Tổng cục Đường bộ không biết lượng xe qua trạm BOT Cai Lậy

Hữu Danh Thứ hai, ngày 14/08/2017 11:59 AM (GMT+7)
Sau nửa tháng thu phí gây bức xúc cho người dân tại BOT Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với Tiền Giang để ghi nhận tình hình. Trả lời báo chí, đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam... không biết lượng xe qua trạm này mỗi ngày là bao nhiêu.
Bình luận 0

Sáng 14.8, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Tiền Giang về tình hình hoạt động của trạm thu phí BOT Cai Lậy. Từ sáng sớm, hàng chục phóng viên khắp nơi đổ về dự họp nhưng lãnh đạo Sở GTVT Tiền Giang cho biết phía Tổng cục muốn "họp kín". Tuy nhiên, do lượng phóng viên quá đông nên cuối cùng báo chí đã được tham dự.

img

Nhân viên trạm thu phí Cai Lậy đang làm việc

Theo báo cáo của Sở GTVT Tiền Giang, hoạt động của Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang cơ bản ổn định và nhà đầu tư thực hiện đúng các quy định về giá dịch vụ, chính sách miễn giảm, bố trí đủ và tăng cường nhân viên trong những ngày đầu khai thác.

Hàng ngày, tại trạm BOT Cai Lậy, chỉ có từ 2 đến 3 lượt người điều khiển phương tiện đưa tiền là mệnh giá 200 đồng, 500 đồng, 1.000 đồng vo tròn, nhàu nát nhét vào chai nhựa, cho vào túi nilon, nhúng tiền vào nước… hoặc đưa tiền mệnh giá lớn để cố tình kéo dài thời gian qua trạm nhằm gây ùn tắc giao thông.

Vào 16h30 ngày 13.8, có hàng chục phương tiện ở cả 2 chiều mang tiền lẻ để qua trạm thu phí Cai Lậy, một vài tài xế có hành vi cản trở giao thông khiến dòng xe ùn ứ khoảng 3km và gây mất an ninh trật tự. Nhà đầu tư đã tiến hành xả trạm khoảng 30 phút thì tình hình ổn định, các phương tiện lưu thông bình thường.

Đến 20h cùng ngày, đoàn xe này quay lại và tiếp tục gây ùn, tắc giao thông, nhà đầu tư đã xả trạm lần 2. 0h ngày 14.8, trạm bắt đầu thu phí lại.

Cũng theo Sở GTVT Tiền Giang, các doanh nghiệp kinh doanh vận tải, chủ phương tiện, người lái phương tiện, nhân dân thắc mắc việc đầu tư tuyến tránh Cai Lậy nhưng lại đặt trạm thu phí trên tuyến Quốc lộ 1 và giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án này so với dự án đường cao tốc TP.HCM Trung Lương là quá cao.

Để hạn chế việc ùn tắc giao thông tiếp tục kéo dài, tránh tình trạng trở thành điểm nóng chính trị xã hội do người dân phản đối vị trí đặt trạm, Sở GTVT kiến nghị Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam xem xét giảm mức giá dịch vụ sử dụng đường bộ của dự án hợp lý hơn, nhằm giảm chi phí vận tải, góp phần giảm chi phí hàng hóa lưu thông từ các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đến các tỉnh khác và ngược lại.

Sau báo cáo của Sở GTVT Tiền Giang, báo chí chất vấn ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc trạm phí đặt nhầm chỗ, cũng như mức phí vì sao quá cao làm người dân phản ứng. Ông Thắng cho biết, vị trí đặt trạm có sự thống nhất giữa bộ và địa phương, còn mức giá là theo quy định. Với câu hỏi mỗi ngày có khoảng bao nhiêu lượt xe qua trạm BOT Cai Lậy sau nửa tháng vận hành, ông Thắng nói "ông không biết".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem