Sau triển lãm pop art gây chú ý năm 2011, anh gần như dừng hẳn mọi hoạt động hội họa. Vì sao vậy?
- Triển lãm với tôi giờ không còn ý nghĩa nào cả. Tôi vẽ như một cách làm lành vết thương lòng và để thoả mãn bản thân. Nếu vẽ mà trong đầu nghĩ đến chuyện khác, hoặc vừa cầm cọ lên đã nghĩ bức tranh này có bán được không, nó có làm mình nổi tiếng không, chắc họa sĩ đó không sáng tác được.
Hiện tại, nếu có triển lãm, tôi chọn làm triển lãm ở nước ngoài. Từ lâu rồi, tôi thấy chán nản với thực trạng hội họa trong nước. Trong một triển lãm, liệu có được bao nhiêu người hiểu tranh của mình. Tôi ghét những câu hỏi mà tôi không muốn trả lời, chẳng hạn, tranh này anh vẽ cái gì. Vẽ tranh là chuyện của cảm xúc nên không thể rạch ròi kiểu một cộng một bằng hai.
Nếu để ý sẽ thấy trong những triển lãm gần đây, tranh Việt Nam khi đem đấu giá đều bán giá thấp hoặc chẳng bán được như thời trước. Vì dường như người thưởng thức nhận ra được sự hời hợt trong cách vẽ của các họa sĩ. Họ cứ theo đuổi những giá trị ảo nào đó, có nhiều người nói rất nhiều mà chẳng thấy vẽ được chút nào. Họa sĩ là những người được trời phú cho chút khả năng hơn người nên chuyện vẽ là chuyện thầm lặng, anh phải làm, không cần phải nói nhiều, không cần phải phát ngôn to tát.
|
Họa sĩ Trần Trung Lĩnh.
|
Theo anh, giá trị ảo ở đây là gì?
- Đó là việc họ chạy theo những giá trị chỉ thuần là ngôn từ. Nhiều sinh viên vừa ra trường đã theo đuổi những thứ rất to tát như siêu thực, nghệ thuật sắp đặt, biểu hiện... mà quên mất những cái căn bản nhất. Hội họa là một hành trình, dù có năng khiếu so với người khác, anh cần có sự trưởng thành của bản thân về cả kỹ thuật, tư duy và sự trải đời.
Không ai ngăn các bạn theo đuổi những loại hình đó nhưng thú thật, tôi thấy những thứ như sắp đặt, video art, trừu tượng, body art... chưa thích hợp để theo đuổi lúc này. Những thứ này đều du nhập từ phương Tây và họ đã đi trước Việt Nam rất lâu rồi. Hơn nữa, xã hội phương Tây khác xa xã hội mình cả về quan điểm nghệ thuật lẫn cảm hứng sáng tác.
Đó là những trường phái nghệ thuật mang tính biểu hiện, khái quát rất cao. Đôi khi, chỉ một ký hiệu mà phản ánh được văn hóa của cả một thời đại. Bởi vậy, người tạo ra nó phải nhiều trải nghiệm, đọc nhiều, quan sát nhiều và đào xới mọi vấn đề bằng giác quan của anh ta. Nghệ thuật giống như một con dao hai lưỡi, có khi người thưởng ngoạn rất thích, có khi người ta coi nó chẳng ra gì.
Bởi vậy, khi theo đuổi mà tác phẩm không nói lên được điều gì, tôi thấy việc làm đó vô nghĩa. Đem nghệ thuật phương Tây vào thể nghiệm ở Việt Nam lúc này khác nào cảnh "râu ông nọ cắm cằm bà kia". Nhiều người mải mê theo đuổi những điều to tát như vậy nhưng lại lúng túng khi vẽ một bức chân dung đơn giản. Hãy cứ đi bằng chính đôi chân của mình, đâu cần phải chạy theo người khác cho hụt hơi, đuối sức.
Anh nói sao với nghệ thuật body painting được cổ vũ nhiều năm nay?
- Tôi thấy các họa sĩ body painting của mình vẽ xấu, chụp xấu và làm chưa thật sự tỉ mỉ. Body painting là loại hình đòi hỏi sự sáng tạo của cả ba chủ thể: họa sĩ, người mẫu và nhiếp ảnh, không phải muốn bôi, trát cái gì lên người cũng được. Vẽ lên cơ thể người nhưng không thể hiện được vấn đề gì hoặc là đi theo những khái niệm ý niệm này nọ vô nghĩa.
|
Tác phẩm pop art mang tên "Phật" của Trần Trung Lĩnh.
|
Vậy với mỹ thuật, ngoài pop art, anh theo đuổi điều gì khác?
- Tôi đang quay lại vẽ theo kiểu tạm gọi là biểu hiện. Cái này khi ra mới ra trường, tôi bị cuốn hút mãnh liệt và luôn tìm cách thử nghiệm. Hiện tại, có thời gian rảnh rỗi, tôi vẫn vẽ. Trường phái này đặc biệt hiếm người theo vì nó rất dữ dội, ồn ào, vội vã, đặc biệt là... rất khó bán vì không ai treo bức tranh trông như quỷ dữ trong nhà.
Phủ nhận những thử nghiệm nghệ thuật đương đại của đồng nghiệp, vì sao anh lại chọn con đường khá chông gai để theo đuổi?
- Tôi không cho đó là một con đường mình phải đi để được nổi tiếng hay giàu có. Đơn giản tôi chỉ làm những gì mình thích. Nếu ai nói tôi lập dị tức là người đó hoàn toàn không liên quan đến tranh của tôi. Người quan tâm không sử dụng ngôn ngữ như vậy. Tôi quan niệm trong nghệ thuật không có khái niệm "lập dị", đó chỉ đơn giản là cách thể hiện bản ngã của mình mà thôi.
Tôi vẫn làm những công việc khác như art director cho những video quảng cáo, làm họa sĩ thiết kế cho phim điện ảnh... để có tiền. Có công việc tôi thích, có công việc tôi rất ghét, nhưng tôi không cực đoan đến mức từ chối tất cả chỉ để chuyên tâm cho thứ mình đeo đuổi.
|
Trần Trung Lĩnh và con trai. Anh coi cậu bé là "tác phẩm nghệ thuật lớn nhất của cuộc đời".
|
Tài chính quan trọng thế nào đối với công việc sáng tác của anh?
- Tôi vẫn bán tranh vì rất cần tiền. Tôi là họa sĩ tối ngày nói không cần sự nổi tiếng, chỉ cần tiền. Bất cứ công việc gì không phạm pháp, kể cả làm xe ôm, tôi cũng chấp nhận làm để có tiền. Tiền đó để sống, nuôi con, theo đuổi đam mê với nghệ thuật và giúp đỡ ai đó. Ngoài đời tôi sống chậm. Tôi dành sự dữ dội, máu lửa cho những tác phẩm của mình.
(Theo Vnexpress)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.