dd/mm/yyyy

TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự

“Hàng loạt” hệ thống hải sản tươi sống bán với giá siêu rẻ đang được mọc lên khắp Sài Gòn. Một số chuỗi kinh doanh thua lỗ nhưng vẫn cố bám trụ chỉ để chờ nhà đầu tư "rót vốn".
TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự - Ảnh 1.

Các chuỗi hải sản tươi sống "mọc như nấm sau mưa" ở TPHCM. Ảnh: Đại Việt

Tại một cửa hàng hải sản trên đường Tô Hiến Thành (quận 10), nhiều loại hải sản nhập khẩu tươi sống đang được bán với giá rẻ chưa từng thấy.

Cụ thể, tôm Alaska loại nhỏ được bán với giá 749.000 đồng/1kg (loại 2 con). Tôm Alaska loại lớn có giá chỉ 950.000 đồng/kg. Cua nâu Ireland giá 650.000 đồng/kg. Cua hoàng đế giá 1,79 triệu đồng/kg. Cá bơn Hàn Quốc giá 690.000 đồng/kg…

Một nhân viên tại cửa hàng cho biết, hệ thống sẽ chế biến món hấp miễn phí cho khách. Nếu khách mua số lượng ít thì cửa hàng sẽ thu phí chế biến là 55.000 đồng/món với món cháy tỏi hay rang muối… Đối với khách mua số lượng lớn, cửa hàng sẽ miễn phí chế biến toàn bộ.

“Nếu anh mua trên 500.000 đồng thì bên em sẽ giao hàng miễn phí ở quận 10, quận 1, quận 11, quận 7. Còn các quận khác thì mua trên 2 triệu đồng mới được giao hàng miễn phí”, nhân viên nói.

TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự - Ảnh 2.

Tôm Alaska loại nhỏ được bán với giá "siêu rẻ" 749.000 đồng/kg. Ảnh: Đại Việt

Tại một cửa hàng hải sản khác trên đường Âu Cơ (quận Tân Bình), giá hải sản cũng đang rất rẻ. Cá lăng 155.000 đồng/kg, cá tầm 218.000 đồng/kg, cá chình 340.000 đồng/kg, tôm hùm baby 745.000 đồng/kg, tôm hùm lớn 830.000 đồng/kg...

TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự - Ảnh 3.

Cá lăng tươi sống giá 155.000 đồng/kg, rẻ hơn ở chợ. Ảnh: Đại Việt

Ông Hùng, đại diện một chuỗi hải sản tại TPHCM cho biết, vào tháng 4/2020, khi toàn xã hội bị cách ly. Hệ thống hải sản của ông đạt doanh số 15 tỷ đồng/tháng nhờ bán hàng online, giao hàng tận nơi, biên độ lợi nhuận đạt khoảng 20%.

Theo ông Hùng, doanh số nói trên là “kỷ lục” vì tăng hơn so với bình thường khoảng 70%.

Chính vì nghĩ là thị trường hải sản đang “màu mỡ” nên nhiều điểm bán hải sản khác đã “mọc” lên khắp Sài Gòn. Các điểm kinh doanh hải sản vừa bán tại chỗ, vừa chế biến mang về và bán hàng online.

“Các mô hình hải sản đều kinh doanh theo công thức: vị trí mặt bằng to, đẹp, bảng hiệu lớn, lập các tài khoản trên mạng xã hội để quảng cáo, bán hàng... Chi phí đầu tư cho một cửa hàng chỉ từ 700 – 900 triệu đồng nhưng chi phí vận hành từ 450 – 600 triệu đồng/tháng”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, việc các điểm bán hải sản mở ra “ồ ạt” tại TPHCM đã khiến nguồn cung lớn hơn nhu cầu thực tế.

Ông Hùng tiết lộ, trước đây, biên độ lợi nhuận của ngành bán lẻ hải sản dao động từ 27-30%. Tuy nhiên, hiện nay thì cung lớn hơn cầu nên biên độ lợi nhuận chỉ còn khoảng 18-22%, chưa tính hải sản bị chết, thâm hụt từ 5-10%.

Ngoài ra, chi phí điện, nước, nhân sự, phí quản lý dao động 10-15% trên doanh thu. Nếu quản lý không tốt và tập trung vào giảm giá, khuyến mãi “quá tay” thì doanh nghiệp sẽ rất dễ thua lỗ, thậm chí là phá sản. Trên thực tế, nhiều điểm kinh doanh hải sản mới mở cũng đang nợ tiền nhà cung cấp kéo dài.

TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự - Ảnh 4.

Các cửa hàng hải sản tươi sống khá vắng khách dù tọa lạc ở những vị trí đẹp. Ảnh: Đại Việt

Mặc dù việc kinh doanh hải sản hiện nay là khả rủi ro vì mức chi tiêu của người dân giảm mạnh, độ cạnh tranh cao, thế nhưng nhiều hệ thống hải sản vẫn tiếp tục “mọc như nấm”.

Ông Trần Quân, đại diện một chuỗi kinh doanh hải sản chia sẻ, công ty ông đang mở nhiều điểm bán tại các quận, huyện ở TPHCM. Ông muốn mở rộng chuỗi hải sản là do vốn đầu tư thấp, dễ làm, độ nhận diện thương hiệu nhanh hơn so với việc đầu tư làm một cái nhà hàng.

“Làm 10 cửa hàng hải sản thì chi phí mới bằng làm một cái nhà hàng nhưng độ nhận diện thương hiệu của 10 cửa hàng hải sản sẽ tốt hơn, dễ nhân bản mô hình hơn. Mục tiêu của tôi là kêu gọi được vốn từ các nhà đầu tư hoặc bán thương hiệu cho các quỹ đầu tư lớn”, ông Quân nói.

Theo ông Quân, dù hệ thống của ông đang kinh doanh lỗ vì phải giảm giá “câu khách”, hải sản chết, hao hụt, chi phí vận hành lớn…Tuy nhiên, ông vẫn cố gắng cầm cự để chờ nhà đầu tư rót vốn.

TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự - Ảnh 5.

Các cửa hàng hải sản tươi sống đều có chi phí vận hành lớn và rủi ro cao do hải sản bị chết, hao hụt. Ảnh: Đại Việt

Cũng theo đại diện một số vựa hải sản tại TPHCM, cuộc cạnh tranh về giá bán đang khá “khốc liệt” khiến giá hải sản đang rất sát với giá sỉ, đặc biệt là đối với hải sản nhập khẩu. Điều này có lợi cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, cuộc cạnh tranh này sẽ thanh trừng các doanh nghiệp “non” kinh nghiệm. Thậm chí, nhà đầu tư không cẩn trọng cũng rất dễ “dính bẫy”.

TPHCM: Chuỗi hải sản tươi sống “mọc như nấm sau mưa”, dù lỗ cũng cố cầm cự - Ảnh 6.

Cuộc đua về giá hải sản đang khá "khốc liệt". Ảnh: Đại Việt

Bà Phạm Minh Hương, chuyên gia ngành tài chính cho biết, bà từng tư vấn cho nhiều nhà đầu tư khi góp vốn vào các hệ thống kinh doanh hải sản. Tuy nhiên, hải sản tươi sống là ngành hàng vô cùng rủi ro, bởi giá cả luôn biến động theo từng ngày, từng giờ và phụ thuộc vào mùa màng, con nước.

Ngoài ra, hải sản sống hay chết hoặc gian lận trong quá trình cân đo, kiểm đếm cũng phụ thuộc nhiều vào ý thức con người. Nhiều doanh nghiệp đã từng “nếm trái đắng” khi nhập hải sản về nhưng toàn bộ lô hàng đã chết.

“Những rủi ro này cũng chính là rủi ro của nhà đầu tư nếu làm việc với những doanh nghiệp không trung thực. Việc gian lận trong hợp tác là rất dễ xảy ra. Người dân, các nhà đầu tư và các quỹ đầu tư cần thật cẩn trọng khi rót tiền vào các hệ thống hải sản”, bà Hương nói.

“Trước khi đầu tư, nhà đầu tư cần nghiên cứu thật kỹ uy tín của chủ doanh nghiệp, kiểm tra số liệu, sổ sách và đối chiếu với thực tế kỹ lưỡng. Tránh những hào nhoáng bên ngoài để đầu tư đúng nơi, đúng chỗ”, bà Hương nhấn mạnh.

Đại Việt