Tối hậu thư của thái tử Ả Rập Saudi với hoàng tử thất sủng: Nộp 15 tỉ USD để giữ mạng

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ ba, ngày 07/07/2020 16:55 PM (GMT+7)
Thái tử quyền lực Ả Rập Saudi, Mohammed bin Salman (MbS) yêu cầu cựu thái tử đang bị giam giữ nộp 15 tỉ USD để có thể bảo toàn mạng sống, theo Washington Post.
Bình luận 0

img

Mohammed bin Nayef (phải) từng chấp nhận rút lui, nhường vị trí kế vị ngai vàng cho thái tử Mohammed bin Salman.

Hồi tháng 3, Ả Rập Saudi bắt giữ ba hoàng tử, trong đó có em trai và cháu trai của quốc vương Salman, với cáo buộc phản quốc, âm mưu đảo chính.

Cháu trai quốc vương chính là cựu thái tử Mohammed bin Nayef. Năm 2017, MbS khi đó là phó thái tử, đã mở cuộc đảo chính chớp nhoáng trong đêm, buộc Mohammed bin Nayef phải nhường quyền kế vị cho mình.

Mohammed bin Nayef, 60 tuổi, hiện bị giam giữ nghiêm ngặt, có thể đối mặt với bản án cao nhất là tử hình.

Hôm 5.7, hoàng tử bị thất sủng tiếp tục đối mặt với cáo buộc tham nhũng, bất trung. Đây được coi là đòn “chốt hạ” mà thái tử MbS giáng vào người từng đứng hàng đầu trong danh sách thừa kế ngai vàng ở Ả Rập Saudi.

Theo nguồn tin của Washington Post, Mohammed bin Nayef bị cáo buộc chuyển hàng tỉ USD qua mạng lưới các công ty bình phong và tài khoản cá nhân, khi hoàng tử còn nắm quyền Bộ trưởng Nội vụ.

Thông điệp của thái tử MbS rất rõ ràng, hoàng tử bị thất sủng hãy nộp số tiền 15 tỉ USD để bảo toàn mạng sống.

Các cộng sự của hoàng tử bị thất sủng bác bỏ các cáo buộc trên, nói rằng hành động của Mohammed bin Nayef ở Bộ Nội vụ được hoàng gia ủy quyền thông qua một sắc lệnh vào năm 2007.

Các tài liệu do cộng sự của hoàng tử bin Nayef cung cấp, củng cố luận điểm trên. Cụ thể, các hoạt động tài chính của hoàng tử được cố quốc vương Abdullah chấp thuận.

Theo nguồn tin trên Washington Post, hoàng tử bin Nayef chuyển tiền sang các công ty tư nhân để giữ bí mật về “các hoạt động chống khủng bố của vương quốc”.

Theo một cựu quan chức CIA, hoàng tử bin Nayef khi đó nắm toàn quyền chi ngân sách chống khủng bố và đã sử dụng một phần ngân sách cho các dự án có sự tham gia của Mỹ.

“Bộ Nội vụ do hoàng tử bin Nayef đứng đầu được cấp ngân sách để tăng cường năng lực, tuyển thêm nhân viên, mở rộng mạng lưới tình báo trong hàng ngũ tổ chức khủng bố al-Qaeda”, cựu giám đốc CIA, John Brennan nói trên Washington Post.

“Cố quốc vương Abdullah rất trọng dụng hoàng tử bin Nayef, từ đó cấp những khoản tiền khổng lồ vào các lĩnh vực mà hoàng tử bin Nayef quản lý”, Brennan nói. “Cảm nhận của tôi về hoàng tử bin Nayef là ông ấy không phải người tham ô, tích trữ tài sản vương quốc làm của riêng”.

Một cựu quan chức Mỹ từng có quãng thời gian dài ở Ả Rập Saudi cũng đồng tình: “Ai trong chính phủ Mỹ cũng biết bin Nayef được quốc vương ủy quyền cho các khoản chi bí mật”.

Hoàng tử Bin Nayef được chọn là người kế vị ngai vàng sau khi quốc vương Salman lên nắm quyền năm 2015. Con trai của quốc vương, Mohammed bin Salman, khi đó là phó thái tử.

Theo nguồn tin của tờ Washington Post, bin Nayef biết mình không còn được tân quốc vương trọng dụng nên đã âm thầm rút khỏi các công ty bình phong, chuyển quyền sở hữu cho Quỹ đầu tư công của hoàng gia.

Năm 2017, bin Nayef đã chấp nhận rút lui trong danh dự, cam kết ủng hộ quyền kế vị của thái tử MbS.

Kể từ đó, bin Nayef bị giam lỏng, cấm không được sử dụng điện thoại, luôn có người giám sát và không được phép rời vương quốc.

Hồi đầu năm nay, một nguồn tin giấu tên nói rằng bin Nayef muốn dàn xếp để được yên, bao gồm cả việc từ bỏ các khoản trợ cấp của hoàng gia.

Nhưng cuối cùng bin Nayef và bác mình, hoàng tử Ahmed – em trai quốc vương Salman, vẫn bị bắt vào tháng 3.2020, với cáo buộc phản quốc.

Hồi tháng 5, một nguồn tin trong hoàng gia Ả Rập Saudi, nói hoàng tử bin Nayef nhập viện do “lên cơn đau tim”. Hoàng gia Ả Rập Saudi sau đó đã lên tiếng bác bỏ.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem