Trả cho cộng đồng những gì thuộc cộng đồng

Thứ sáu, ngày 19/04/2013 07:18 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Giỗ Tổ Hùng Vương 2013 đánh dấu một mốc quan trọng khi Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. PGS - TS Nguyễn Chí Bền - Trưởng ban Xây dựng hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO cung cấp nhiều thông tin thú vị về tín ngưỡng này.
Bình luận 0
img
 

Thưa ông, được biết nhiều nước trên thế giới cũng có tập tục thờ cúng tổ tiên, vậy Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người Việt có điều gì thực sự khác biệt để được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại?

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên không chỉ có ở Việt Nam mà còn có ở nhiều nước khác như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc... Ở Việt Nam, nếu trong gia tộc thờ cúng tổ tiên, ông cha mình, thì ở tầm quốc gia, người Việt thờ cúng Hùng Vương.

Hùng Vương là vị vua gắn với Nhà nước Văn Lang huyền thoại, thành thủy tổ của dân tộc. Các vương triều, các làng xã thờ cúng Hùng Vương như một Thánh vương thiêng liêng.

Tín ngưỡng này phát triển rộng khắp đất nước, người Việt đi đến đâu thì mang tín ngưỡng thờ thủy tổ đến đấy, kể cả sang nước ngoài. Có thể nói, từ một niềm tin tín ngưỡng, tục thờ cúng tổ tiên của người Việt đã trở thành đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt, thể hiện tinh thần tôn trọng quá khứ, biết ơn quá khứ là điều mà thế giới đang cần. Đó chính là lý do vì sao Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương được UNESCO vinh danh vào cuối năm 2012 vừa qua.

Các triều đại phong kiến, từ nhà Lê đến Nguyễn, xuất phát từ nhu cầu quy tụ lòng người, cố kết cộng đồng quốc gia dân tộc mà triều đình phong kiến đã có sắc phong cho các đình, đền thờ Hùng Vương, thực hành nghi lễ thờ cúng Hùng Vương từ quy mô làng xã của một tỉnh thành quốc giỗ với nghi thức quốc gia. Chúng ta có thể học được gì từ những chuyện trong sử sách để áp dụng hiện nay?

- Nhà Lê sau khi đánh đuổi giặc Minh xâm lược đã chú trọng thờ cúng Hùng Vương. Triều đình cho biên soạn ngọc phả và thờ cúng Hùng Vương. Như vậy, ít nhất, tín ngưỡng này đã phát triển qua hơn 600 năm, trải dài từ nhà Lê qua nhà Lê –Mạc, nhà Lê-Trịnh, nhà Nguyễn Tây Sơn cho đến nhà Nguyễn Gia Long và đến thời chúng ta hiện nay.

Suốt thời gian ấy, các triều đại đã ban sắc phong cho các làng thờ cúng Hùng Vương, cấp đất cho các làng xung quanh núi Nghĩa Lĩnh để lấy hoa lợi phục vụ việc thờ cúng cũng như phân cấp năm chẵn thì quan Bộ Lễ, năm lẻ thì quan đầu tỉnh về làm chủ tế, phân định lễ vật cho các làng dâng lên Hùng Vương...

Theo tôi, chúng ta có thể học được từ lịch sử nhiều bài học quý mà quan trọng nhất là triều đình phong kiến đã tạo điều kiện cho cộng đồng thờ cúng Hùng Vương thông qua việc cấp ruộng đất, chỉ định các làng dâng lễ vật...

img
Người dân các làng, xã ở TP. Việt Trì tham gia gói bánh chưng, bánh dày dâng các Vua Hùng trong dịp Giỗ Tổ.

Theo nghiên cứu của ông, những nghi thức thờ cúng Vua Hùng trong sử sách và cho đến ngày hôm nay có điều gì khác biệt không thưa ông? Có điều gì mà người thời hiện đại đã thay đổi hoặc bỏ đi không? Có tập tục nào đã bị mai một mà đến nay chúng ta đang phải khôi phục?

- Kể từ khi bắt tay vào những công việc cụ thể của việc xây dựng bộ hồ sơ quốc gia đệ trình UNESCO vinh danh Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, chúng tôi mới nhận ra một thực trạng là từ thời nhà Nguyễn, trọng tâm của nghi thức thờ cúng đã dồn hết về núi Nghĩa Lĩnh với 3 ngôi đền Hạ, Trung và Thượng thông qua việc đầu tư cơ sở vật chất, còn việc thờ cúng ở các làng xung quanh đó đã không được chú trọng.

Trong số di tích thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ có tới 20% công trình đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Chính điều này đã dẫn đến việc rất nhiều tục lệ thờ cúng Vua Hùng rất có ý nghĩa bị bỏ qua, lãng quên, chẳng hạn như ở làng He có tục sau khi tiễn ông Táo về trời vào 23 tháng Chạp thì ngày 24 là lễ rước Vua Hùng về ăn tết, mùng 8 tháng Giêng có lễ tiễn công chúa đi lấy chồng. Những tập tục này hầu như bị bỏ qua mà chỉ tập trung vào nghi thức thờ cúng ở đền Hùng.

Tôi xin khẳng định đây là một sai lầm, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ có ở khu vực đền Hùng mà còn có ở rất nhiều ngôi làng xung quanh đó như làng He, làng Vi, làng Trẹo... Người dân ở đó phải là chủ thể của lễ hội chứ, tại sao lại gạt họ ra ngoài để biến họ thành khán giả? Tín ngưỡng và rất nhiều phong tục tập quán thờ Vua Hùng đang còn tồn tại rất nhiều ở 120 làng ở Phú Thọ cũng như trên cả nước, có rất nhiều vùng ngoại vi, phải chú ý khôi phục những tục lệ đó.

Gần 1.500 đền thờ

PGS - TS Nguyễn Chí Bền cho biết, theo thống kê của Cục Văn hóa cơ sở vào năm 2008, cả nước có 1.471 đền thờ Hùng Vương, vợ con, tướng lĩnh của Hùng Vương. Đối với danh xưng Hùng Vương, có nhiều đền nêu danh xưng là Ất Sơn Thánh Vương, Đột Ngột Cao Sơn Thánh Vương, Viễn Sơn Thánh Vương... thể hiện thờ cúng Hùng Vương trên nền tín ngưỡng thờ thần núi. Về khác biệt lớn nhất ở Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, theo ông Bền, là chỉ riêng ở vùng đất Tổ (Phú Thọ) mới có đầy đủ cả nghi thức thờ cúng và lễ hội, còn ở những nơi khác chỉ có phần nghi thức thờ cúng, không có lễ hội.

Sau khi được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có đang phải đối mặt với nguy cơ gì? Chẳng hạn, trong nhiều hội thảo, nhiều chuyên gia đã lên tiếng lo lắng về việc “nhà nước hóa” nghi thức giỗ Tổ...

- Sau khi được vinh danh, việc bảo tồn tín ngưỡng có nhiều điểm thuận lợi bởi vì trong dòng máu mỗi người dân Việt Nam đều coi việc thờ cúng tổ tiên ở gia tộc và thờ cúng Hùng Vương như vị thủy tổ của dân tộc là những tín ngưỡng linh thiêng.

Đó là truyền thống rất tốt đẹp. Hiện nay, một khó khăn là rất nhiều thiết chế văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng đang xuống cấp, ví dụ như tôi đã nói ở trên là tại Phú Thọ có tới 20% công trình bị hư hỏng, xuống cấp. Về nguy cơ “nhà nước hóa” thì cũng phải phân định, việc có dấu ấn của Nhà nước trong tín ngưỡng là do đặc điểm lịch sử của đất nước ta.

Hơn 600 năm trước, triều đình phong kiến cũng đã tham gia vào thờ cúng Hùng Vương rồi. Hiện tại, có những việc mà không có sự tham gia của Nhà nước thì không được, như an ninh trật tự, giao thông, vệ sinh môi trường của lễ hội... Tuy nhiên có những phần việc mà Nhà nước không nên can thiệp quá sâu, cái gì thuộc về cộng đồng thì để cộng đồng làm, đừng biến chủ thể lễ hội thành khán giả.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để giữ gìn di sản là cộng đồng phải được tiếp cận với thông tin đầy đủ để họ nhận thức được giá trị di sản của họ, giúp họ duy trì thực hành. Việc này theo ông cần giải quyết bằng cách nào?

Hiện nay, khó khăn lớn nhất là những người gìn giữ các nghi thức thờ cúng Hùng Vương có những bí quyết như bí quyết chọn hạt gạo nếp thế nào để gói bánh chưng cho ngon, làm thế nào giã bánh giày cho dẻo... ngày một lớn tuổi, dần dần mất đi.

Việc ghi chép lại, văn bản hóa những tập tục, nghi lễ thờ cúng để trao truyền cho các thế hệ kế tiếp đang gặp nhiều khó khăn. Một khó khăn khác nữa là việc giáo dục tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương rất khó đưa vào trường học, chúng ta không thể bắt buộc thế hệ trẻ phải học, bởi vì đã có pháp lệnh tôn giáo và tín ngưỡng rồi, quy định người dân hoàn toàn được tự do tín ngưỡng.

Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem