Sáng hôm nay (16.8), phóng viên
Dân Việt đã tìm đến nhà của cụ ông Hà Văn Ninh (82 tuổi, trú khối phố 3,
phường An Xuân, TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) để tìm hiểu rõ hơn động cơ khiến cụ lại chui
xuống gầm xe CSGT.
Cụ Hà Văn Ninh đang lục những huy hiệu Huân chương kháng chiến hạng Nhì mà Nhà nước phong tặng cho vợ chồng cụ
Nhà cụ Ninh nằm trong một con
hẽm nhỏ trên đường Trần Cao Vân, TP Tam Kỳ, căn nhà ẩm thấp, tường nhà không
còn màu sơn nữa mà thay vào đó là màu đen của khói bếp, căn nhà trống hoác, chẳng có gì đáng giá.
Khi thấy người lạ tới nhà, cụ ngồi bật dạy
khỏi chiếc ghế đang nghỉ ngơi, ra chào hỏi. Khi được chúng tôi giới thiệu là phóng viên đến tìm hiểu việc vụ việc xảy ra
hôm qua, cụ lặng lẽ vào phía trong bê ra một chồng ghế nhựa nhỏ, được cột
chặt vào với nhau kèm theo cái bàn nhựa.
Cầm tấm bằng Huân chương kháng
chiến hạng Nhì, cụ Ninh ấm ức: “Vợ chồng tôi là người có công, bản thân tôi được
Nhà nước khen thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì vì đã có công lao trong
kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Cả cuộc đời vợ chồng tôi hy sinh cho cách mạng,
nay con cháu mình gặp khó khăn, cũng vì cuộc sống mưu sinh, không có việc làm
ổn định nên nó (Hằng-PV) mới chọn nghề “buôn gánh, bán bưng” để kiếm tiền nuôi
con ăn học, chăm sóc cha mẹ già….
Cụ Ninh bên tấm Huân chương kháng chiến hạng Nhì do Nhà nước phong tặng vì đã có công lao trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Tôi sinh được tất thảy 8 người
con, mất một, còn 7, có 4 nữ, 3 nam…. Con Hằng là con thứ của tôi, nó có một đứa
con trai hiện đang học lớp 7, nhưng không có chồng. Căn nhà này, vợ chồng tôi xây
dựng lâu rồi, với hơn 30m2, hiện giờ có tất cả 6 người ở, là hai vợ chồng tôi,
con gái và cháu, tính luôn hai mẹ con của con Hằng. Gia đình tôi là hộ nghèo của
phường. Ngoài con Hằng bán cháo vịt buổi sáng, vợ tôi hằng đêm cũng mưu sinh với
nghề trứng lộn dọc đường để kiếm thêm thu nhập”.
Hớp chén trà nóng, cụ Ninh kể
về sự việc hôm qua:
“Ngày 15.8, đúng là ngày tôi đi nhận tiền hộ nghèo ở trên
UBND phường An Xuân. Vào khoảng 7 giờ 30 phút, do chân đau không đi được, tôi chống
gậy từ nhà ra đến chỗ con gái là Hà Thị Thúy Hằng đang bán cháo vịt buổi sáng ở
ngã tư đường Hùng Vương - Trần Cao Vân, để xin ít tiền đi xe ôm đến phường nhận
tiền hộ nghèo.
Nhưng vừa ra đến nơi, tôi thấy một số người ào ạt vào thu chiếc
xe đẩy cháo của con gái tôi nhưng không hề nói năng hay lập biên bản gì hết. Quá
bức xúc nên tôi mới làm ầm lên. Sau đó, tôi thấy chiếc xe CSGT chạy đến và đưa xe đẩy con gái tôi lên thùng xe CSGT, thấy vậy tôi rúc vào gầm xe để
phản đối, đòi lại chiếc xe đẩy cho con gái".
Chiếc xe đẩy cháo của con gái cụ Ninh đã được Tổ kiểm tra liên ngành trả lại sau khi thu giữ
"Việc buôn bán ở vỉa hè, tôi biết
là không đúng quy định, nhưng chừ biết buôn bán ở chỗ nào cho khỏi bị thu giữ đồ
đây. Gia tài nghề “buôn gánh, bán bưng” ở vỉa hè có chiếc xe đẩy đi, đẩy về cho
tiện, nhưng bị thu rồi con lấy gì mà đẩy đồ đi bán kiếm tiền nuôi con ăn học.
Điều
làm tôi bức xúc hơn là ở chỗ, khi Tổ liên ngành đi lập lại trật tự đô thị, nhưng
khi tịch thu đồ, họ không hề lập biên bản tại chỗ, hay nhắc nhở những người vi
phạm, cứ thấy ai vi phạm là họ nhào vào thu giữ dụng cụ. Việc gì cũng có nhà nước,
có luật chứ không thể làm ào ạt như vậy được” - cụ Ninh bức xúc.
Cụ Ninh bức xúc chui vào gầm xe CSGT phản đối sự việc. Sau đó cụ được công an, người nhà vận động đưa ra ngoài
Còn làm việc với chúng tôi, bà
Bùi Thị Hằng, Phó chủ tịch UBND phường An Xuân, TP Tam Kỳ, cho biết: “Bây giờ tôi
mới nghe anh nói về việc cụ Ninh chui vào gầm xe CSGT phản đối khi bị thu giữ đồ".
Bà Hằng cho hay gia đình cụ Ninh thuộc diện hộ nghèo của phường. Còn việc lập lại
trật tự đô thị, xây dựng đường văn hóa là quy định chung của thành phố đưa ra,
ai cũng phải chấp nhận hết.
"Muốn làm tốt việc này, trước tiên cần phải vận động
người dân là trên hết, và phải mời những hộ buôn bán vỉa hè lên họp, nhắc nhở họ
trước đã. Nếu họ liên tục vi phạm thì phải xử lý bằng cách khác, và phải xử
lý sao cho thấu tình hợp lý.
Họ buôn bán vỉa hè cũng vì miếng cơm, kiếm thu nhập,
nhưng buôn bán không được gây cản trở giao thông, làm mất tình hình an ninh, trật tự
địa phương. Còn việc thu giữ đồ của một người dân buôn bán ở vỉa hè phải theo quy
định, phải lập biên bản rồi mới tịch thu đồ về".
Phóng viên Dân Việt cũng có mặt tại trụ sở UBND TP Tam Kỳ và gặp được ông Văn Anh Tuấn, Phó chủ tịch
UBND TP Tam Kỳ, người trực tiếp ký Kế hoạch số 58 ngày 4.5.2013 về việc “lập lại
trật tự đô thị, kết hợp xây dựng tuyến phố văn minh đô thị trên tuyến đường Hùng
Vương, từ đầu tuyến đường đến nút giao thông đường Trần Cao Vân” để tìm hiểu rõ
hơn sự việc này. Tuy nhiên, ông Tuấn cho hay: Nếu các anh muốn tìm hiểu hay trao đổi
bất kỳ việc gì với tôi thì mời anh qua phòng Chánh Văn phòng UBND TP để đăng ký
trước.
Ngoài ra, ông Tuấn còn nói thêm: Nếu các anh muốn hỏi gì liên quan đến
việc của thành phố, các anh đặt câu hỏi và để ở phòng Chánh Văn phòng, phải đề
vào trong giấy đặt câu hỏi là được cơ quan nào giới thiệu đến làm việc. Sau đó,
tôi sẽ trực tiếp trả lời bằng văn bản và đóng dấu gửi trả lời đến các anh và cơ
quan các anh.
|
Trương Hồng (Trương Hồng )
Vui lòng nhập nội dung bình luận.