TP.HCM sẽ không xây thêm chợ trong nội thành

Khải Huyền Thứ hai, ngày 02/07/2018 19:00 PM (GMT+7)
Từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ không xây thêm chợ trong khu vực nội thành, thay vào đó, sẽ đầu tư các công trình phụ trợ để phát huy hết hiệu quả mạng lưới chợ hiện có.
Bình luận 0

Trong khi đó, chỉ vài năm nữa, những cửa hàng tiện ích, tạp hóa hiện đại… sẽ thay thế dần hệ thống chợ cóc và các hình thức kinh doanh tự phát khác tại TP.HCM. Địa phương này cũng khuyến khích mở rộng các cửa hàng tiện lợi về vùng nông thôn, ngoại ô TP…

Chương trình này nằm trong “Quy hoạch phát triển ngành thương mại TP.HCM đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” vừa được TP.HCM ban hành. Quy hoạch được đặt ra với mục tiêu xây dựng TP.HCM từng bước thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Theo đó, TP sẽ phát triển 4 lĩnh vực cốt lõi, gồm xuất khẩu, hậu cần (logistics), hội chợ triển lãm và bán buôn, bán lẻ. Riêng trong lĩnh vực bán lẻ được xác định là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên giúp tạo nên vị thế “đầu tàu” cho thương mại TP đối với cả nước.

img

TP.HCM sẽ không xây thêm chợ mới, thay vào đó sẽ phát triển các cửa hàng tiện lợi theo hướng hiện đại. Ảnh: Thuận Hải.

Theo bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công thương TP.HCM, bán buôn và bán lẻ là lĩnh vực hoạt động căn bản, thường xuyên giúp tạo nên vị thế “đầu tàu” cho ngành thương mại TP cũng như cả nước, do đó TP tiếp tục khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, phát triển hệ thống phân phối gắn kết với phát triển du lịch.

Riêng mạng lưới chợ, bà Trang cho biết, TP.HCM sẽ không xây dựng mới trong khu vực nội thành. Thay vào đó, để phát huy hết công suất hoạt động của các chợ hiện hữu, sẽ có các giải pháp hoàn thiện những công trình phụ trợ như bãi xe, nhà vệ sinh, kho hàng… và nâng cấp, sửa chữa cơ sở vật chất - hạ tầng chợ đã xuống cấp.

Đồng thời, tiếp tục cải tiến chất lượng dịch vụ mua bán ở chợ theo hướng đảm bảo an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, nguồn gốc xuất xứ, giá cả rõ ràng để nâng cao sức cạnh tranh với các loại hình phân phối khác; rà soát, xây dựng phương án chuyển đổi công năng một phần hoặc toàn bộ đối với những chợ hoạt động không hiệu quả.

Cùng với đó, TP.HCM chú trọng hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phân phối mở rộng hệ thống điểm bán, sớm hình thành các tập đoàn thương mại tầm cỡ trong khu vực, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển các chuỗi cửa hàng hiện đại, cửa hàng tiện lợi, hoặc chuyên doanh lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu...

Đặc biệt chú trọng phát triển hệ thống cửa hàng tạp hóa hiện đại phục vụ nhu cầu hàng ngày của người dân tại khu vực vùng ven, ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất, các chung cư xây mới để thay thế và đẩy lùi các điểm kinh doanh tự phát.

Dù đưa ra nhiều kế hoạch phát triển mạnh mẽ, nhiều bà con tiểu thương ở TP.HCM lo ngại sẽ mất chỗ kinh doanh buôn bán hằng ngày tại các chợ hoặc sụt giảm doanh số do việc cải tạo chợ truyền thống quá chậm. Trong khi đó, hệ thống các cửa hàng tiện lợi đang mọc lên nhiều như “nấm sau mưa”.

Điển hình cho các vụ việc tiểu thương bức xúc về việc chậm trễ trong cải tạo chợ là ở Chợ An Đông (quận 5, TP.HCM). Sau nhiều năm ý kiến, góp ý thậm chí phải “bãi thị” để tạo sức ép lên chính quyền quận 5, môi trường kinh doanh tại trung tâm thương mại từng thuộc dạng sầm uất nhất TP.HCM này đến nay vẫn chưa được cải thiện nhiều.

img

Cảnh chật chội, nóng bức bên trong chợ An Đông (Quận 5.TP.HCM). Ảnh: Thuận Hải.

Trong buổi trao đổi với ông Võ Tiến Sỹ - Bí thư Quận ủy Q.5, TP.HCM mới đây, tiểu thương Mã Thái Lan (kinh doanh tại chợ An Đông) cho biết, hầu hết các hạng mục sửa chữa chợ đều chậm so với cam kết của chính quyền ít nhất từ 1 - 2 tháng.

Chị Lan cho rằng, các trung tâm thương mại có máy lạnh mát rượi, không gian thoáng đãng, đẹp đẽ trong khi ngay cả người bán hàng ở chợ An Đông mười mấy đời gắn bó cũng không chịu nổi sức nóng trong chợ.

“Sàn nhà thì lỗ chỗ, trời mưa nhẹ một cơn là hàng hóa ướt nhẹp. Khách đến xem hàng vì nóng quá, không thể thở được nên đã nhanh chóng rời đi. Đó là chưa kể các nguy cơ về cháy nổ, chập điện… có thể xảy ra bất cứ lúc nào”, chị Lan cho biết.

Bên cạnh việc chậm cải tạo, nâng cấp, TP.HCM hiện cũng còn nhiều khu chợ dù được xây dựng với số vốn hàng tỷ đồng nhưng lại đang bị bỏ hoang, hoen rỉ, xuống cấp từng ngày. Cụ thể như khu chợ chợ Tân Phú thuộc phường Tân Phú (quận 9, TP.HCM) đã bỏ hoang từ năm 2004 cho đến nay.

img

TP.HCM hiện vẫn còn nhiều khu chợ xây dựng bằng tiền tỷ nhưng lại bị bỏ hoang, chưa được chuyển đổi công năng.

Chợ Tân Phú được xây dựng với kinh phí gần 2 tỷ đồng (thời điểm 2004) nhưng do vị trí chợ không thuận lợi cho giao thương mua bán. Việc thỏa thuận mức phí thuê chợ cũng bị cho là không hợp lý… khiến bà con tiểu thương không muốn vào kinh doanh.

Hay như tại quận BÌnh Tân (TP.HCM), một khu chợ tại phường An Lạc bị bỏ hoang nhiều năm nay nên đã xuống cấp, xập xệ. Các hộ dân sống xung quanh chợ còn gọi đây là “chợ ma” do bên trong không có hoạt động giao thương, mua bán gì.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem