TP.HCM gặp khó trong giải ngân vốn đầu tư công do dịch Covid-19
TP.HCM: Giải ngân vốn đầu tư công khó đạt kế hoạch
Quang Phương
Chủ nhật, ngày 26/09/2021 15:51 PM (GMT+7)
Nhiều công trình tại TP.HCM sử dụng vốn đầu tư công đang tạm ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng do dịch Covid-19 kéo dài. Đến 30/9, TP.HCM sẽ khó đạt nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60% trở lên.
Theo ghi nhận của phóng viên nhiều công trình sử dụng nguồn vốn đầu tư công tại TP.HCM tạm ngừng hoạt động, hoạt động cầm chừng do dịch Covid-19. Tại Dự án đầu tư xây dựng đường sắt đô thị số 1 TP.HCM (tuyến Bến Thành - Suối Tiên) theo dự kiến ban đầu dự án sẽ bắt đầu hoạt động cuối năm nay. Tuy nhiên, hiện nay dự án bị ngưng trệ do dịch Covid-19 và phải dời thời gian vận hành kỹ thuật sang giữa năm 2022.
Tương tự, tại nhiều dự án khác như: Dự án đầu tư xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (tuyến Bến Thành - Tham Lương), Dự án vệ sinh môi trường TP.HCM (giai đoạn 2), Dự án cải tạo phục hồi đường cống thoát nước cũ, xuống cấp bằng công nghệ không đào hở tại TP.HCM… cũng đang bị đình trệ vì dịch Covid-19. Đây là những dự án đang sử dụng nguồn vốn từ ngân sách Trung ương trong nước và nước ngoài.
Theo UBND TP.HCM, trong năm 2021, UBND TP.HCM đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công của TP.HCM với tổng số vốn là 35.749,218 tỷ đồng. Cụ thể: vốn ngân sách thành phố đã phân bổ chi tiết với tổng số vốn là 31.921, 535 tỷ đồng (trong đó: vốn ngân sách tập trung: 22.987 tỷ đồng, vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 8.934,535 tỷ đồng). Vốn ngân sách trung ương đã phân bổ chi tiết: 3.827,683 tỷ đồng, gồm: vốn trong nước 211,890 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương là 3.615,793 tỷ đồng.
Tính đến hết ngày 13/8, tổng số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2021 của thành phố đã giải ngân tại Kho bạc Nhà nước TP.HCM là 10.746,258 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30,1% tổng kế hoạch vốn do UBND TP.HCM giao.
Ông Lê Hòa Bình, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM, thông tin: Tại TP.HCM, dịch Covid-19 bùng phát và kéo dài, TP.HCM thực hiện nhiều ngày giãn cách… đã ảnh hưởng đến việc giải ngân đầu tư công của thành phố. Các dự án trên địa bàn nhất là các dự án sử dụng vốn nước ngoài bị ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công. Các dự án bị ảnh hưởng do khó nhập khẩu máy móc, thiết bị và huy động chuyên gia, nhân công, tư vấn quản lý dự án, tư vấn giám sát, nhà thầu nước ngoài…
"Do đó, việc thực hiện mục tiêu: "phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95-100% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao từ đầu năm; trong đó đến hết quý III/2021 giải ngân đạt tối thiểu 60% kế hoạch" theo Nghị quyết 63 của Chính phủ có khả năng khó đạt được", Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình cho hay.
Mới đây, (ngày 13/9) UBND TP.HCM đã có văn bản gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư về triển khai Nghị quyết số 63 của Chính phủ (Nghị quyết về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022).
UBND TP.HCM kiến nghị Bộ Kế hoạch Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép TP.HCM không áp dụng quy định giải ngân vốn đầu tư công đạt từ 60% đến ngày 30/9 để làm cơ sở đánh giá việc quản lý điều hành, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của TP.HCM; Không điều chuyển hoặc cắt giảm các nguồn vốn ngân sách trung ương đã phân bổ cho thành phố. TP.HCM sẽ nỗ lực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm giải ngân cao nhất vốn đầu tư công năm 2021, phấn đấu đạt từ 95% trở lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.