TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển

13/07/2020 21:27 GMT+7
Thời gian qua, TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) đẩy mạnh du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp nông thôn đã tạo được “cú hích” đưa kinh tế TP.Hội An nói chung và các xã vùng ven nói riêng phát triển bền vững.

Đa dạng hóa các loại hình du lịch

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, những năm qua, nhiều dự án quy hoạch làng quê, làng nghề gắn với phát triển du lịch đã và đang được TP.Hội An triển khai nhằm đa dạng hóa các loại hình du lịch dịch vụ, giảm áp lực lên phố cổ, hướng đến chia sẻ nguồn lợi từ du lịch nhiều hơn cho những hộ dân bên ngoài di sản.

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 1.

Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven TP.Hội An phát triển.

TP.Hội An phát triển du lịch sinh thái sẽ tập trung vào chuỗi du lịch cộng đồng gắn với làng nghề, làng quê với những sản phẩm hỗ trợ cho du lịch di sản phố cổ như các làng quê mang dáng dấp truyền thống vùng nông thôn (làng chài bên sông, làng rau, làng biển, làng nghề, làng ven phố); các sản phẩm đặc trưng như du lịch cộng đồng nghỉ tại nhà vườn, nông trại, làng biển, làng chài, làng rau, làng lúa, làng dừa…

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 2.

Việc xây dựng các điểm đến ở nông thôn, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào công tác quản lý, khai thác hưởng lợi, xem đây là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Bên cạnh đó, các xưởng sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ phục vụ du lịch, các vườn hoa cây cảnh, nông sản thực phẩm sạch phục vụ khách du lịch; tham quan, thâm nhập đời sống, phong tục, tập quán dân bản địa, giao lưu trao đổi sinh hoạt văn hóa truyền thống… 

Trong đó, nhiều mô hình du lịch sinh thái đã tạo được điểm nhấn cho địa phương, như làng rau Trà Quế (Cẩm Hà); làng rau hữu cơ Thanh Đông, rừng dừa Bảy Mẫu (Cẩm Thanh), Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm (Tân Hiệp)…đang trở thành điểm đến yêu thích của khách du lịch. 

Theo ông Hùng, muốn phát triển du lịch gắn với nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ thông tin, quảng bá sản phẩm, định hướng xây dựng sản phẩm lưu niệm về du lịch nông nghiệp, từ đó xây dựng thành chuỗi giá trị liên kết, gia tăng giá trị sản xuất nông nghiệp, tạo sản phẩm mới gắn hoạt động du lịch trải nghiệm trong sản xuất nông nghiệp, qua đó nâng cao thu nhập cho người dân. 

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hội An.

Ngoài ra, TP.Hội An cũng đã tạo được cơ chế để thu hút nguồn đầu tư mới, tạo nên sức bật mới từ tiềm năng đã có. Đây đều là những điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chủ nông trại, các hộ dân đầu tư các mô hình du lịch vườn, du lịch sinh thái đồng quê. 

Nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch trong quá trình xây dựng NTM trên địa bàn, TP.Hội An cũng đã xây dựng các kế hoạch về phát triển du lịch gắn với hoạt động phát triển nông nghiệp, nông thôn. 

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 4.

Làng rau Trà Quế, là điểm đến tham quan thú vị với các hoạt động trải nghiệm gắn với sinh hoạt cộng đồng dành cho du khách.

Theo đó, từng địa phương phát triển các loại hình du lịch theo đặc trưng riêng, xây dựng một số mô hình điểm về du lịch nông nghiệp, thường xuyên giao lưu, tổ chức các tour, kết nối các điểm du lịch gắn với trải nghiệm nông nghiệp, ý thức bảo vệ môi trường... triển khai các mô hình du lịch trải nghiệm giáo dục, ẩm thực. 

TP.Hội An cũng đã tổ chức các hội thảo chuyên đề, hội chợ…làm cầu nối để xúc tiến, quảng bá, hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch tại khu vực nông thôn dựa trên lợi thế các hoạt động sản xuất nông nghiệp, đặc trưng văn hóa, sinh thái. 

"Đòn bẩy" xây dựng nông thôn mới 

Ông Hùng cho biết, nhờ tập trung phát triển các mô hình kinh tế du lịch nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), đã tạo được "đòn bẩy" giúp xây dựng NTM ở các xã vùng ven trở thành phong trào thi đua sôi nổi; diện mạo nông thôn đổi thay rõ rệt, cơ sở vật chất, hạ tầng giao thông được đầu tư; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tỷ lệ hộ nghèo giảm; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên đáng kể. 

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 5.

Cơ sở hạ tầng các xã NTM TP.Hội An được đầu tư xây dựng ngày càng hoàn thiện.

Việc xây dựng các điểm đến ở nông thôn, phát triển các sản phẩm du lịch cộng đồng, thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư vào công tác quản lý, khai thác hưởng lợi, xem đây là điểm nhấn để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, góp phần quan trọng trong chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM của TP.

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 6.

Từ năm 2017-2019, TP.Hội An có 8 thôn đăng ký xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu.

Sau 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Hội An đã có 3/4 xã được công nhận xã đạt chuẩn NTM (gồm: Cẩm Thanh, Cẩm Hà, Tân Hiệp, còn xã Cẩm Kim cơ bản đã đạt 19/19 tiêu chí, hiện đang làm hồ sơ trình tỉnh xét công nhận xã NTM). 

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 7.

Hạ tầng các xã vùng ven được đầu tư đồng bộ, nhất là trường học, đường giao thông.

Về kết quả xây dựng Khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, từ năm 2017-2019, TP.Hội An có 8 thôn đăng ký xây dựng Khu dân cư NTM kiểu mẫu. Xã Cẩm Thanh: 3 thôn (thôn Thanh Nhì năm 2017, thôn Thanh Tam và thôn Thanh Đông năm 2019); xã Cẩm Hà: thôn Trảng Suối; xã Cẩm Kim 3 thôn (thôn Trung Hà năm 2017, thôn Đông Hà và thôn Phước Trung năm 2019); xã Tân Hiệp: thôn Bãi Hương năm 2017 (đã được công nhận Khu dân cư NTM kiểu mẫu cuối năm 2018, nhưng năm 2019 không giữ được danh hiệu Khu dân cư NTM kiểu mẫu do không đạt thôn văn hóa).

TP.Hội An: Du lịch sinh thái “đòn bẩy” thúc đẩy kinh tế các xã vùng ven phát triển - Ảnh 8.

Năm 2020 này, toàn TP.Hội An có 14 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP.

Thực hiện Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP), TP.Hội An (tỉnh Quảng Nam) đã có 7 sản phẩm được UBND tỉnh Quảng Nam công nhận đạt chuẩn OCOP. Các sản phẩm được công nhận 4 sao OCOP gồm: Trà rừng Cù Lao Chàm, Đèn lồng Dé lantana và Tương ớt mè Daichi Foods (của công ty Đại chí Foods). Các sản phẩm được công nhận 3 sao gồm: Đĩa Chùa Cầu, nước mắm Nhĩ truyền thống Tư Tài, sợi mì Cao Lầu Tô Văn Bình, bánh đậu xanh Nguyễn Thị Bông.

"Năm 2020 này, toàn TP.Hội An có 14 sản phẩm đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, có 7 sản phẩm mới, lần đầu tham gia Chương trình OCOP, như: Bộ trà Hieal Organic Farm, nước nha đam đậu biếc, tinh dầu tràm, dầu gội thảo mộc, rau Thanh Đông, du lịch dừa nước Cẩm Thanh và du lịch làng gốm Thanh Hà. Ngoài ra, có các sản phẩm OCOP năm 2019 tiếp tục tham gia chương trình để nâng hạng sao". Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó chủ tịch UBND TP.Hội An cho hay.

Trần Hậu - Đại Nghĩa
Cùng chuyên mục