêng liêng, là sợi dây kết nối mạnh mẽ hơn nữa tình cảm giữa tôi và một nửa của mình.

Xin cảm ơn Công Vinh và chúc anh thành công khi đào tạo các cầu thủ nhí tài năng.

img img
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem