TP.HCM làm gì với khoảng 1.000 địa chỉ nhà đất công bị bỏ trống?

Xuân Huy Thứ ba, ngày 10/12/2024 11:18 AM (GMT+7)
Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết sắp tới, đề án quản lý, khai thác và số hóa tài sản công sẽ đưa ra các kiến nghị, giải pháp để làm lành mạnh tình hình quản lý tài sản công, nhà đất công trên địa bàn TP.HCM
Bình luận 0

Sáng 10/12, HĐND TP.HCM khóa X tiếp tục ngày làm việc thứ hai của kỳ họp thường lệ cuối năm, tập trung thảo luận các vấn đề được cử tri quan tâm. Trong đó, tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai và dự án chậm triển khai được đặc biệt chú trọng.

Loạt kiến nghị trong việc quản lý tài sản công

Bà Đỗ Thị Minh Quân, Chánh văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội - HĐND TP.HCM, báo cáo rằng nhiều công trình sau khi xây dựng xong lại bị bỏ trống trong nhiều năm, không được khai thác hiệu quả. Ngoài ra, các dự án giao thông và giảm ngập nước vẫn chưa hoàn thành hoặc chưa được đầu tư đầy đủ.

img

Toàn cảnh kỳ họp thứ 20 HĐND TP.HCM khóa X. Ảnh: Xuân Huy

Các đại biểu đề nghị TP.HCM rà soát việc quản lý, sử dụng và khai thác đất đai, tài sản công; đồng thời tăng cường thanh kiểm tra, hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải, kéo dài gây lãng phí nguồn lực. Ông Dương Anh Đức, Bí thư quận 1, cho rằng nhiều quy định và quy trình bất cập trong quản lý tài sản công khiến TP.HCM gặp khó khăn, ví dụ như việc thu hồi đất từ doanh nghiệp hay trường hợp trục lợi từ đất công của Công ty Dịch vụ công ích quận 1. 

Ông Đức cho biết dù đã hết thời gian thuê đất nhưng công ty này không chịu trả mặt bằng, buộc phải đưa ra tòa, gây tốn kém thời gian. Lợi dụng thời gian này, họ còn trục lợi từ việc cho thuê lại đất, trong khi Nhà nước không nhận được lợi ích gì.

Ông Đức kiến nghị UBND TP.HCM cần rà soát lại các quy định, cơ chế và quy trình để có biện pháp siết chặt việc quản lý tài sản công, đồng thời sử dụng công nghệ thông tin để quản lý và khai thác các nguồn lực đất đai một cách hiệu quả hơn.

Khoảng 1.000 địa chỉ nhà đất công đang bị bỏ trống 

Trả lời tại cuộc họp, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải cho biết hiện có hơn 13.000 địa chỉ nhà đất là tài sản công cần sắp xếp trên địa bàn thành phố, với khoảng 1.000 địa chỉ bị bỏ trống vì nhiều lý do.

Từ năm 2022, TP.HCM đã triển khai đề án quản lý, khai thác và số hóa tài sản công. Đề án này, với sự tư vấn từ Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TP.HCM), giúp nhận diện các địa chỉ chưa khai thác hiệu quả thông qua bản đồ nhiệt. Các tài sản không hiệu quả sẽ được đánh dấu màu đỏ, trong khi các tài sản sử dụng hiệu quả hiển thị màu xanh.

img

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Nguyễn Hoàng Hải. Ảnh: Đ.X

Đặc biệt, TP.HCM cũng rà soát những tài sản công nổi cộm như Nhà khách Chính phủ, hiện đang trong quá trình bàn giao từ Bộ Ngoại giao. Các tài sản liên quan đến vụ án hoặc công trình dở dang cũng nằm trong phạm vi đề án này.

Ông Hải nhấn mạnh: "Với những công trình khai thác chưa hiệu quả, đề án sẽ đưa ra các giải pháp cụ thể, làm lành mạnh tình hình quản lý tài sản công trên địa bàn TP.HCM".

Cũng chia sẻ tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết tinh thần chung các tài sản công sẽ được TP.HCM phân nhóm.

Sẽ có những địa chỉ tiến hành bán đấu giá thu về ngân sách để TP.HCM đầu tư, có những địa chỉ sẽ có đề án cho thuê tạm chờ đầu tư mới theo quy định tại nghị định 84 và cũng có những địa thành phố sẽ để dành lại cho những mục tiêu khác.

TP.HCM cũng đang nghiên cứu, sắp xếp lại các sở ngành, do đó cần phải tính toán các trụ sở chung để làm sao sử dụng hiệu quả cho kế hoạch đầu tư phát triển thành phố thời gian tới.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem