“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 1.

"Vài năm tôi mới thách đấu một lần mà toàn quốc không ai… dám đấu với tôi cả, vừa rồi tôi cũng thách đấu. Tiêu chí thách đấu của tôi gồm mấy điều: Đối thủ phải bằng tuổi với tôi; Bằng cân với tôi; Cùng môn phái; Phải có trình độ võ thuật thật sự", ông Bảo Sinh tiết lộ.

Tiếp tục câu chuyện dang dở, ông Bảo Sinh bồi hồi nhớ lại:

- Thời sinh viên tranh thủ dạy võ kiếm tiền. Đến khi ra trường, tôi làm nghề vẽ truyền thần thì "lương" tôi gấp 5 lần lương một bác sĩ, kĩ sư. Trong quân đội thì tôi chỉ là trợ lý văn hóa; nhưng lương của tôi cũng gấp 5 năm lần Chính ủy. Vì tôi vẽ truyền thần cho mọi người, tôi mở cửa hàng vẽ truyền thần và tôi thuê các người khác về vẽ nữa. Khi tôi xuất ngũ, tôi nuôi chó Nhật bán và cũng kiếm bộn. Sau này tôi lại "nuôi chó chết" và tôi cũng kiếm được nhiều tiền hơn. 

Giờ đây, là tôi là người nuôi chó hiệu quả nhất của Việt Nam, với khoảng 6.000 ngôi mộ của các "em" chó mèo họ thủy táng cái hồ này. Hồ có tượng phật Quan âm Bồ Tát bắt quyết giữa làn nước xanh. Tôi đặt lên là Hồ Thanh Tịnh. Họ thả tro cốt chó mèo xuống dưới để tro cốt nó trở về với tạo hóa và dưới này có rất nhiều cá. Tro cốt ở khu vực tưởng nhớ kia thì sau 3 năm lại cải tạo. Chùa này tôi tự lập lên, tự phong chứ không phải chùa thật.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 3.

Quan điểm của ông về tiền bạc thế nào?

- Mấy anh em trong nhà tôi, ai cũng có tiền gấp 10-20 lần tôi. Tôi không có đồng nào khi so sánh với họ. Tôi thích sống phong lưu mã thượng: Không bao giờ giữ tiền và cũng không bao giờ thiếu tiền, lúc nào cũng chi tiêu thoải mái. Năm 13 tuổi tôi đã tự kiếm tiền độc lập, bố mẹ không cần phải nuôi. Tài sản của tôi cũng chả có gì nhiều, đất đai ở phố Trương Định - Hà Nội này có 1.500m2 thôi, không nhiều lắm.

Từ sáng đến giờ, tôi chứng kiến nhiều người đem chó đến thiêu lấy tro cốt, rồi làm lễ cầu siêu cho chó. Vậy ông cầu siêu thoát cho "linh hồn chó mèo" theo nguyên tắc tư duy và niềm tin tâm linh nào?

- Sau khi thiêu để lấy tro cốt, tôi nghĩ chó mèo cần đi theo vòng luân hồi. Thứ nhất, phải đi qua khuđịa ngục với cổng đề biển "Âm Phủ", ngoài là "vợ Diêm Vương", tiếp là Diêm Vương kì quái dữ dằn biến màu kì ảo trên màn hình ánh sáng thê lương. Dọc đường đi vào cõi "Âm Phủ" có các mô hình đầu lâu xương trắng treo dập dờn. Tôi tác động đến người ta bằng âm thanh, ánh sáng, hình ảnh và vật trưng bày rất cụ thể. Tiếp đến là cầu siêu; đến cõi niết bàn; rồi lên trên thiên đường. Tức là nó giống như vòng luân hồi của con người. Đủ 4 cõi giới trong nhà tôi: Ta bà, âm phủ, niết bàn, thiên đường.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 4.

Tóm lại ông dựng chùa không xin phép, thế là sai! Ông mặc cà sa, mũ mão tưng bừng, bấm quyết niệm chú hô hoán cầu siêu suốt, thế liệu có đúng quy định không?

- Thực ra không ai có thể treo biển "chùa" ở đây cả; cán bộ cơ sở đã nhiều lần định xử lý tôi rồi nhưng về sau họ hiểu mình là làm theo tính thiện với cái tâm tốt. Tôi không làm gì mang mục đích về chính trị. Tôi cũng chưa từng quy y cửa Phật. Dạo đầu, khi mà con người ở cảnh giới thấp thì mình cứ "Nam mô A di đà Phật", cứ hô hét mãi rồi thấm vào người. Rồi tôi theo quan điểm thiền tông. 

Sang một giai đoạn thì theo mật tông, thích chơi âm dương hòa hợp, nam nữ song tu. Muốn tu phải có cả bạn gái cùng tu. Giai đoạn thứ ba thì tôi theo tam giáo lục nguyên, tôi theo cả đạo Phật, Thiên Chúa, Đạo Hồi. Đến bây giờ tôi cho thế là không được nên tôi theo Quy y Tạo hóa, tôi theo tất cả những gì tự nhiên vốn có, 4 cõi tôi theo cả.

"Tôi xin để mặc tóc dài

Quy y tạo hóa cho loài rong rêu".

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 5.

Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh, nghề chính của ông là nghề gì? "Một nghề thì sống, đống nghề thì chết", các cụ dạy thế có đúng không, ông nhỉ?

- Ngày trước có cô nhà báo, MC Thu Uyên nổi tiếng giỏi giang và xinh đẹp đến phỏng vấn tôi, lúc nói chuyện với tôi xong thì nó bảo thế này: bác không phải người nuôi chó, bác không phải là nhà kinh doanh, cũng không phải võ sĩ, không phải là thi sĩ. Bác là nhà huyền học. Bác cũng không phải yêu thơ lắm đâu. Tôi thấy nhận xét này đúng quá.

Điều tôi hết sức ngạc nhiên là ở tuổi bảy tám mươi, ông vẫn luyện tập võ thuật (đấm bốc) đều và vẫn thách đấu rồi lên sàn với trọng tài là một người từng là quan chức thể thao lừng danh của nước nhà!

- Tôi cứ học võ chuẩn bị đi thi đấu giải vô địch thì phải giải nghệ. Có khi đơn giản là môn quyền anh của tôi họ không tổ chức thi đấu nữa. Thế nhưng tôi dạy con tôi, tôi không thực hiện được cái gì thì con tôi phải thực hiện. Thằng này được cái giải vô địch/Huy chương Vàng toàn quốc. Xong một cái là Chính phủ tuyên bố giải tán giải quyền anh luôn. Thế là nó vẫn vô địch quyền anh mãi mấy chục năm qua...

Ngày xưa, thời của tôi, năm tôi 14 tuổi, quyền anh đã là môn chúa tể, thường những học sinh của trường Bưởi -Chu Văn An hay tập luyện môn đó. Hồi đó họ quan niệm: Võ Tàu là võ của cảnh sát và lưu manh, để sát thương đối thủ. Còn quyền anh như là võ của tầng lớp quý tộc. 

Ngày xưa chúng tôi đánh nhau ở chân cầu Chương Dương, nó có một cái cột đồng hồ làm mốc. "Một chọi một ra Cột Đồng Hồ". Đánh nhau chia làm hai đoàn, chỉ có hai thằng đấu với nhau, thắng hay thua thì đều có thủ tục bắt tay nhau. Từ nay không thù oán. Khi đánh nhau mà anh dùng vũ khí thì bị người ta xếp sang loại xã hội đen và "tẩy chay" không ai chơi nữa.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 6.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 7.

Ông là tuýp người thời thuộc Pháp thích hình ảnh hiệp sỹ "lưng đeo gươm/tay mềm mại bút hoa" phải không?

- Ngày ấy, chúng tôi tập võ rất công phu. Tôi có một cái tính như này: "Đã chơi cái gì nếu mà phải ở mức thứ nhì là không chơi". Tôi nuôi chó tôi phải nhất nước Việt Nam. Tôi làm "chùa" tôi cũng phải là cái chùa nhất nước Việt Nam, mặc dù là chùa chó thôi chứ không phải là tôi so bì với chùa Tam Chúc. Thế nhưng mà cái chùa này mà tụt hạng thành thứ nhì là tôi dỡ bỏ đi làm lại. Tôi chơi gà chọi tôi phải nhất nước, nhì nước tôi không chơi.

Khi nào tôi nhất nước rồi tôi lại không chơi nữa.

Tôi lập "chùa" này tôi cũng là nhất nước, với tư cách là nơi cầu siêu và chăm sóc phần mộ cho chó mèo. Chứ "Tề Đồng Vật Ngã" của tôi mà so với mấy ngôi chùa hoành tráng hiện nay ở Việt Nam, thì chỗ tôi không bằng cái bếp của họ.

Hồi tôi tập võ tôi thì "nhất tâm bất loạn", tôi có một nguyên tắc đầu tiên là học thầy, về sau tôi không công nhận thầy là đúng đâu, tôi phải học tập theo cách của tôi. Tập võ không bao giờ cần có đối thủ, anh ngồi nghĩ cái thế anh đánh. Nghĩ ngày nghĩ đêm các thế mà người ta dùng để đánh anh, rồi anh phản công. Đêm tôi phải gối cả hai tay ôm lên đầu, tôi không dám bỏ tay ra ngoài. Tại sao, vì bỏ tay ra khỏi tư thế ôm đầu thì: Đêm tôi "nằm mơ" đánh thằng này, thằng kia chứ. Lúc nó đánh mình, mình không ôm đầu đỡ sao được.

Vài năm tôi mới thách đấu một lần mà toàn quốc không ai… dám đấu với tôi cả, vừa rồi tôi cũng thách đấu. Tiêu chí thách đấu của tôi gồm: 1. Đối thủ phải bằng tuổi với tôi: 82 tuổi, 2. Bằng cân với tôi, 3. Cùng môn phái, 4. Phải đi kiểm tra lại xem người đó có trình độ võ thuật thật sự không.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 8.

Trước kia, khi tôi còn đang mạnh nhất thì tôi lại không được Huy chương vàng nào. Đến bây giờ tôi yếu, ưu điểm của tôi là "già yếu ở tuổi 82", vì yếu nên những người bằng tuổi tôi đã chết vãn cả rồi. Thế là mình trở thành… ngôi sao sáng nhất. Cuộc đời tôi khi tôi "nổi tiếng" về võ thuật là lúc tôi yếu sắp chết rồi, trong khi "các đối thủ" cùng tuổi họ lại… chết vãn rồi.

Theo ông thì đâu là nguyên nhân để ông vẫn khỏe, vẫn đeo găng tập quyền anh và thách đấu với người khác rồi thượng đài thật sự được như bây giờ?

- Để tôi có thể duy trì được sức khỏe đến thời điểm này thì đầu tiên là do trời Phật cho. Thứ 2 là mình phải sống trong một cái Tâm gọi là tâm khuôn mình. Khuôn mình lại để ít bị sân si. Và còn nữa: Anh muốn được thì anh phải chơi với lớp trẻ. Tôi nói chuyện với một cô gái 20 tuổi cả ngày được, mà để người ta nói chuyện với anh thì chứng tỏ là tâm hồn anh phải cực trẻ. Chỉ nói chuyện với lớp già, toàn mấy ông ngồi chờ chết thì cũng mệt lắm.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 9.

Cơ nghiệp cả núi tiền thế này, mai kia ông về trời thì sẽ ra sao nhỉ?

- Quan điểm của tôi là "vui làm việc đến khi chết". Thế có nhiều người bảo tôi: "Ông làm mãi làm gì, ông bán đất đi ông sống mấy đời tiêu không hết". Tôi bảo: Khi tôi bán đất là tôi chết rồi, cái giây phút ấy là tôi chết rồi. Cuộc sống phải vật lộn chiến đấu thì mới là sống chứ. Tôi cũng như dòng sông nó luôn phải chảy, chứ còn tôi không thể nào đào một cái ao vây quanh nó lại trong yên lặng. Tôi bơi ở sông có thể tôi chết đuối nhưng nếu không bơi thì làm sao tôi có thể có cơ hội ra đến biển cả của cuộc sống được?".

Thực hư chuyện ông thách đấu với người ta không biết đầu đuôi thế nào?

- Cái người vẽ bức tranh có hoa sen, có các đường cong lưng trần và hông nở mà tôi treo trên này là người đấu võ với tôi đấy. Lần đấy tôi ngồi nhà ông nhà văn Nguyễn Huy Thiệp thì lúc bấy giờ tôi mới bảo là "Tôi 80 tuổi tôi đấu võ, nhưng mà thôi, tôi sẽ đấu võ trước 2 năm, vì tôi sợ đến đận 80 năm cuộc đời thì… tôi chết mất rồi. Tôi thách thức các ông ở đây có ai dám đấu võ với tôi không". Thế họa sỹ Đinh Quân (là người vẽ cái bức tranh này) bảo: Đấu.

Tôi bảo trước mặt các anh chị ngồi ở đây: Anh Đinh Quân có đồng ý đấu không, bắt tay! Thằng nào mà không đấu thì phải mất vợ. Bắt tay không. Đinh Quân bắt tay. Xong hắn bảo: "Ui thôi chết rồi, mình bị cái lão ma đầu này lão ý lừa rồi. Vợ mình là hoa hậu, năm nay mới có 30 tuổi, vợ ông ý là 70 tuổi, ông ý mất vợ cho mình thì… mình chết. Mà mình mất vợ cho ông ý thì mình… toi".

Xong hôm lên thi đấu tôi bảo: "Anh Đinh Quân, anh vẽ giỏi và tập võ giỏi, nên người ta gọi anh là thằng "võ vẽ thôi". Thế còn tôi, viết văn được mà lại tập võ tốt cho nên tôi gọi là văn võ song toàn". Thế đấu với nhau, cũng vui lắm. Đánh 3 hiệp mỗi hiệp 2 phút.

Hồng M. (Nguyên Tổng Thư ký Liên đoàn Thể dục Việt Nam) bao giờ cũng là người tổ chức và làm trọng tài trong các trận thi đấu của tôi. Hồng M. có nói đây là một trận đấu khó nhất trong sự nghiệp làm trọng tài của ông ấy. Vì cụ Sinh đấu võ quá nguy hiểm, ở đận 80 tuổi rồi. Thắng bại chưa nói, chỉ cần cụ không chết lúc lâm trận là… quá may.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 10.

Xin hỏi, hết võ thuật đến vẽ truyền thần, hết làm thơ đến làm pháp sư, hết thầy cúng đến thầy thuốc. Có phải ngày xưa hai đấng thân sinh ra ông rất là tham vọng đào tạo con thành "siêu nhân" cái gì cũng giỏi?

- Cụ nhà tôi suốt đời chỉ làm thơ thôi, cụ chả làm cái gì cả, cũng chả học cái gì nhiều. Tôi cũng chả nghĩ mình song toàn gì, mình chỉ làm theo đam mê thôi. Tự dưng đam mê võ thì nhảy sang, tự dưng thích làm thơ thì làm, tự dưng thích vẽ thì vẽ. Tự dưng thích cái gì đó nó là vì có lực lượng siêu hình bề trên chỉ cho mình. Vì là nó là cái nghiệp. Tôi thành lập cái "chùa" cách đây 50 năm, nhiều lúc tôi nghĩ, nó vì cái nghiệp đã tích tụ từ nhiều kiếp trước rồi.

Thơ ông là thơ dân gian vì nó đi vào dân gian nhiều quá, ông có nghĩ đó là một lời khen?

- Một lần, ở cà phê Trung Nguyên, tôi với nhiều ông nổi tiếng và tô chức ngồi nói chuyện với mọi người, thì có 1 phóng viên hỏi tôi: "Anh tự nhận là nhà thơ dân gian thì ai bầu anh"? Tôi trả lời là các phóng viên bầu tôi. Anh ý nói tiếp: "Hôm nay tôi mới lần đầu gặp anh tại sao tôi lại bầu cho anh". Lúc ấy tôi mới bảo là vì tất cả các anh đều thuộc thơ của tôi. Ông không tin ông cứ đọc thơ tôi, kiểu gì cũng từng thuộc một hai câu thơ của tôi đấy.

Ông ấy bảo, anh làm được bài thơ nhân buổi hôm nay không. Tôi đọc: "Uống tách cà phê Trung Nguyên/là ta có thể đi xuyên qua tường". Xong rồi tôi nói vui tôi còn có câu thơ hay hơn. Và nữa, "Uống tách cà phê Trung Nguyên/yêu nhau có thể đâm xuyên qua… giường"

Nhiều người cho thế là tục, song, cái chữ mà anh cho là tục là tại anh quan niệm thế thôi. "Tất cả mọi chữ sinh ra trên đời đều bình đẳng, nên b., l. và tim óc cũng như nhau". Bạn nghĩ là tục, là vì tâm của bạn tục.

Mở báo chí ra đọc, nhiều người cứ xem mục cướp, giết, hiếp là chính. Những cái khác thì không đọc nhiều đâu. Đọc thơ ông Bảo Sinh chỉ thấy tục mà không thấy thanh. Đấy là vì họ chứ không phải vì tôi (cười).

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 11.

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 12.

 Người "nối nghiệp"ông sau này sẽ ra sao nhỉ?

- Mình không nghĩ đến sau này, cái chỗ này ai giữ lại hay không đấy là do Phật chọn. Phật đi tìm đệ tử chứ đệ tử không đi tìm được Phật. Anh đừng có tham quá, anh giữ khi anh còn sống, thế là được rồi. "Còn thì giữ, mất thì thôi/Tâm nhàn như đám mây trôi giữa trời". Thơ tôi viết: "Minh Mệnh vương nghiệp đâu rồi/chỉ còn ly rượu cho người yếu… ch…".

Xin thất lễ làm trắc nghiệm một phút: Là thơ của ông liệu chúng "trường tồn" được bao nhiêu câu nhỉ?

- Tôi kể chuyện có một tay họa sĩ, đào đất đắp một cái tượng để cho mọi người đến chiêm ngưỡng. Đến lúc vị này chết thì người ta vứt đời nó tượng đi, còn cái chỗ nó đào thì lại thành cái giếng người ta đến người ta giặt quần áo. Thế nên có những việc ông tưởng người ta nhớ mà người ta lại không nhớ đâu.

Tôi nói những người làm văn, làm thơ như này "Đời thơ như núi Thái Sơn/Đốt đi xá lị may còn một câu". Khi mà anh chết đi anh để lại một câu thơ thôi đã là thành công rồi. Tôi thấy, hiện nay có những câu thơ của mình người dân người ta nhớ, thế là mãn nguyện rồi. 

Thí dụ như có câu thơ người ta dị bản đi, nhưng lại hay hơn thơ của tôi. Thơ tôi như này này: "Sang sông sợ nhất đò đông/Về nhà sợ nhất vợ không nói gì". Thì dị bản thành "Ra đường sợ nhất công nông/Về nhà sợ nhất vợ không mặc gì".

Tôi nói thế này: "Những cái nghĩ mãi mới ra/ Đều là những cái người ta nghĩ rồi".

“Tôi sẽ còn vô địch từ bây giờ cho đến lúc chết” - Ảnh 13.

Tóm lại, ở tuổi 82 này, ông thấy mình khôn hay dại?

- Tôi nghĩ tôi không khôn, không dại. Lúc khôn, lúc dại. Cứ sống theo tự nhiên thôi. "Tự nhiên chờ cái đến/Thanh thản tiễn cái đi/ Yêu những điều không muốn/ Tâm nhàn hơn mây trôi". Kệ, cứ sống thuần tự nhiên thôi.

- Xin chân thành cảm ơn ông về cuộc trò chuyện hí tếu, lý thú và rất bổ ích.

Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem