dd/mm/yyyy

Trai Mường cho trắm đen vào nuôi trong lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm”

Mỗi một con cá trắm đen đạt trọng lượng 10kg, anh Nguyễn Xuân Sang ở xóm Nai (xã Thung Nai, huyện Cao Phong, tỉnh Hoà Bình) thu bán được 2 triệu đồng. Nhờ chuyển sang nuôi cá lồng cuộc sống của gia đình anh Sang đã dư giả. Anh xây được nhà cửa khang trang và sắm được ô tô, khiến nhiều người nể phục.

Anh Sang sinh ra và lớn lên tại xóm Nai, xã Thung Nai, vùng đất sinh sống bao đời của bà con người Mường. Giống như các cụ thân sinh, anh lớn lên với những thửa ruộng bậc thang tạc vào vách núi. Ngày ngày lên nương trồng ngô, trồng sắn, bao năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời mà cuộc sống vẫn khó hoàn khó. 

Ước mơ có được cuộc sống đủ đầy với gia đình anh luôn cháy bỏng hơn bao giờ hết. Từ khi thủy điện Hòa Bình tích nước, cũng là lúc những chân ruộng tốt nhất của bà con người Mường ven sông Đà bị đánh ngập. Bà con phải di dân lên vùng đất cao hơn, gia đình anh Sang cũng vậy. 

Cuộc sống của bà con người Mường vốn quen với sông, với suối, chứ ít ai nghĩ được tìm ra cách gì để sống với cái lòng hồ mênh mông biển nước đó. Cách đây khoảng 20 năm, nhiều người cũng đã kỳ công đóng bè xuống hồ nuôi cá lồng, nhưng ít người thành công.

Trai Mường nuôi cá lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm” - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Xuân Sang thiết kế lồng nuôi cá chắc chắn, để phát triển kinh tế gia đình.

Anh Sang lớn lên trong những ngày dịch chuyển khốn khó đó, anh hiểu được nỗi vất vả mà bao năm qua, gia đình anh cũng phải vật lộn để kiếm sống. Cách đây 3 năm, nhận được chương trình hỗ trợ nuôi cá lồng từ tỉnh Hòa Bình, anh cũng mạnh dạn đầu tư vốn nuôi cá lồng.

Những ngày đầu kết bè, nối lưới để khởi nghiệp trên mặt hồ nước mênh mông, anh cũng lo lắm. Anh vốn quen tay cuốc, tay cày, chứ đã nuôi cá bao giờ đâu. Bỡ ngỡ ban đầu rồi cũng qua, trước khi thả cá, anh cũng đã đi thăm nhiều bè cá khác để học hỏi kinh nghiệm. Anh đã chọn 2 giống cá đang bán chạy nhất để nuôi là cá trắm đen và cá lăng. Nhờ vậy mà cuộc sống của gia đình anh Sang đã khá giả và có của ăn để. Giữa không gian mênh mông của miền sơn cước Thung Nai cá trắm đen, khu nuôi cá của anh Sang tựa như một khu gia trại. Một ngôi nhà nổi được dựng chắc chắn, xung quanh là 20 lồng cá được cột chặt vào nhau.

Trai Mường nuôi cá lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm” - Ảnh 2.

Hàng ngày anh Sang đều xuống bè nuôi cá lồng để theo dõi quá trình phát triển của chúng.

Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Văn Sang cho biết: Tôi thiết kế mỗi lồng cá rộng 25 m2, tôi thả 300 - 400 con/lồng. Tôi chủ yếu cho cá trắm đen ăn cá tép, cá mương xay nhuyễn trộn đều với cám ngô, sắn. Để có đủ nguồn thức ăn cho đàn cá, tôi đầu tư vốn làm 3 cái vó bắt cá mương và cá tép. Ngoài ra tôi còn chủ động mua cá tép của người dân ở ven sông Đà, sau đó nhốt riêng vào lồng để làm thức ăn dự trữ cho đàn cá nuôi trong lồng. 

Từ khi nuôi cá trắm đen, tôi nói không với thức ăn cám công nghiệp và thuốc tăng trọng. Trong quá trình chăm sóc tôi thường xuyên quan sát lượng thức ăn thừa thiếu trong các lồng, để điều chỉnh tăng giảm lượng thức ăn cho phù hợp.

Trai Mường nuôi cá lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm” - Ảnh 3.

Để có thời gian chăm sóc đàn cá trắm đen, anh Sang phải thuê thêm người phụ giúp theo thời vụ.

Khu bè cá của anh Sang nằm sát xóm Nai. Các bè cá được cột chặt lại với nhau, tạo thành khu nhà nổi chắc chắn. Anh Sang nhẹ nhàng đi trên bè với đám ngô đã được ngâm lâu trong thùng ném xuống hồ cho đàn cá ăn. Vừa thấy bóng anh, đám cá ở dưới đáy lồng bỗng lao lên mặt nước vùng vẫy, tranh nhau từng hạt ngô. Đám trắm đen lưng có mình dài gần mét lượn lờ như những chiếc "tàu ngầm".

Nhìn con nào con nấy rất khỏe, chúng ăn hết lớp ngô này đến lớp khác mà vẫn cứ nhô lên mặt nước đợi chủ cho ăn tiếp. Anh Sang nhìn đàn cá thỏa sức bơi lội mà lòng tràn đầy niềm vui sướng: Đang là mùa nước dâng, nên tôi không dám cho cá ăn nhiều. Nếu nó ăn quá no sẽ chết. Nuôi loại cá này không giống như các loại cá khác, nên phải rất tinh tế trong chăm sóc, đặc biệt là khâu cho cá ăn.

Trai Mường nuôi cá lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm” - Ảnh 4.

Tại bè nuôi cá lồng của anh Sang có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm”.

Theo anh Nguyễn Văn Sang, nuôi cá trắm đen đạt trên 7kg là anh bán với giá 200.000 đồng/kg. Thường thì cá đạt trọng lượng trên 10kg anh mới bán. Như vậy mỗi con cá thu được trên 2 triệu đồng. Trong mỗi lồng cá, anh Sang thả khoảng 400 con. Cá trắm đen bán giá cao nhưng chẳng bao giờ anh có đủ cá để bán, vì cá được nuôi bằng nguồn thức ăn tự nhiên như sắn, ngô và cá tép nên thịt của chúng rất thơm ngon. Ai đã từng được thưởng thức cá từ bè của anh Sang, ăn một lần là nhớ mãi.

Nhiều khách hàng đến mua cá ở bè anh Sang biết giá cả có cao hơn rất nhiều so với ngoài chợ nhưng họ vẫn tìm mua cho bằng được. Nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, rất nhiều người tiêu dùng và thương lái đến bè nuôi cá của anh thu mua. Vì vậy, đầu ra cho sản phẩm của gia đình anh luôn ổn định.

Trai Mường nuôi cá lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm” - Ảnh 6.

Khi đàn cá nuôi tại lồng bè bị mắc bệnh ghẻ, đầy bụng và có dấu hiệu bất thường, anh Sang dùng lá xoan ngâm trong lồng để chữa bệnh ghẻ cho cá.

Trong số 20 lồng nuôi cá, anh Sang có 6 lồng nuôi cá trắm đen, 6 lồng nuôi cá lăng còn lại là cá rô, chép và cá trê. Trong các loại cá anh Sang nuôi, anh tâm đắc nhất là cá trắm đen. Giống này ít bệnh, ăn khỏe lại lớn nhanh. Hơn nữa, nó luôn là mặt hàng được săn lùng nhiều nhất vào mỗi dịp Tết Nguyên Đán.

Trai Mường nuôi cá lồng, có con dài cả mét lượn lờ như “tàu ngầm” - Ảnh 7.

Nuôi cá từ năm 2017 đến nay, anh Sang đã kiên trì với cách nuôi cá hoàn toàn tự nhiên. Bè nuôi cá của anh chưa năm nào bị thất thu. Nhiều năm qua, bè cá của anh luôn là địa chỉ tin cậy của nhiều thực khách đến tham quan và mua cá.

Không chỉ có cá trắm đen mà các lồng cá lăng, chép, trê và rô phi đơn tính đều được anh Sang cho ăn bằng nguồn thức ăn tự nhiên: Ngô, sắn trồng trên đồi, cá tép bắt ngoài hồ sông Đà. Do anh chủ động được nguồn thức ăn nên cá rất ít bệnh lại tiết kiệm được chi phí. Chúng có lớn chậm hơn so với việc cho cá ăn thức ăn công nghiệp, nhưng bù lại anh luôn bán được giá cao gấp 2 lần – 3 lần. Nhờ nuôi cá lồng cuộc sống của gia đình anh Sang đã có của ăn của để. Anh đã xây được nhà cửa khang trang và sắm được ô tô. Bình quân 1 năm anh Sang lãi gần 1 tỷ đồng từ việc nuôi cá trắm đen và cá lăng.


Hà Hoàng