Trai dân tộc Mông chọn vợ qua cách xe lanh, đưa thoi, dệt vải

Hà Hoàng Thứ hai, ngày 08/10/2018 06:30 AM (GMT+7)
Dệt vải lanh là nghề thủ công truyền thống nức tiếng đã gắn bó lâu đời với đồng bào dân tộc Mông ở xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La. Những phụ nữ Mông ngồi se lanh, dệt vải lanh trước hiên nhà, với những tiếng thoi đưa lách cách là hình ảnh đã trở thành nét độc đáo tượng trưng cho sự cần cù, khéo léo của phái yếu ở nơi biên giới.
Bình luận 0

Trong những ngày thu, chúng tôi có dịp trở lại xã Chiềng Tương, một xã vùng cao biên giới đặc biệt khó khăn của huyện Yên Châu. Nơi đây có 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Có tập quán sinh sống chủ yếu trên vùng núi cao, hiểm trở nên bà con dân tộc Mông có cuộc sống tự cung tự cấp là chủ yếu. Trải qua quá trình lịch sự lâu dài bà con dân tộc Mông đã hình thành nhiều nghề mưu sinh và phục vụ những nhu cầu của cuộc sống thường ngày.

img

Cây lanh được bà con dân tộc Mông trồng trên các triền núi vào tháng 2 - 3 âm lịch.

Ngoài việc làm nương rẫy và chăn nuôi, thì người Mông ở  xã Chiềng Tương còn có một số nghề thủ công truyền thống dùng cây lanh, sợi lanh để dệt vải. Theo các già làng, nghề dệt vải lanh truyền thống đã có từ lâu đời và được truyền qua nhiều thế hệ. Bất kể người phụ nữ Mông nào khi đến tuổi trưởng thành cũng đều biết se lanh thành sợi, để dệt vải phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt gia đình hàng ngày. Việc dệt vải lanh thể hiện sự khéo léo chăm chỉ, đó là một trong những tiêu chí đánh giá tài năng  phẩm chất  và đức tính cần cù của người phụ nữ. Đó cũng chính là một trong những tiêu chí chọn vợ của các chàng trai dân tộc Mông lúc bấy giờ.

img

Các sợi lanh được cho vào khung quay và cuốn chúng lại thành từng cuộn nhỏ để dệt vải.

Đồng bào dân tộc Mông thường trồng cây lanh trên các sườn núi vào tháng 2 hoặc tháng 3 âm lịch, với thời gian sinh trưởng khoảng 4 tháng thì cho thu hoạch được. Khi thu hoạch bà con dân tộc Mông chặt cả cây mang về để vài ngày cho héo, sau đó tước lấy vỏ. Vỏ cây lanh được tước thành từng sợi nhỏ và nối với nhau một cách khéo léo để không tạo thành mấu ở chỗ nối. Đây là khâu rất quan trọng, đòi hỏi người tước phải khéo léo, nhẹ nhàng, kiên trì, nhẫn nại... Những hình ảnh người phụ nữ Mông tranh thủ tước và nối các sợi lanh kể cả lúc trên đường hoặc từ nhà lên nương và từ nương về nhà hay trên đường đi chợ, đã trở nên quen thuộc đối với ai đã từng đặt chân đến với bản người Mông ở vùng cao biên giới.

img

Đối với đồng bào Mông nghề xe lanh, dệt vải đã đi sâu và tiềm thức của mỗi người, trở thành một biểu tượng không thể thiếu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày.

Chị Sồng Thị Súa, Bản Pha Kha 2, xã Chiềng Tương, Yên Châu cho hay: “Trước kia, tôi được mẹ dạy cách se lanh, dệt vải lanh từ lúc 12 tuổi, lúc đầu tôi cũng rất vụng về và gặp rất nhiều khó khăn. Để có tấm vải lanh đẹp và ưng ý, tôi phải se lanh, sau đó nối các sợi với nhau. Bước tiếp theo, tôi mắc các sợi lanh vào khung quay và cuốn chúng lại thành từng cuộn nhỏ. Sau đó, đem vải luộc với nước tro rồi mang đi giặt, đập đến khi sợi lanh có màu trắng và được mang đi phơi. Khi sợi khô lúc đó việc dệt vải mới được bắt đầu”.

img

Chị Súa (ở giữa) đang dạy 2 đứa con gái se lanh, dệt vải, để gìn giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc Mông.

Bằng đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc Mông đã làm nên khung cửi dệt vải lanh truyền thống rất đơn giản, chỉ có hai thanh gỗ với khoảng cách 13 cm x 13 cm, dài hơn 60 cm đặt cách xa nhau khoảng 50 cm. Giữa hai thanh gỗ đó có bốn thanh ngang nhỏ hơn ghép vào hai thanh đứng tạo thành khung cửi, được làm từ những thanh tre, thanh gỗ. Con thoi để dệt khá to, khi dệt người phụ nữ thường hay đặt khung cửi ngoài hiên nhà để có đủ ánh sáng và thoáng mát tiện lợi cho việc thêu thùa dệt vải, người dệt ngồi trên chiếc tấm ván bằng gỗ rất đơn giản.

img

Những hình ảnh người phụ nữ dân tộc Mông ngồi se lanh, dệt vải trước hiên nhà đã trở thành thói quen trong cuộc sống hàng ngày ở vùng biên giới.

img

Khung cửi được đồng bào Mông đặt trước hiên nhà, để đảm bảo đầy đủ ánh sáng, thoáng mát cho việc dệt vải.

Ông Thào Lao Giống, Phó Chủ tịch UBND xã Chiềng Tương, huyện Yên Châu cho biết: “Ngày nay, nghề dệt lanh truyền thống của đồng bào Mông ít phát triển hơn. Bởi các loại vải sợi bông được sản xuất với giá rẻ, có nhiều kiểu dáng mẫu mã  phong phú và hiện đại hơn, nên việc dùng vải lanh cũng giảm đi nhiều. Dù vậy, ở xã Chiềng Tương vẫn còn rất nhiều gia đình duy trì nghề dệt lanh như là một nét văn hóa truyền thống của dân tộc, tuy không được thường xuyên như trước. Đối với đồng bào dân tộc Mông vùng biên giới xã Chiềng Tương chúng tôi, nghề dệt vải lanh truyền thống này là một niềm tự hào là bản sắc văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và gìn giữ phát huy giá trị trong cuộc sống trong tương lai”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem