Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sự lựa chọn của tương lai

Lê Thọ Bình Thứ hai, ngày 01/02/2021 06:00 AM (GMT+7)
Nguyên Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng được Ban Chấp hành Trung ương bầu lại làm Tổng bí thư nhiệm kỳ 3, không đơn thuần chỉ là “ý Đảng, lòng dân”, mà còn là sự lựa chọn tất yếu cho con đường phát triển ngày càng vững mạnh ở thời điểm có tính bước ngoặt của đất nước và trong một thế giới đầy biến động.
Bình luận 0

Người cộng sản chân chính, nghĩa tình

Việc Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử cho thấy uy tín của ông trong Đảng, trong nhân dân một lần nữa được khẳng định. Hay nói chính xác hơn, đây là sự lựa chọn tất yếu của giai đoạn hệ trọng nhất trên con đường phát triển của Việt Nam. Đánh giá về nhân cách Tổng bí thư Nguyễn Phú trọng khi ông tái cử nhiệm kỳ 2, cố Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nhận xét: "Anh Trọng là nhà lý luận sắc bén của Đảng ta. Anh là nhà cộng sản chân chính, chí tình, chí nghĩa. Tính cách thì nhân hậu, nhưng quyết liệt, không khoan nhượng trong công cuộc chỉnh đốn Đảng để Đảng ta ngày càng trong sạch hơn, xứng đáng là "công bộc, là đầy tớ trung thành của nhân dân" như Hồ Chủ tịch từng khẳng định".

Nhận xét này càng đúng và phần nào lý giải vì sao ông lại được Đảng ta lựa chọn giữ trọng trách người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nhiệm kỳ thứ 3.

Và, nhân cách ấy không ra đời ngẫu nhiên!

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sự lựa chọn của tương lai - Ảnh 1.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng (Ảnh: PV)

Chúng ta còn nhớ, đầu năm 2018, khi nhận Huy hiệu 50 tuổi Đảng, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã phát biểu: "Suốt 50 năm được đứng trong hàng ngũ của Đảng, tôi đã được Đảng giáo dục, rèn luyện, dìu dắt rất nhiều, nhờ đó mà có làm được một số việc và từng bước trưởng thành. Tuy nhiên, tất cả những gì tôi làm được là vô cùng nhỏ bé so với sự giáo dục, rèn luyện của Đảng; sự kèm cặp, chỉ bảo của các đồng chí đi trước; sự ủng hộ, cộng tác, giúp đỡ của đồng chí, đồng nghiệp; sự động viên, ủng hộ của nhân dân, mà trực tiếp là những nơi tôi từng sinh sống, công tác, học tập, làm việc".

Điểm lại quá trình học tập, rèn luyện, cống hiến và trưởng thành của mình, Tổng Bí thư chia sẻ một điều mà ông luôn tâm niệm, đó là "phải học, học nữa, học mãi, như cách nói của cha ông là phải học ăn, học nói, học gói, học mở, nghĩa là học tập suốt đời, học làm người chứ không phải học để làm chức nọ, chức kia". Ông bảo, ông luôn trăn trở một điều là "đã làm được gì nhiều đâu, còn nợ nhiều lắm".

"Đã vay dòng máu thơm thiên cổ/Phải trả ta cho mạch giống nòi", Tổng Bí thư dẫn lại lời thơ của Nhà thơ Tố Hữu trong bài thơ Đi như để nói thay tâm sự của lòng mình.

Còn người trợ lý thân cận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng là ông Hồ Mẫu Ngoạt, có lần nói với tôi về người Thủ trưởng của mình: "Anh là nhà lý luận nhất quán. Các anh cứ đọc những bài anh ấy viết từ 20- 30 năm trước thì thấy ở đó đã toát lên những tư tưởng của anh ấy trong ngày hôm nay".

Còn Giáo sư Hồ Ngọc Đại, "cha đẻ" của Công nghệ giáo dục, người bạn thân thiết của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng thổ lộ, ông Trọng là một nhân cách lớn. nghĩa tình, yêu thương đồng chí, đồng đội, sống liêm khiết, trong sạch. Vì vậy ông rất ghét thói xa hoa, bòn rút của công, bè phái, cánh hẩu.

Ông là người trọng danh dự và xa lánh mọi ham hố vật chất, sự ích kỷ vun vén quyền lợi cho cá nhân, cho gia đình mình. Vài ba chục năm trở lại đây, người dân từng biết không ít vị có chức sắc bằng quyền lực của mình cất nhắc con cái, người thân, đệ tử của mình vào những vị trí này nọ. Không từ một thứ gì để kiếm chác. Thậm chí cưới xin cho con, thượng thọ cho bố mẹ cũng tổ chức linh đình để nhận quà cáp, biếu xén.

Với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì không. Đã kinh qua nhiều chức vụ cao nhất của Nhà nước, của Đảng nhưng từ việc lớn cho đến việc nhỏ, trong dân gian chưa có lời đồn, giai thoại nào về sự lợi dụng quyền hạn của ông để mưu lợi cho mình, cho người thân. Theo lời kể của cố nhà báo Dương Đức Quảng, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin báo chí Văn phòng Chính phủ, người bạn học thời đại học với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thì "ông Trọng có hai người con, mt gái, một trai đều là những viên chức nhà nước và là các công dân bình thường như bao công dân khác. Có thể có người gặp các cháu trong công việc hay cuộc sống thường ngày không hề biết bố các cháu là Tổng Bí thư vì chẳng bao giờ các cháu tự nói ra điều này".

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sự lựa chọn của tương lai - Ảnh 2.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vui mừng gặp lại thầy giáo chủ nhiệm trong lần về thăm trường Nguyễn Gia Thiều (Ảnh: TTXVN)

Giữ những trọng trách cao là vậy, nhưng khi về với trường lớp cũ, với thầy cô và các bạn đồng môn, ông Trọng vẫn khiêm nhường, hòa đồng với mọi người. Hãy nghe nhà báo Dương Đức Quảng kể: "khi tới thăm thầy cô và các bạn đồng môn ông Trọng nói: "Xin cho em, cho tôi được để mọi chức tước ngoài căn phòng này. Em đến đây mãi mãi là học trò cũ của các thầy, các cô ngày nào. Còn tôi gặp may mắn hơn các bạn. Chức tước như phù vân, còn mãi với nhau là tình thầy trò, bè bạn. Mong chúng ta luôn giữ được điều đó". Ông Quảng kể thêm: "Khi chụp ảnh kỷ niệm lớp, anh vẫn nhường cho người cao tuổi ngồi trên. Lúc thư nhàn, anh vẫn về thăm những thầy cô giáo của mình với lòng kính trọng, biết ơn chân thành".

Sau này, ra trường và về làm tại Tạp chí Cộng sản, ông Nguyễn Phú Trọng luôn được cấp dưới nể phục và kính trọng.

"Ông là người nghiêm khắc trong nghề nghiệp, có lý tưởng. Điều đáng kính trọng ở ông là sự tận tâm với công việc. Là người từng nhiều năm được làm việc dưới quyền ông, được ông dìu dắt, chỉ bảo, chúng tôi học được rất nhiều ở ông tính chuyên cần, cẩn trọng, cần kiệm. Ông là mẫu người "Cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư" như Bác Hồ từng dạy"- nhà báo Nhị Lê, nguyên Phó tổng biên tập Tạp chí Cộng sản nhận định.

Khi đã trở thành Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Phú Trọng vẫn là cán bộ cấp cao mẫu mực, sống trong sáng và liêm khiết. GSTS Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội có lần kể lại với báo chí rằng, ông nhận được Thiếp mời cưới con của Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Phú Trọng, nhưng đã qua ngày đám cưới. Ông cứ trách người trợ lý của Chủ tịch: "Anh đưa thiếp mời cho tôi chậm quá. Dù sao tôi cũng là cấp dưới và lại là chỗ thân tình với anh Trọng. Không đi dự đám cưới con anh ấy được tôi áy náy quá". Người trợ lý cười: "Anh không đọc kỹ à? Đấy là thiếp báo hỷ. Anh Trọng dặn tôi là qua ngày cưới rồi hẵng đưa cho anh!".

"Lấy dân làm gốc"

Không phải ngẫu nhiên mà ngay sau khi nguyên Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tái cử chức Tổng bí thư nhiệm kỳ 3, người dân tin tưởng rằng, BCH TƯ mới, đứng đầu là Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ phát huy tối đa khối đại đoàn kết toàn dân để xây dựng đất nước hướng tới mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" như chủ thuyết (cũng là mệnh lệnh) của Đại hội Đảng XIII.

Trong Báo cáo trước toàn thể đại biểu tham dự Đại hội Đảng XIII và cũng là với toàn dân, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Đẩy mạnh công cuộc đổi mới, nhưng đổi mới phải luôn quán triệt quan điểm "lấy Dân làm gốc", vì lợi ích Nhân dân, dựa vào Nhân dân, phát huy vai trò làm chủ, tinh thần trách nhiệm, sức sáng tạo và mọi nguồn lực của Nhân dân".

Điều quan trọng nhất mà người đứng đầu Đảng ta nhiều lần nhấn mạnh là "Đấu tranh đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, quan liêu, tham nhũng là nhiệm vụ trọng tâm, yếu tố quyết định cho thắng lợi của sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - với tư cách là người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhìn ra mối nguy của đại dịch tham nhũng, bằng tất cả dũng khí và mưu lược ông đã phất lên ngọn cờ tiêu diệt bằng được tham nhũng, sự lộng quyền.

Có lẽ chưa bao giờ, công cuộc phòng chống tham nhũng quyết liệt và thu được nhiều thành công như thời gian vừa qua. Hàng loạt cán bộ, trong đó có cả những cán bộ cao cấp của Đảng bị truy tố và nhận hình phạt rất cao của pháp luật. Nhiều vụ việc vi phạm nghiêm trọng trong nhiều lĩnh vực được đưa ra xử lý nghiêm khắc. Câu nói của Tổng bí thư hôm nào "Lò nóng lên rồi thì củi tươi vào cũng phải cháy" tiếp tục phát huy hiệu quả.

Có thể khẳng định, công cuộc phòng chống tham nhũng không chỉ làm trong sạch đội ngũ của đảng cầm quyền, thu hồi lại tài sản quốc gia mà quan trong hơn nữa, nó đã đem lại niềm tin tưởng cho nhân dân để từ đó tạo động lực cho sự phát triển đất nước.

"Đạp bằng trở ngại vượt gian nguy"

Nhân sự, hay nói nôm na là công tác cán bộ luôn là một trong những vấn đề hệ trọng nhất mà trong hai nhiệm kỳ trước và để chuẩn bị cho nhiệm kỳ mới này đều được người đứng đầu Đảng ta đặc biệt quan tâm.

Có thể nói, chưa có đại hội nào mà công tác nhân sự lại được chuẩn bị một cách lớp lang, bài bản và cẩn trọng như Đại hội Đảng XIII.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng: Sự lựa chọn của tương lai - Ảnh 3.

Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Trung ương đã bầu chức danh Tổng Bí thư của Đảng. Kết quả Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức danh Tổng Bí thư khóa XIII. (Ảnh: TTXVN)

Chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng là chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cán bộ chủ chốt, đặc biệt là người đứng đầu; "nếu chọn đúng người thì đất nước phát triển, nhân dân được nhờ. Trách nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương là phải làm việc này cho tốt. Đại hội XIII của Đảng diễn ra vào thời điểm rất quan trọng, là dấu mốc có ý nghĩa định hướng tương lai, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân tiếp tục công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh" - người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hai nhiệm kỳ (2011-2016 và 2016-2020) Nguyễn Phú Trọng nói.

Nguyên lý gốc của công tác cán bộ cho Đại hội Đảng XII là Đảng ta thực sự thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh, "phải làm sao lựa chọn được những cán bộ vừa có phẩm chất đạo đức tốt, trung thành với Đảng, với Tổ quốc, với nhân dân, vừa có trí tuệ, tầm nhìn, tư duy chiến lược, có cả đức và tài". Đây không chỉ là nhiệm vụ của Tiểu ban Nhân sự, của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương, mà của cả hệ thống chính trị.

Để thấy vì sao lại nói "chưa bao giờ công tác nhân sự cấp cao lại được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng như lần này" ta hãy nghe người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam, Trưởng Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIII của Đảng - ông Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, công tác nhân sự là công tác vô cùng quan trọng, nhưng cũng vô cùng phức tạp, nhạy cảm, vì nó liên quan đến con người, danh dự, chế độ chính sách… dễ nảy sinh vấn đề, tâm tư day dứt, vì vậy cần phải được tiến hành theo một quy trình khoa học, chặt chẽ, công tâm khách quan.

Ông yêu cầu: "từng cơ quan địa phương, từng cán bộ trực tiếp tham gia vào công tác chuẩn bị phải nhận thức đầy đủ, sâu sắc trách nhiệm của mình, phải toàn tâm, toàn ý lo cho công việc chung, phải đặt lợi ích của đảng, của đất nước, của nhân dân lên trên hết, trước hết. "Tôi nghĩ rất nhiều về vấn đề này: đừng nghĩ đến người quen, đừng nghĩ đến người thân hay gia đình của mình, hay địa phương của mình. Ngày xưa hy sinh cho Tổ quốc còn không sợ, mà hy sinh lợi ích làm gì phải khổ sở thế. Hy sinh một tí tình cảm vì lợi ích quốc gia, dân tộc thế mới là đảng viên. Và lại càng thế mới là Ủy viên Trung ương, Ủy viên Bộ chính trị. Ta phải thống nhất với nhau tinh thần thế".

Người đứng đầu Đảng ta nhiệm kỳ qua yêu cầu: "Lấy tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, nhất là hiệu quả công tác, uy tín của bản thân và gia đình để làm thước đo chủ yếu. "Đừng bị đánh lừa bởi những động tác giả. Nhiều người khéo lắm, dễ đề cao thành tích, che dấu khuyết điểm… Phải trên cơ sở tiêu chí để đánh giá đúng cán bộ, lựa chọn đúng người, sắp xếp đúng việc, bố trí đúng chỗ, để tạo ra một ê-kíp, một tập thể cộng sự ăn ý, đoàn kết, thống nhất, có sức mạnh" và "Nói theo các cụ: "đừng nhìn gà hóa quốc", "đừng thấy đỏ tưởng là chín", "đừng chỉ thấy cái mã bên ngoài che đậy cái sơ sài bên trong"… Do vậy, phải có con mắt tinh đời, "anh hùng đứng giữa trần ai mới là...", phải biết được, phát hiện được những người tài".

"Tránh tình trạng "cua cậy càng", "cá cậy vây", tự cao tự đại, coi thường người khác, không phối hợp, hợp tác tốt vì cho mình là nhất. "Tinh đời là ở chỗ chọn anh này mạnh cái này, anh kia mạnh cái kia bổ sung cho nhau tạo nên một ê-kíp mạnh". – Ông nêu rõ và khẳng định: "Ban chấp hành Trung ương mạnh, Bộ chính trị mạnh, cán bộ chủ chốt mạnh thì không sợ gì hết, nhân dân tin tưởng ủng hộ".

Phải nhắc lại những suy tư, trăn trở và yêu cầu của người đứng đầu Đảng ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng mới thấy hết tầm quan trọng của công tác nhân sự nhiệm kỳ này.

"… Ta đã đi, là ta quyết đi!

Đạp bằng trở lực, vượt gian nguy

Ngực còn thoi thóp, tim còn đập

Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ!"

(Trích bài thơ Đi của Tố Hữu)

Với một Ban Chấp hành Trung ương mới, với một người đứng đầu Đảng nhân hậu, nghĩa tình, nhưng lại quyết liệt, tỉnh táo; với một cương lĩnh trí tuệ, sáng tạo, đầy thực tiễn, chúng ta hoàn toàn tin tưởng rằng, người đứng đầu Đảng ta sẽ "đạp bằng trở lực vượt gian nguy" đưa đất nước thân yêu của chúng ta từng bước vượt qua khó khăn, thử thách để để đạt được mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem