Covid-19 tại TP.HCM: Cách ly toàn bộ người về từ Hải Dương
TP.HCM: Cách ly toàn bộ người về từ Hải Dương, xét nghiệm lần 3 nhân viên công ty VIAGS
Bạch Dương
Thứ năm, ngày 18/02/2021 15:05 PM (GMT+7)
Ngày 18/2, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho biết, chuỗi lây nhiễm Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất đã được kiểm soát, đến nay chưa phát hiện ca mắc mới.
Từ ca chỉ điểm là BN1979, nhân viên giám sát chất xếp hàng hóa của công ty VIAGS, thành phố tiếp tục phát hiện thêm 34 trường hợp nhiễm liên quan đến chuỗi lây nhiễm tại sân bay thông qua hoạt động chủ động xét nghiệm giám sát tại sân bay và truy vết các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân. Chuỗi lây nhiễm này sau ngày 11/2 vẫn đang dừng ở con số 35 trường hợp nhiễm.
HCDC đã thực hiện xét nghiệm giám sát lần 3 cho toàn bộ nhân viên công ty VIAGS, đã lấy mẫu 1.555 trường hợp, trong đó 1.030 âm tính, 525 đang chờ kết quả
TP.HCM triển khai kế hoạch giám sát người từ vùng dịch trong nước đến TP.HCM sau Tết nguyên đán, tiếp nhận khai báo y tế, lấy mẫu ngẫu nhiên người từ các tỉnh thành khác về Thành phố tại sân bay, ga tàu, bến xe, trạm y tế.
Đến nay, đã tiếp nhận 3.528 trường hợp khai báo y tế, chuyển cách ly tập trung 155 trường hợp, 7 cách ly tại nhà, 3.366 tự theo dõi sức khỏe. Lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 giám sát ngẫu nhiên 3.464 trường hợp, trong đó 3.266 âm tính với SARS-CoV-2, 198 đang chờ kết quả.
Đặc biệt, HCDC đã yêu cầu cách ly tập trung toàn bộ những người trở về từ Hải Dương từ ngày 3/2.
Tại cuộc họp chiều 18/2, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết, một trong những điều người dân quan tâm chính là việc tiêm vaccine phòng Covid-19, dự kiến diễn ra trong quý I năm 2021. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine phải tuân theo chỉ đạo và phân bổ của Bộ Y tế.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, tình hình dịch bệnh ở làn sóng lây nhiễm thứ 3 này rất căng thẳng khi đến chiều 29 Tết Tân Sửu 2021 (tức 5 ngày sau khi phát hiện ca đầu tiên), TP.HCM vẫn chưa xác định nguồn lây. Do không xác định được F0 nên việc ngăn chặn lây lan trong cộng đồng gặp nhiều khó khăn.
Nhận định nếu chần chừ sẽ phải trả giá lớn nên TP.HCM khẩn trương tổ chức truy vết, theo phương châm "thần tốc - quyết liệt - khẩn trương - đồng bộ", phong tỏa 36 khu vực có ca bệnh để tiêu độc, tập trung điều tra truy vết, khoanh vùng, cách ly, xét nghiệm diện rộng, giám sát chủ động ở những nơi có nguy cơ cao...
"TP.HCM đặc biệt quan tâm đến công tác phòng chống dịch Covid-19 tại sân bay Tân Sơn Nhất, giám sát chặt chẽ các trường hợp nhập cảnh trái phép vào TP.HCM. Đối với những người trở lại TP.HCM sau tết thì thực hiện khai báo y tế. TP.HCM đang xem xét việc tổ chức khai báo y tế toàn dân. Trường hợp TPHCM phát hiện dịch Covid-19 sẽ lập tức khoanh vùng và dập dịch triệt để", ông Phong nói.
Trước đó, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên chỉ đạo, mặc dù vui mừng trước việc TP.HCM đã kiểm soát được ổ dịch tại sân bay Tân Sơn Nhất nhưng cần tiếp tục cảnh giác cao độ và không chủ quan. Đặc biệt là tình trạng từ sau tết, người dân từ các tỉnh, thành sẽ trở về TP.HCM sinh sống, học tập và làm việc, cần kiểm soát tình hình bằng việc khai báo y tế toàn dân. Công tác này cần được thực hiện một cách chặt chẽ hơn, nghiêm túc hơn và cần thiết sẽ xử lý nghiêm đối với các trường hợp khai báo y tế gian dối hoặc không chấp hành, tránh né. "Một lời khai sai sẽ gây rất nhiều khó khăn cho công tác truy vết", Bí thư Nguyễn Văn Nên nhấn mạnh.
Bí thư Nguyễn Văn nên cho biết, nếu TP.HCM tiếp tục kéo giảm sự căng thẳng về dịch bệnh và duy trì tình trạng an toàn với dịch Covid-19 sẽ tạo điều kiện cho hoạt động sản xuất kinh doanh, hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ, cho nên, phòng chống dịch Covid-19 phải tiếp tục được xem là một nhiệm vụ trọng yếu hàng đầu của thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.