Trại trâu bò lớn nhất miền Bắc sử dụng "thần dược" khử mùi hôi, chỉ bán phân đã thu nửa tỷ

Minh Huệ Thứ hai, ngày 15/02/2021 06:15 AM (GMT+7)
Được biết, trại bò giống và nuôi trâu, bò lấy thịt này có quy mô 30ha, lớn nhất miền Bắc hiện nay.
Bình luận 0

Tận dụng các loại phế thải nông nghiệp làm thức ăn cho gia súc, áp dụng công nghệ sinh học xử lý nước tiểu, phân trâu bò để tạo ra phân bón vi sinh là những bước đi quan trọng, làm nên thành công của mô hình nuôi trâu bò thịt theo chuỗi tuần hoàn khép kín của Công ty CP Giống và Thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình.

Tận thu mọi thứ, bắt chất thải "đẻ" ra tiền

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP T&T 159 cho biết, trang trại nằm trong dự án Khu liên hợp sản xuất thức ăn chăn nuôi từ phế phụ phẩm nông nghiệp và trại sản xuất bò giống chất lượng cao, thuộc xã Yên Mông, TP.Hoà Bình (tỉnh Hòa Bình). 

Hiện trang trại chăn nuôi 1.200 con bò giống, 3.800 con bê, bò và hàng trăm con trâu nuôi vỗ béo, trong đó có khoảng 500 con bò Wagyu (giống bò đã làm nên thương hiệu thịt bò Kobe Nhật Bản nổi tiếng thế giới).

Triết lý nông nghiệp tuần hoàn ở trại trâu bò lớn nhất miền Bắc - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường cùng các đại biểu thăm trang trại bò thịt của Công ty CP T&T 159. Ảnh: Minh Huệ

Nếu không chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, không tận dụng tốt phế phụ phẩm từ chăn nuôi thì giá thành 1kg thịt bò có thể lên tới 80.000 - 100.000 đồng, nhưng áp dụng chăn nuôi khép kín như trên thì giá thành giảm chỉ còn khoảng 30.000 -35.000 đồng/kg thịt.

Dự án có tổng mức đầu tư gần 300 tỷ đồng. Trang trại được phân thành nhiều khu khác nhau như khu nuôi bò vỗ béo, khu nuôi bò giống, khu vỗ béo trâu, khu phối trộn thức ăn, khu chế biến phân bón, khu phối trộn đệm lót sinh học...  

Ông Thắng tiết lộ đây chỉ là vùng "lõi" của dự án, ngoài ra công ty còn hình thành chuỗi liên kết với 10.000 hộ dân tại Hòa Bình và các địa phương lân cận. Các hộ nông dân này tham gia cung cấp phế phụ phẩm trong nông nghiệp, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi và liên kết với công ty nuôi trâu bò sinh sản và lấy thịt.

"Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi khép kín, công nghệ cao nên trang trại của chúng tôi tận thu toàn bộ chất thải từ gia súc, gần như không phải vứt bỏ thứ gì. Tôi ví dụ thế này, trung bình 1 ngày, 1 con bò ăn khoảng 30kg thức ăn, uống 40 lít nước, thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Chúng tôi tận thu tất cả bằng đệm lót sinh học rải dưới nền chuồng, sau đó xử lý vi sinh để làm thành phân bón hữu cơ. 

Đây chính là nguồn phân bón sạch và cực kỳ tốt cho cây trồng, quay lại phục vụ việc trồng cỏ, trồng ngô sinh khối làm thức ăn cho gia súc. Chúng tôi vẫn đùa, từ lúc bò sinh ra đến khi bán mất khoảng 24 tháng, nhưng phân bò thì ngày nào cũng ra tiền" - ông Thắng khoe.

Theo ông Thắng, nếu không chủ động được nguồn thức ăn thô xanh, không tận dụng tốt phế phụ phẩm từ chăn nuôi thì giá thành 1kg thịt bò có thể lên tới 80.000 - 100.000 đồng, nhưng áp dụngchăn nuôi khép kín như trên thì giá thành giảm chỉ còn khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg thịt.

Ông Thắng dẫn chúng tôi đi xem khu trộn đệm lót, và tôi thấy nguyên liệu chính là vỏ trấu, thân cây ngô, đậu, vỏ cây keo, mùn cưa… Đều là những thứ lâu nay bà con bỏ đi, rất dễ kiếm và rất rẻ. 

Các phế phẩm này được đưa vào máy nghiền nát, sau đó đưa các chủng vi sinh hữu ích vào trộn đều. Đệm lót này được rải xuống nền chuồng nuôi trâu bò. Phân và nước tiểu rơi xuống sẽ được giữ lại toàn bộ; được các chủng vi sinh phân giải các hợp chất hữu cơ, vừa giúp khử mùi hôi từ chất thải, vừa tạo thành phân bón tốt cho cây trồng.

Chính nhờ có "thần dược" là đệm lót sinh học mà dù đi trong trang trại nuôi hàng nghìn con trâu bò, chúng tôi không thấy có mùi hôi thối, hay nhiều ruồi nhặng như các mô hình chăn nuôi truyền thống. Đặc biệt, đệm lót còn có tác dụng giúp con gia súc giữ ấm vào mùa đông, mát vào mùa hè.

Ước mơ xây dựng chuỗi nông nghiệp tuần hoàn

Triết lý nông nghiệp tuần hoàn ở trại trâu bò lớn nhất miền Bắc - Ảnh 3.

Ông Hà Văn Thắng giới thiệu mô hình chăn nuôi tuần hoàn. Ảnh: M.H

"Chăn nuôi đại gia súc sẽ là một trong những xu hướng chủ đạo của ngành chăn nuôi trong 10 năm tới. Làm gì cũng có rủi ro, quan trọng là chúng ta lường trước những rủi ro đó, đầu tư bài bản bằng chất xám, bằng công nghệ hiện đại và phải có chuỗi liên kết giữa người dân, HTX và doanh nghiệp…".

Ông Hà Văn Thắng

Giữa những chuồng nuôi trâu, bò là những khu đất trồng cỏ voi xanh tốt, xen những luống hoa ngũ sắc trồng dọc lối đi trong trang trại, vừa giúp tạo cảnh quan xanh sạch đẹp cho trang trại, vừa tận dụng tối đa diện tích đất trống để có thêm nguồn cỏ tươi cho đàn gia súc. 

Ông Thắng cho biết, trung bình mỗi tháng trang trại vùng lõi của Công ty T&T cung cấp cho thị trường khoảng 800 con trâu bò thịt, chủ yếu bán cho các nhà hàng, quán ăn tại Hòa Bình và Hà Nội.

Mỗi ngày, trang trại sản xuất khoảng 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh, giá trị 300 - 500 triệu đồng. Số tiền này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày. 

Công ty hiện có 4 dòng phân bón hữu cơ vi sinh. Các sản phẩm được cung ứng cho nông dân vùng cam Cao Phong và một số vùng chuyên canh cây ăn quả lân cận. Riêng một tập đoàn chuyên phát triển sản phẩm mắc ca đã ký hợp đồng mua 10.000 tấn phân bón vi sinh mỗi năm.

Ông Hà Văn Thắng cho biết, công ty đang tiếp tục hoàn thiện các mô hình sản xuất khép kín, sắp tới sẽ đưa vào hoạt động trang trại chăn nuôi trâu, bò khép kín tại xã Tân Mỹ (Lạc Sơn, Hòa Bình), sản xuất 100.000 tấn phân bón hữu cơ vi sinh. 

Bên cạnh đó, T&T 159 đã và đang cung cấp, chia sẻ giải pháp xử lý chất thải cho các trang trại chăn nuôi tại Vĩnh Phúc, Thái Bình, Quảng Bình…; phối hợp Tập đoàn Hòa Phát cung cấp chế phẩm vi sinh Biogo cho các trang trại lớn và người chăn nuôi nhiều địa phương.

"Ngành chăn nuôi nước ta đang có sự chuyển dịch theo hướng hiện đại, quy mô lớn, nhưng tỷ lệ còn khiêm tốn so với chăn nuôi nông hộ. Chủ yếu do chúng ta chưa có giải pháp công nghệ phù hợp, chưa tận dụng tốt nguồn phế phẩm từ nông nghiệp như rơm rạ, thân cây ngô, khoai, chuối, rau đậu, bã mía… Những thứ này rất rẻ và đều có thể chế biến làm thức ăn cho bò" - ông Thắng phân tích.

Quan trọng hơn, đó chính là giải pháp công nghệ mà T&T 159 chia sẻ để xây dựng thành các chuỗi nông nghiệp tuần hoàn. Trong đó, T&T 159 có trách nhiệm xây dựng các trung tâm vùng lõi để thực hiện liên kết với các nông hộ, cùng chia sẻ lợi ích cho các thành viên tham gia chuỗi.

"Trên nền tảng chăn nuôi truyền thống, chúng ta hoàn thiện và áp dụng công nghệ để tạo ra mô hình kinh tế mới, chính là nông nghiệp tuần hoàn. Kinh tế tuần hoàn sẽ là tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những bước phát triển bền vững và hiệu quả cao. Theo đó, rác thải của chu kỳ này sẽ là đầu vào của chu kỳ khác như một vòng tròn khép kín. Cái gì cũng có thể ra tiền" - ông Thắng khẳng định.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem