Tham luận của PGS-TS Huỳnh Thành Đạt- Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM nhận định, thành phố đang đứng trước nhiều thách thức như: Chất lượng tăng trưởng kinh tế, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp còn thấp, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế để thích ứng với thời đại mới. Đặc biệt, các vấn đề mới nảy sinh gần đây như ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm không khí và tiếng ồn, tình trạng biến đổi khí hậu gia tăng các hệ lụy cho sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân... là những trần giới hạn, thách thức sự phát triển bền vững của thành phố.
Sinh viên Trường Đại học Tài chính – Marketing (TPHCM) trong một cuộc triển lãm sách ngoại văn. Ảnh: T.L
Để vượt qua những thách thức trên, PGS-TS Đạt cho rằng cần phải có NNL chất lượng cao. Muốn vậy, giáo dục bậc ĐH cần tạo ra những con người có tri thức, biết suy nghĩ độc lập, sáng tạo, sẵn sàng thích nghi và hội nhập...
“Hiện TP.HCM có 67 trường ĐH, CĐ và học viện, cung cấp NNL chất lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Bên cạnh đó, qua việc thực hiện đề án đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ của Chính phủ, trên 1/3 số sinh viên, học viên ĐH Quốc gia TP.HCM đã tham gia vào NNL chung của thành phố trong nhiều lĩnh vực” - ông Đạt nói.
Tuy nhiên, điểm yếu của các trường ĐH ở Việt Nam hiện nay là thiếu tài chính để đầu tư chiều sâu cho các ngành khoa học mũi nhọn, để liên kết với các trường ĐH, tổ chức nghiên cứu hàng đầu thế giới nhằm đào tạo ra những nhà khoa học xuất sắc; cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng sự phát triển của công nghệ hiện đại...
Vì vậy, ĐH Quốc gia TP.HCM kiến nghị thành phố cho phép và hỗ trợ xây dựng, triển khai đề án “ĐH Quốc gia TP.HCM góp phần xây dựng thành phố trở thành trung tâm KHCN và giáo dục lớn của cả nước và khu vực thông qua hợp tác với các trường ĐH hàng đầu của Mỹ”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.