TQ: Nhiều đê ở Giang Tây có thể vỡ bất cứ lúc nào

Vương Nam – Hoàn Cầu Thứ ba, ngày 14/07/2020 00:25 AM (GMT+7)
Mực nước trong hồ Phiên Dương – hồ nước lớn thứ 2 Trung Quốc – vẫn đang tiếp tục dâng cao do lũ sông Dương Tử chảy ngược vào. Hàng nghìn binh sĩ và người dân đang hộ đê ở Giang Tây, đặc biệt là ở huyện Phiên Dương đã nhận được cảnh báo về thảm họa tiềm tàng.
Bình luận 0

img

Vá đê ở Giang Tây đang được gấp rút tiến hành trước khi những đợt mưa tiếp theo xuất hiện (ảnh: Xinhua)

Hàng nghìn binh sĩ và cảnh sát đã được tỉnh Giang Tây điều động về Phiên Dương để vá đê, hộ đê và bảo vệ những con đê chặn nước sông Dương Tử khỏi rủi ro bị vỡ.

Sự an toàn của những con đê tại Phiên Dương đang khiến cả nước lo ngại, theo Thời báo Hoàn Cầu.

Những binh sĩ không hề tỏ ra sợ hãi trước nguy cơ vỡ đê. Họ tự tin có thể ngăn được thảm họa.

“Đã đến lúc những người lính như chúng tôi lấy thân mình chắn lũ”, một binh sĩ nói.

Những con đê ở Phiên Dương phần lớn được đắp bằng đất và chưa được bảo trì, quan tâm đúng mức. Việc ngâm nước lũ lâu ngày có thể khiến một số con đê mỏng yếu bị vỡ bất cứ lúc nào.

Cách Phiên Dương khoảng 150 km, hàng nghìn người đang hối hả đổ về Cửu Giang, Giang Tây để hộ đê sau một thông báo của chính quyền địa phương kêu gọi mọi người quay về quê hương cứu nguy. Đến tối ngày 12.7, có khoảng 3.000 người đã trở về Cửu Giang.

img

 Người dân ở Cửu Giang, Giang Tây di dời bằng thuyền (ảnh: Xinhua)

Cùng với mối lo vỡ đê ở Giang Tây, người dân Trung Quốc cũng đang theo dõi sát sao tình hình ở đập Tam Hiệp. Không ít người đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có phải đối mặt với trận “đại hồng thủy” như năm 1998 trong mùa lũ năm nay hay không.

Các chuyên gia cho rằng, việc phát triển kinh tế quá nhanh đã khiến Trung Quốc dễ bị lũ lụt hơn. Tuy nhiên, dự án đập Tam Hiệp đã khiến cho mùa lũ trên sông Dương Tử an toàn hơn nhiều.

Các chuyên gia cũng bày tỏ lạc quan về những tiến bộ đạt được trong hậu cần, công nghệ có thể giúp Trung Quốc vượt qua mùa lũ lịch sử với tác động tối thiểu.

Tỉnh Giang Tây đã được đặt trong “tình trạng” thời chiến và nâng phản ứng với mưa lũ lên mức cao nhất sau khi mực nước ở hồ Phiên Dương vượt kỷ lục năm 1998 và xảy ra sự cố vỡ hàng loạt đê.

Wang Zhonghua – một quan chức ở Phiên Dương – nói với Thời báo Hoàn Cầu rằng, các trưởng làng và đảng viên phải túc trực bên bờ hồ và một số con đê có nguy cơ bị vỡ để kịp thời cảnh báo cho người dân.

“Chúng tôi đang cố gắng vá đê, nâng mặt đê bằng những cao cát và đất đá, nhưng mực nước thì vẫn tiếp tục dâng cao. Những hộ gia đình sống gần đê nhất đều đã được sơ tán và nguồn cung thiết yếu được chuẩn bị đầy đủ”, ông Wang nói.

img

 Một ngôi làng ở Phiên Dương bị nhấn chìm trong nước lũ (ảnh: Xinhua)

“Chúng tôi phải kiểm tra liên tục các điểm xung yếu và những vết nứt ở các con đê và nhanh chóng khắc phục”, Xia Shiwei – một quan chức ở Phiên Dương nói.

Ông Xia nói rằng mực nước trên các con sông và hồ nước ở Phiên Dương có thể sẽ vượt ngưỡng cảnh báo nguy hiểm trong một tháng tới trong bối cảnh mưa lớn tại Giang Tây và các tỉnh khác làm nước lũ thoát chậm hơn bình thường.

Ngoài Giang Tây, Hồ Bắc cũng đang chứng kiến tình trạng lũ lụt tồi tệ trong vài tuần qua. Việc rà soát lại đê điều đang được người dân và chính quyền địa phương ở Hồ Bắc rất quan tâm.

Trên sông Dương Tử, mùa mưa và mùa lũ thường đến cùng vào thời điểm từ tháng 7 – 8. Mới đầu mùa lũ mà tình trạng thời tiết đã diễn biến đáng lo ngại, khiến không ít người tự đặt câu hỏi liệu trận lũ lịch sử năm 1998 có lặp lại lần nữa?

Giới chuyên gia trấn an rằng với đập Tam Hiệp, một thảm họa quy mô khiến hơn 4.000 người chết như “đại hồng thủy” năm 1998 sẽ không lặp lại, ít nhất là ở dòng chính sông Dương Tử.

Zhang Boting – chuyên gia từ Hiệp hội Kỹ thuật Thủy điện Trung Quốc – cho rằng, đập Tam Hiệp sẽ luôn duy trì mực nước trên dòng chính của sông Dương Tử ở mức thấp bằng cách tích nước trong hồ chứa. Trong khi đó, hồ Phiên Dương và một số hồ chứa khác vẫn có thể xả nước vào sông Dương Tử.

“Lũ trên sông Dương Tử đã an toàn hơn rất nhiều nhờ đập Tam Hiệp”, ông Zhang nhận xét.

Gao Jianguo – chuyên gia từ Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc – cho rằng, mặc dù đập Tam Hiệp có thể kiểm soát được lũ trên sông Dương Tử nhưng khu vực hạ lưu vẫn phải đối mặt với ngập lụt nghiêm trọng.

Mấy ngày gần đây, nước lũ sông Dương Tử cao đến mức chảy ngược vào hồ Phiên Dương. Trong đợt lũ số 1 của sông Dương Tử, đập Tam Hiệp phải xả lũ tới 2 lần.

So với năm 1998, sự phát triển của các công trình dọc theo sông Dương Tử đồng nghĩa với lũ lụt trên cùng một quy mô có thể gây thiệt hại kinh tế gấp 10 lần.

img

Thời điểm khó khăn nhất với đập Tam Hiệp còn chưa đến, theo chuyên gia (ảnh: Xinhua)

“Trung Quốc hiện đã có nhiều thiết bị để dự báo chính xác hơn về tình hình mưa lũ. Điều này là rất quan trọng trong việc ngăn chặn thảm họa như năm 1998 và di dời người dân tránh trú”, ông Gao nói.

Máy bay không người lái đã được Giang Tây sử dụng để theo dõi lũ lụt và tình hình các con đê, theo Thời báo Hoàn cầu.

Một người dân ở làng Nanlin, Phiên Dương nói rằng, hồi năm 1998, hầu hết mọi người đều sống trong nhà gỗ, thấp và khó tìm đường thoát khi nước lũ ập tới. Nhưng giờ đây, hầu hết các gia đình đều sống trong nhà kiên cố 2 – 3 tầng. Nếu tầng 1, thậm chí là tầng 2 có ngập lụt thì vẫn có thể trèo lên tầng 3 chờ cứu hộ.

Việc truyền thông và các mạng xã hội bùng nổ như hiện nay cũng giúp người dân dễ tiếp cận thông tin mưa lũ hơn và có phương án tự bảo vệ bản thân trước thiên tai.

Các chuyên gia cho rằng, lượng mưa lớn bất thường trong năm nay ở sông Dương Tử không chỉ là thử thách lớn nhất đối với đập Tam Hiệp kể từ khi hoạt động mà còn là thử nghiệm cho toàn bộ hệ thống ứng phó thảm họa của Trung Quốc.

“Thời điểm mưa lũ cao điểm ở Trung Quốc là vào cuối tháng 7, đầu tháng 8. Thách thức lớn nhất đối với đập Tam Hiệp còn chưa đến”, ông Gao nói.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem