Khó như… tìm lao động nông nghiệp
Ông Huỳnh Đoàn Thông - Giám đốc Công ty TNHH Chánh Phong (xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM), cho biết, công ty có trang trại sản xuất giống nông nghiệp rộng 2ha tại Khu NNCNC (huyện Củ Chi) và nhiều trang trại liên kết với nông dân trong vùng, doanh thu cả chục tỷ đồng mỗi năm. Thế nên việc tìm kiếm và đào tạo nguồn nhân lực là một mục công việc rất quan trọng của công ty.
“Ở đây tôi là nông dân, bà con hợp tác cũng là nông dân nhưng tôi phải “chiều” bà con dữ lắm! Nông dân đi làm có giờ có giấc, trưa về nhà nghỉ ngơi. Những ngày mùa hè nắng nóng thì công ty để bà con ra đồng trễ hơn 1 tiếng đồng hồ, ngày mưa thì về sớm. Làm “công nhân” nông nghiệp nhẹ nhàng cả về tinh thần và thể xác hơn so với ngành công nghiệp nên nhiều người gắn bó lâu dài, làm thành nghề luôn” - ông Thông kể về cách ông giữ người.
Ông Huỳnh Đoàn Thông kiểm tra giàn mướp giống tại Khu nông nghiệp công nghệ cao TP.HCM. ảnh: T.T.H
Khác với ông Thông, ông Nguyễn Quốc Toản - Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp - thương mại - dịch vụ Phú Lộc (huyện Củ Chi) lại gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm lao động. “HTX kiểu mới nên rất nhiều việc phải giải quyết, phải tính toán, từ khâu sản xuất cho đến tiêu thụ, đảm bảo lợi nhuận cho xã viên, rồi còn tham gia xây dựng tên tuổi cho HTX. Ngoài ra còn lo làm việc với đối tác, tìm kiếm và áp dụng các kỹ thuật sản xuất mới, xây dựng website bán hàng… Việc nhiều vô kể mà người thì khó tìm quá!” - ông Toản than thở.
Ông Toản cho rằng, với định hướng cung cấp cho thị trường rau quả các loại với chất lượng VietGAP, giá cả hợp lý, phù hợp với điều kiện nhu cầu của người tiêu dùng hiện nay, đồng thời hướng tới xuất khẩu, HTX Phú Lộc đang ngày càng mở rộng hoạt động. Thế nhưng, để phát triển bền vững và theo đuổi được những mục tiêu đặt ra, HTX vẫn cần thêm nhiều lao động có tay nghề.
“Hiện tại ngay cả lao động phổ thông ở HTX cũng khó tìm, số lượng bấp bênh, nhiều người vui thì làm, buồn lại nghỉ, thành ra có lúc đơn hàng nhiều mà HTX không tìm được người làm việc” - ông Toản nói.
Công tác đào tạo phải thực tế hơn
Mời “thầy ngoại” về dạy nông dân
Trong 5 năm tới, TP.HCM sẽ đào tạo tại nước ngoài cho 62 lượt cán bộ trực tiếp vận hành hệ thống hoặc dây chuyền công nghệ trong các chương trình liên kết và hợp tác chuyển giao công nghệ. Tổ chức 15-20 khóa học quốc tế cho 300 học viên. Tham gia giảng dạy là các chuyên gia về NNCNC đến từ Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật, Ý, Bỉ, Israel, Hà Lan, Canada, Bắc Mỹ, Đan Mạch... |
“Thành phố đã thấy nhu cầu” - ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch UBND TP.HCM đã nói như vậy khi tham dự Hội nghị tổng kết hoạt động ngành nông nghiệp TP.HCM 2017. Từ đó ông yêu cầu công tác đào tạo lao động nông nghiệp phải đẩy mạnh hơn và thực tế hơn.
Vì nhìn thấy nhu cầu nên mới đây UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 6160/QĐ-UBND về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực NNCNC trên địa bàn thành phố giai đoạn 2018 - 2020, với mục tiêu đào tạo 20 thạc sĩ, tiến sĩ về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp tại các viện, trường trong nước và các nước/vùng lãnh thổ có trình độ khoa học công nghệ phát triển như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, Ý, Bỉ, Israel và Canada.
Đồng thời, thành phố sẽ đào tạo nâng cao kỹ thuật, kỹ năng sử dụng, vận hành công nghệ và làm chủ công nghệ trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học công nghệ… cho 1.800 cán bộ quản lý, nghiên cứu, cán bộ cấp cơ sở, chủ doanh nghiệp, xã viên HTX... Đào tạo tay nghề cho gần 3.000 lao động nông nghiệp để tham gia sản xuất áp dụng NNCNC.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.