Tổng thống Liban: Nổ lớn có thể do bắn tên lửa hoặc đánh bom

Vương Nam - Reuters Thứ bảy, ngày 08/08/2020 08:55 AM (GMT+7)
Tổng thống Liban hôm 7.8 cho biết, cuộc điều tra về vụ nổ kinh hoàng nhất lịch sử nước này sẽ mở rộng phạm vi và xem xét xem liệu nguyên nhân thảm kịch có phải đến từ bên ngoài hay không.
Bình luận 0

img

Vụ nổ kinh hoàng ở Beirut có thể do đánh bom hoặc tấn công tên lửa, Tổng thống Liban nói (ảnh: Reuters)

Ít nhất 154 người đã thiệt mạng và hơn 5.000 người khác bị thương trong vụ nổ xảy ra ở cảng Beirut, Liban. Lực lượng cứu hộ vẫn đang tiếp tục tìm kiếm người mất tích và con số thương vong dự kiến sẽ tăng lên.

“Nguyên nhân chính thức gây ra vụ nổ vẫn chưa được xác định. Khả năng có sự can thiệp bởi các thế lực bên ngoài, tấn công bằng tên lửa, đánh bom là không thể loại trừ”, Tổng thống Liban Michel Aoun phát biểu.

Trước đó, ông Michel Aoun từng thể hiện sự giận dữ khi đề cập đến kho chứa hơn 2.700 tấn hóa chất gây nổ lưu trữ ở cảng Beirut suốt 6 năm mà không có biện pháp an toàn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump trước đó cũng nói rằng, một cuộc tấn công quân sự có thể là nguyên nhân gây ra vụ nổ ở cảng Beirut.

Ngay sau phát biểu của ông Trump, Israel – quốc gia thường có xung đột với Liban – đã lên tiếng phủ nhận liên quan. Israel cũng gửi viện trợ cho Liban, thông qua bên thứ ba.

Những nhận định của Tổng thống Liban dường như không giúp xoa dịu không khí căng thẳng ở quốc gia Địa Trung Hải hơn 6 triệu dân.

Lực lượng an ninh Liban đã phải sử dụng cả đạn hơi cay để giải tán các đám đông biểu tình giận dữ, những người cho biết họ sẽ không tin thêm bất kỳ lời nói nào từ chính quyền.

“Làm sao để chúng tôi gây dựng lại từ đống đổ nát này. Chính quyền ở đâu?”, Tony Abdou – một người dân ở Beirut ngậm ngùi.

“Chúng tôi làm gì có chính phủ? Hết cách rồi, giờ không còn có thể kiếm tiền nữa”, Nassim Abiaad - một tài xế - nói khi đang nhìn chiếc taxi bẹp rúm của mình.

img

Ảnh vệ tinh chụp khu cảng Beirut, Liban sau vụ nổ (ảnh: Daily Mail)

Truyền thông Liban cho rằng, lửa từ máy hàn đã bén vào kho chứa ammonium nitrate ở cảng Beirut và gây ra vụ nổ.

Vụ nổ tại Beirut cũng phá hủy kho lương thực lớn nhất của Liban. Việc nhập khẩu lương thực giờ sẽ do cảng Tripoli đảm nhiệm. Tuy nhiên, cảng Tripoli rõ ràng là không đủ sức chứa, làm trầm trọng hơn nỗi lo thiếu lương thực ở Liban.

Gần như toàn bộ lương thực ở Liban đến từ nguồn nhập khẩu từ nước ngoài. Liban cũng không có kho dự trữ lương thực chiến lược quốc gia.

Trong bối cảnh vừa mới tuyên bố vỡ nợ và đồng nội tệ lao dốc không phanh, Bộ trưởng Kinh tế Liban Raoul Nehme cho biết, nguồn lực của nước này là “cực kỳ hạn chế” trong việc khắc phục thảm họa.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem