Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc: "Không thể kiểm toán Nhà máy nước mặt sông Đuống"

15/11/2019 10:50 GMT+7
Nhiều ý kiến cho rằng giá nước nhà máy sông Đuống cao gấp đôi sông Đà là do suất đầu tư cao và cần có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước. Tuy nhiên, khi trao đổi với báo chí bên hành lang kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết không thể kiểm toán được dự án này.

Theo ông Hồ Đức Phớc, những dự án xã hội hóa dịch vụ công như Nhà máy nước mặt sông Đuống không nằm trong phạm vi kiểm toán, vì đây là dự án do tư nhân đầu tư, quản lý và sử dụng, nên thuộc tài sản tư nhân.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra bất cập trong quản lý Nhà nước đối với loại hình dịch vụ công được xã hội hoá là giá thành bán ra cao hơn mặt bằng chung.

Tổng kiếm toán Nhà nước: 'Không thể kiểm toán nước sạch sông Đuống' - Ảnh 1.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Tồn tại này là do quá trình đàm phán giữa cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền và nhà đầu tư. Trong trường hợp này, cơ quan quản lý chuyên ngành về nước, cơ quan tài chính thuộc Bộ Tài chính cần tiến hành thanh tra, kiểm tra làm rõ”, ông Hồ Đức Phớc nói.

Cũng theo Tổng kiểm toán Hồ Đức Phớc, với loại hình dịch vụ công được xã hội hóa như nước sạch, nhà chức trách cần rà soát, quản lý chặt chẽ ngay từ khâu đầu khi triển khai quy hoạch tới khâu cuối là chất lượng sản phẩm, giá thành dịch vụ. 

Ông Phớc nhấn mạnh, nếu dự án nhà máy nước mặt sông Đuống được kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu đã không xảy ra việc giá nước nhà máy sông Đuống chênh tới vài nghìn đồng/m3 so với mặt bằng giá chung.

Giá nước nhà máy sông Đuống được Sở Tài chính Hà Nội “tạm tính” là 10.246 đồng/m3. Con số này được cho là gấp đôi mức giá nước mà người dân Hà Nội vẫn sử dụng nhiều năm nay.

Trước giá nước nhà máy sông Đuống cao gấp đôi, UBND TP Hà Nội vẫn chấp thuận và đồng ý chi gần 200 tỷ đồng tiền ngân sách để bù lỗ.

Trong tổng mức đầu tư của dự án nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng thì có đến 80% mức vốn (tương ứng gần 4.000 tỷ đồng) được doanh nghiệp này đi vay ngân hàng.

Báo cáo từ Sở Tài chính Hà Nội cho biết, khi nhà máy nước sông Đuống đi vào hoạt động, chi phí lãi vay cũng tính vào giá nước. Theo báo cáo của công ty, phí lãi vay tính vào giá nước là 20%, tương đương khoảng 2.003 đồng/m3 nước.

Theo cách tính giá này, nếu sử dụng nguồn nước từ nhà máy nước mặt sông Đuống, mỗi người dân Hà Nội sẽ phải gánh nợ lãi suất thay doanh nghiệp này số tiền 2.003 đồng/m3/tháng. 

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV đang diễn ra, nhiều ĐBQH cho rằng, đây là mức phí vô lý và thiếu công bằng đối với người tiêu dùng Thủ đô. Các đại biểu cũng đặt ra nhiều câu hỏi về công tác đấu thầu tại dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Đào Bích/VTC News
Cùng chuyên mục