dd/mm/yyyy

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu

Những năm qua, huyện Mộc Châu (Sơn La) tích cực vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển cây ăn quả trên đất dốc; nông sản sạch...

Clip: Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu

Cây ăn quả đem lại thu nhập cao cho người nông dân Mộc Châu

Vừa dẫn chúng tôi thăm vườn cây ăn quả, ông Nguyễn Văn Lâm, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) vừa tâm sự: Chiềng Hắc là một trong những địa phương có nhiều tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. Nhận thấy tiềm năng và lợi thế, nhiều năm trở lại đây nhiều hộ gia đình trong xã đã tập chung chuyển đổi cây trồng vật nuôi, trong đó đặc biệt phát triển các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Với diện tích 6.000m2 đất, gia đình ông tiến hành trồng trên 500 trụ thanh long ruột đỏ, chăm sóc đúng quy trình, thực hiện khắt khe các bước chăm bón... Nhờ vậy toàn bộ sản phẩm thanh long của gia đình ông Lâm được các thương lái đến tận vườn thu mua.

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 2.

ông Nguyễn Văn Lâm, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) chăm sóc vườn thanh long của gia đình. (Ảnh: Văn Ngọc)

"Trước đây, gia đình tôi cũng như nhiều hộ gia đình khác trong bản chỉ trồng cây ngô, cây sắn trên nương. Sau khi được đi học hỏi nhiều mô hình trồng cây ăn quả cho thu nhập cao, được địa phương tuyên truyền, gia đình đã mạnh dạn chuyển sang trồng thanh long ruột đỏ xuất khẩu. Năm vừa rồi gia đình tôi thu về khoảng 15 tấn quả, được thương lái thu mua toàn bộ với giá từ 12.000 -15.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình thu về trên 150 triệu đồng. Gia đình sản xuất an toàn nên yên tâm về đầu ra", ông Lâm nói.

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 3.

Từ việc trồng thanh long, gia đình ông Nguyễn Văn Lâm, bản Tà Niết, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) có thu nhập ổn định. (Ảnh: Văn Ngọc)

Còn đối với gia đình gia đình anh Nguyễn Thành Luân, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu (Sơn La) là một trong những hộ tiên phong trong việc trồng cây na Thái vùng này. Năm 2015, gia đình anh đã chuyển đổi gần 1 ha diện tích đất của gia đình sang trồng trên 400 gốc cây na Thái. Sau 2 năm trồng thử nghiệm, nhận thấy giống na này dễ trồng và chăm sóc nên năm 2017, gia đình anh Luân tiếp tục mở rộng thêm 1ha. Đến nay, vườn na của gia đình anh cho thu hoạch với sản lượng đạt trên 10 tấn, mang về nguồn thu hơn 500 triệu đồng mỗi năm.

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 4.

Anh Nguyễn Thành Luân, xã Chiềng Hắc, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La đang cắt tỉa cho vườn na của gia đình. (Ảnh: Văn Ngọc)

"Na Thái này phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Chiềng Hắc. Ưu điểm của loại na này là có thể thu hoạch 2 vụ/năm. Với giá bán trung bình khoảng 80 nghìn/1kg, có thời điểm còn lên đến 130 nghìn/1kg thì mỗi cây na có thể thu về từ 1- 1,2 triệu đồng một vụ.

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 5.

Na Thái hay còn gọi là Na Hoàng Hậu, đã và đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng vì quả to, vị ngọt thanh, màu sắc đẹp. (Ảnh: Văn Ngọc)

Mộc Châu khai thác lợi thế phát triển cây ăn quả

Trao đổi với phóng viên, ông Lường Văn Quynh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Mộc Châu, cho biết: Cao nguyên Mộc Châu ngoài cây chè, bò sữa, giờ đây đã có thêm nhiều loại cây ăn quả, "mùa nào thức nấy", đáp ứng nhu cầu thị trường. Để khai thác tối đa những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng, vị trí địa lý, những năm qua, Hội nông dân huyện Mộc Châu đã khuyến khích hội viên nông dân tích cực chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; triển khai hiệu quả phương pháp phát triển nông nghiệp mới, như sản xuất nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao, xây dựng chuỗi tiêu thụ quả an toàn...Đến nay, diện tích cây ăn quả trên 10.200 ha; sản lượng quả đạt trên 50.000 tấn, trong đó có trên  700  ha diện tích đất sản xuất theo hướng hữu cơ. Nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng, với trên 250 ha ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm nước; 36,35 ha diện tích nhà lưới, nhà kính.

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 6.

Những năm trở lại đây, việc phát triển cây ăn quả đã đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân huyện Mộc Châu. (Ảnh: Văn Ngọc).

"Chúng tôi luôn quan tâm đến phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ chức tuyên truyền đến các hội viên đoàn kết giúp đỡ nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững ở địa phương. Chúng tôi nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình trồng cây ăn quả ở các xã Đông Sang, Mường Sang, Tân Lập, Phiêng Luông, Chiềng Sơn, Chiềng Hắc... Ngay từ đầu năm, chúng tôi đã chủ động phối hợp với Công ty phân bón Hữu cơ vi sinh gà, tổ chức hỗ trợ cho hội viên nông dân đăng ký mua phân bón trả chậm phục vụ sản xuất năm 2020. Kết quả, chúng tôi đã cung ứng được hơn 200 tấn phân bón theo phương án trả chậm cho hội viên" ông Quynh nói.

Trái ngọt trên cao nguyên Mộc Châu - Ảnh 7.

Huyện Mộc Châu đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân thành lập các HTX, liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm quả. (Ảnh: Văn Ngọc).

Với hướng đi này, trong thời gian tới, Mộc Châu có thể trở thành vùng chuyên canh cây ăn quả ứng dụng công công nghệ cao của tỉnh Sơn La theo hướng liên kết sản xuất, tiêu thụ, chế biến. Mộc Châu sẽ có thêm nhiều sản phẩm quả chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, đem lại giá trị kinh tế, từng bước nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân trong hành trình phát triển nền nông nghiệp xanh, bền vững.


Văn Ngọc - Nguyễn Vinh